Chiến sự Ukraine ngày 702: Tổng thống Putin lên tiếng vụ máy bay chở tù binh

27/01/2024 05:12 GMT+7

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26.1 tuyên bố rằng máy bay quân sự của Nga rơi gần biên giới với Ukraine hôm 24.1 đã bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ, dù là cố ý hay do nhầm lẫn.

Moscow cáo buộc Kyiv bắn rơi máy bay Ilyushin Il-76 ở vùng Belgorod của Nga, khiến 74 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có 65 tù binh Ukraine chuẩn bị được trao đổi với tù binh Nga. Ukraine chưa xác nhận hay phủ nhận việc họ có bắn rơi máy bay hay không, đồng thời bác bỏ tuyên bố của Moscow về những gì đã xảy ra và ai có mặt trên máy bay.

Phát biểu hôm 26.1, Tổng thống Putin cho biết kết quả điều tra của Nga sẽ được công bố trong 2-3 ngày tới, nhưng thông tin sơ bộ cho thấy tên lửa bắn rơi máy bay là của Mỹ hoặc Pháp, theo Reuters. Ông cũng nói rằng Kyiv đã biết máy bay này đang vận chuyển tù binh.

Nga đã cảnh báo Ukraine trước khi máy bay chở tù binh bị bắn rơi

"Tôi không biết họ cố tình hay nhầm lẫn, nhưng rõ ràng là họ đã làm vậy... Cho dù thế nào, những gì đã xảy ra là một tội ác. Dù là sơ suất hay cố ý, thì trong mọi trường hợp, đó đều là tội ác", Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo Nga.

Ông Putin cũng khẳng định chiếc máy bay không thể bị bắn hạ bởi "hỏa lực thiện chiến" của Nga vì hệ thống phòng không của Nga có các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn chúng tấn công máy bay của chính mình.

Chiến sự Ukraine ngày 702: Tổng thống Putin lên tiếng vụ máy bay chở tù binh- Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 26.1

REUTERS

Điện Kremlin cùng ngày cho biết Nga hiện không có ý định công bố bằng chứng chứng minh hàng chục binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong vụ việc. "Các nhà điều tra đang làm việc, tôi không có gì để nói thêm về chủ đề này", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên.

Truyền thông nhà nước Nga cho biết các hộp đen của máy bay đã được chuyển đến phòng thí nghiệm đặc biệt của Bộ Quốc phòng Nga ở Moscow và các nhà điều tra đang xem xét chúng.

Ukraine mời Chủ tịch Tập Cận Bình tham gia hội nghị hòa bình

Kyiv đã mời Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia một hội nghị bàn về việc tái lập hòa bình tại Ukraine, theo cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, giữa lúc xung đột chuẩn bị bước sang năm thứ ba.

"Chúng tôi chắc chắn mời Trung Quốc tham gia hội nghị, ở cấp cao nhất, cấp Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sự tham gia của Trung Quốc sẽ rất quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi nhờ các đối tác của mình trên thế giới truyền đạt cho phía Trung Quốc tầm quan trọng của việc tham gia vào một hội nghị như vậy", Reuters dẫn lời ông Igor Zhovkva, cố vấn của ông Zelensky.

Điểm xung đột: Houthi đến gặp Nga; ông Putin bất ngờ gửi tín hiệu về Ukraine?

Thụy Sĩ đã đồng ý tổ chức hội nghị mà một số nhà lãnh đạo thế giới sẽ tham dự, nhưng địa điểm hoặc ngày giờ cụ thể chưa được ấn định, theo Sky News. Trước đó, các cố vấn an ninh quốc gia của 82 quốc gia đã tham gia các cuộc đàm phán tập trung vào "công thức hòa bình" bao gồm 10 điểm của Ukraine, tại thành phố Davos của Thụy Sĩ trong tháng này.

Bắc Kinh không lập tức bình luận về tiết lộ của ông Zhovkva.

Nga bác tin Tổng thống Putin tiếp cận Mỹ

Điện Kremlin ngày 26.1 đã bác bỏ tường thuật của Bloomberg rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang "gợi ý" cho Mỹ về các cuộc đàm phán tiềm năng giúp chấm dứt chiến sự ở Ukraine, cũng như có thể xem xét việc từ bỏ các yêu cầu chính về tình trạng an ninh của Ukraine.

Theo tường thuật của Bloomberg, ông Putin đang "ném đá dò đường" xem liệu Washington có sẵn sàng tham gia đàm phán hay không và đã liên hệ với Mỹ thông qua các kênh gián tiếp.

Bài viết trích dẫn hai nguồn tin thân cận với Điện Kremlin nói rằng ông Putin "có thể sẵn sàng xem xét việc từ bỏ yêu cầu rằng Ukraine phải duy trì tình trạng trung lập và thậm chí cuối cùng sẽ không phản đối việc Ukraine trở thành thành viên NATO".

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã được các phóng viên hỏi về chuyện này, rằng Moscow có thực sự sẵn sàng từ bỏ các yêu cầu về tính trung lập và vấn đề gia nhập NATO đối với Ukraine hay không.

"Không, đây là một tường thuật sai trái. Hoàn toàn không đúng với thực tế", Reuters dẫn lời ông Peskov nói trong cuộc họp báo hôm 26.1.

Nga không đàm phán kiểm soát vũ khí với Mỹ, ra điều kiện gì?

NATO đánh giá sai về Nga?

Theo tư lệnh quân đội Estonia, thông tin tình báo mới về khả năng sản xuất đạn dược và tuyển quân của Nga đã khiến các đồng minh NATO phải đánh giá lại và đưa ra hàng loạt cảnh báo về việc chuẩn bị cho một cuộc xung đột lâu dài.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg gần đây, Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Estonia Martin Herem cho biết những dự đoán của NATO rằng lực lượng Nga sẽ đạt đến giới hạn nguồn lực của họ đã không trở thành hiện thực. Theo vị tướng, quân đội của Moscow có khả năng sản xuất vài triệu quả đạn pháo mỗi năm, vượt xa nỗ lực của châu Âu, đồng thời có thể tuyển mộ hàng trăm nghìn binh sĩ mới.

Ngày càng nhiều các chỉ huy quân sự của NATO bắt đầu cảnh báo rằng liên minh nên chuẩn bị cho một cuộc chiến với Moscow, và vị tướng đến từ Estonia, quốc gia có biên giới dài gần 300 km với Nga, trở thành người mới nhất gia nhập nhóm này.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.