Chiến sự Ukraine ngày 601: Kyiv tập kích bất ngờ, công khai tên lửa tầm xa

Khánh An
Khánh An
18/10/2023 05:00 GMT+7

Ukraine tấn công các sân bay do Nga kiểm soát ở Donetsk và Zaporizhzhia và gây tổn thất lớn, trước khi Tổng thống Volodymyr Zelensky xác nhận đã sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp.

Chiến sự Ukraine ngày 601: Kyiv tập kích bất ngờ, công khai tên lửa tầm xa - Ảnh 1.

Tên lửa ATACMS của Mỹ khai hỏa trong một thử nghiệm tại New Mexico

QUÂN ĐỘI MỸ

Hãng Reuters đưa tin quân đội Ukraine ngày 17.10 cho hay lực lượng nước này đã tấn công các sân bay tại những vùng lãnh thổ bị Nga giành quyền kiểm soát ở phía đông và phía nam, phá hủy các trực thăng và hạ tầng.

Quân đội Ukraine cho biết lực lượng của họ đã thực hiện "các cuộc tấn công có chủ đích vào các sân bay của đối phương" gần thành phố Luhansk (vùng Luhansk) phía đông và thành phố Berdyansk (vùng Zaporizhzhia) phía nam nhưng không đưa ra nhiều chi tiết.

Ông Putin: Nga 'phòng thủ tích cực', phản công Ukraine hoàn toàn thất bại

Lực lượng đặc nhiệm Ukraine cho hay phía Nga tổn thất 9 trực thăng, một bệ phóng tên lửa phòng không, các thiết bị khác. Ngoài ra, các đường băng cũng bị thiệt hại, trong khi lực lượng Nga tổn thất nặng.

Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về các thông tin trên. Quan chức Vladimir Rogov do Nga bổ nhiệm tại vùng Zaporizhzhia viết trên Telegram cho biết lực lượng phòng không Nga đã đảm bảo rằng cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào sân bay Berdyansk không thành công.

Mỹ bí mật chuyển ATACMS

Tuy nhiên, nhiều blogger quân sự Nga đưa tin về các cuộc tấn công. Kênh Telegram Fighterbomber của Nga nói rằng lực lượng nước này tổn thất nhân lực và thiết bị do Ukraine tấn công bằng ATACMS.

Đài CNN ngày 17.10 dẫn lời 2 quan chức Mỹ cho hay Washington đã âm thầm gửi các Hệ thống Tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) cho Ukraine, sau khi hình ảnh về bộ phận của tên lửa tầm xa này tại Ukraine xuất hiện trên mạng xã hội.

Tổng thống Nga chuyển giao ATACMS cho Ukraine là sai lầm của Mỹ

Hiện chưa rõ tên lửa của Mỹ được cung cấp khi nào. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Mỹ đã quyết định âm thầm gửi chúng vì muốn giúp Ukraine tấn công bất ngờ sâu phía sau chiến tuyến vào phía Nga.

Cũng theo quan chức trên, phía Nga biết về tầm bắn của tên lửa nên Mỹ lo ngại họ sẽ di chuyển thiết bị và vũ khí ra khỏi tầm bắn, trước khi tên lửa có thể được sử dụng.

Các quan chức Mỹ chỉ ra rằng Ukraine đã sử dụng ATACMS, tên lửa với một số phiên bản có tầm bắn lên đến 300 km, để tấn công các sân bay Berdyansk và Luhansk của Nga ở miền đông Ukraine trong tuần này.

Sau đó, trong bài phát biểu hằng đêm vào tối 17.10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận rằng lực lượng nước này đã sử dụng tên lửa ATACMS.

"Hôm nay, xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới Mỹ. Các thỏa thuận của chúng tôi với Tổng thống Biden đang được thực hiện. Rất chính xác - ATACMS đã chứng tỏ mình", ông phát biểu.

Mỹ cung cấp ATACMS phiên bản cũ cho Ukraine

Xem thêm: Mỹ âm thầm gửi tên lửa tầm xa cho Ukraine?

Nga tiến lên phía Avdiivka

Theo trang The Kyiv Independent ngày 17.10, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW-Mỹ) cho rằng lực lượng Nga đã tiến lên gần Avdiivka (vùng Donetsk).

Viện dẫn các đoạn phim được định vị địa lý, ISW cho quân đội Nga đã tiến tới cách Avdiivka 3 km về phía nam. Tuy nhiên, báo cáo từ Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho rằng quân đội Nga đã tiến hành ít cuộc tấn công tổng thể vào khu vực hơn những ngày trước.

ISW cho rằng các lực lượng Nga đang tăng cường "cường độ các cuộc tấn công bằng không quân và pháo binh vào khu vực này để bù đắp cho tiến triển chậm trên bộ".

Lực lượng Nga đã phát động một cuộc tấn công lớn vào Avdiivka hôm 10.10. Tuy nhiên, hệ thống phòng thủ dày đặc của Ukraine và các bãi mìn xung quanh thành phố đã ngăn cản, khiến các đơn vị Nga chịu tổn thất nặng nề trong những ngày đầu.

Nga muốn bao vây cứ điểm Ukraine ở Avdiivka?

59 công ty cùng Kyiv sản xuất vũ khí

Hãng thông tấn Ukrinform ngày 17.10 dẫn lời Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho hay 59 công ty từ 23 quốc gia đã gia nhập Liên minh Công nghiệp Quốc phòng, được thành lập tại Diễn đàn Công nghiệp Quốc phòng lần thứ nhất (DFNC1) ở Kyiv và sẽ cùng sản xuất vũ khí với Ukraine.

Nhà ngoại giao cho biết rằng hồi đầu năm, Kyiv đã khởi xướng Diễn đàn Công nghiệp Quốc phòng và tổ chức nó với sự hợp tác của Bộ Quốc phòng và Bộ Công nghiệp Chiến lược vào ngày 29.9.

"Liên minh các công ty quốc phòng sẽ sản xuất vũ khí chung với Ukraine đã được thành lập khi đó. Hiện nay, 59 công ty từ 23 quốc gia đã tham gia liên minh này. Đây là những cam kết cụ thể để cùng nhau tạo ra những vũ khí cần thiết", theo ông Kuleba.

Theo ông, Ukraine đã thấy trước nguy cơ kho hàng của đối tác "chạm đáy", nên nước này đã bắt đầu tìm hướng giải quyết vấn đề này cách đây một năm. Ngoại trưởng Kuleba nguy cơ cạn kiệt kho vũ khí hiện được giảm thiểu.

Cố vấn Tổng thống Ukraine nói viện trợ chậm trễ làm kéo dài cuộc xung đột

Trong một diễn biến khác, Đài CNN ngày 17.10 đưa tin Nghị viện châu Âu ủng hộ việc cấp thêm 50 tỉ euro từ Liên minh châu Âu trong 4 năm tới để giúp tái thiết Ukraine.

Đề xuất này, được Ủy ban châu Âu đưa ra hồi tháng 6, sẽ kết hợp các khoản tài trợ và khoản vay dành cho Ukraine trong ngân sách dài hạn 2024-2027 của khối.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.