Hãng TASS hôm qua dẫn nguồn tin tiết lộ Nga đã thực hiện một cuộc tấn công tên lửa chiến thuật Iskander gần Pokrovsk ở vùng Donetsk, phá hủy 3 giàn phóng tên lửa Patriot của Ukraine. Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ chế tạo, được cung cấp cho Ukraine để ngăn chặn tên lửa và máy bay do Nga phóng đến.
Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, Mỹ) cho biết các nguồn Nga đã lan truyền rộng rãi đoạn video quay cuộc tấn công vào ngày 9.3, cho rằng video quay cảnh lực lượng Nga phá hủy một hệ thống Patriot tại miền đông Ukraine. Đến nay, những tuyên bố này chưa được xác nhận.
Ngoại trưởng Ba Lan nói binh sĩ NATO đã có mặt tại Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga hôm 9.3 cũng công bố một đoạn video quay cảnh phá hủy hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Ukraine gần thị trấn Pokrovsk, cách thủ phủ Donetsk của tỉnh cùng tên khoảng 67 km về hướng tây bắc. Cuộc tấn công được thực hiện bằng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander. Hình ảnh từ video quay bằng máy bay không người lái (UAV) cho thấy vụ nổ lớn.
Trong hôm qua, TASS dẫn lời một phát ngôn viên quân sự của Nga cho biết lực lượng phòng không đã bắn hạ 49 UAV, 3 quả rốc két được phóng từ hệ thống HIMARS và một quả bom dẫn đường của Ukraine tại các khu vực ở Donetsk.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã phá hủy 2 UAV của Ukraine tại vùng Belgorod (miền tây Nga) vào sáng 10.3. Các UAV cánh cố định này "được sử dụng nhắm vào các cơ sở trên lãnh thổ Nga".
Tại tỉnh Kursk của Nga cũng giáp với Ukraine, tỉnh trưởng Roman Starovoyt hôm qua cho biết một phụ nữ thiệt mạng trong ngày sau vụ nã pháo của Ukraine. Vụ việc xảy ra tại làng Kulbaki, cách biên giới khoảng 10 km. Quả đạn pháo rơi trúng tòa nhà dân gây cháy và khiến người phụ nữ thiệt mạng, người chồng bị bỏng nặng. Ngoài ra, một UAV của Ukraine còn rơi xuống kho dầu tại thành phố Kursk.
Trước đó một ngày, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc gần 50 UAV của Ukraine đã tấn công 4 tỉnh của Nga chỉ trong đêm 9.3.
Ukraine chặn 35 UAV
Một cuộc tấn công trong đêm của Nga tại thị trấn miền đông Myrnograd đã làm bị thương ít nhất 11 người. Giới chức Ukraine thông báo vụ tấn công xảy ra vào 3 giờ sáng 10.3 tại thị trấn thuộc tỉnh Donetsk, cách tiền tuyến khoảng 40 km. Lực lượng Nga đã phóng đến 3 tên lửa S-300, nhắm vào một khu dân cư.
Hậu quả là 11 người bị thương, gồm một người 16 tuổi, và 17 tòa nhà cao tầng bị hư hại. Theo AFP, những bức ảnh hiện trường cho thấy nhiều xe hơi, tòa nhà bị phá hủy.
Không quân Ukraine thông báo đã phá hủy 35 trong số 39 UAV tấn công mà Nga phóng đến trong đêm, hầu hết là tại các tỉnh miền đông và miền nam. Ngoài ra, Moscow còn phóng 4 tên lửa S-300 nhưng Kyiv không nói rõ mức thiệt hại gây ra.
Mỹ nói gì về khả năng NATO đưa quân đến Ukraine?
Ngoại trưởng Ba Lan nói binh sĩ NATO đã có mặt tại Ukraine
Trong một phiên thảo luận đánh dấu kỷ niệm 25 năm gia nhập NATO của Ba Lan, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nói rằng binh sĩ NATO đã hiện diện tại Ukraine nhưng không nói rõ của nước nào.
"Binh sĩ của các nước NATO đã ở Ukraine và tôi muốn cảm ơn đại sứ của những nước đã chấp nhận rủi ro như vậy", ông Sikorski nói tại phiên thảo luận, theo hãng tin Sputnik.
Giới chức NATO chưa lập tức bình luận về thông tin này.
Pháp đang xây dựng một liên minh các nước sẵn sàng đưa quân sang Ukraine sau hơn 2 năm chiến sự. Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne hôm 8.3 đã đến Lithuania để gặp gỡ những người đồng cấp tại khu vực Baltic và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, theo RBC Ukraine.
Tại cuộc gặp, bà Sejourne nhấn mạnh: "Nga không phải là nước có quyền bảo chúng ta nên giúp Ukraine như thế nào trong những tháng hoặc năm tới. Chúng ta là người quyết định việc đó".
Hồi cuối tháng 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gợi ý việc đưa binh sĩ phương Tây đến giúp Ukraine nhưng ông cho rằng vấn đề chính là chưa có sự đồng thuận trong NATO.
Nhiều nước NATO như Anh, Đức, Cộng hòa Czech, Bulgaria, Tây Ban Nha hay Ý phản đối đề xuất của nhà lãnh đạo trong khu một số nước khác như Lithuania, Latvia và Estonia sẵn sàng cân nhắc. Canada cũng nói sẵn sàng đưa quân đến nhưng chỉ để huấn luyện ở khu vực cách xa tiền tuyến.
Nhiều người Ấn Độ bị lừa đi chiến đấu cho Nga tại Ukraine
Trước đó, Ngoại trưởng Ba Lan phản ứng tích cực với ý tưởng của Tổng thống Macron. Trong một thông báo trên mạng xã hội X (tên cũ là Twitter) ngày 8.3, ông Sikorski nói rằng "sự hiện diện của lực lượng NATO tại Ukraine không phải là điều không thể tưởng tượng". "Tôi đánh giá cao sáng kiến của Tổng thống Emmanuel Macron bởi mấu chốt là (Tổng thống Nga Vladimir) Putin lo sợ, không phải chúng ta sợ ông Putin", ông Sikorski nói.
Theo tờ Politico, các ngoại trưởng trong cuộc gặp tại Lithuania đã thảo luận việc binh sĩ nước ngoài giúp rà phá bom mìn trên lãnh thổ Ukraine.
Quan điểm của ông Sikorski trái ngược với Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, người đã làm rõ trong chuyến thăm CH Czech hồi tuần trước rằng Ba Lan không có ý định đưa quân sang nước láng giềng Ukraine. Ba Lan là đồng minh vững chắc của Ukraine từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2.2022. Theo ông Tusk, Warsaw nên tập trung hỗ trợ tối đa cho năng lực quân sự của Kyiv.
Giáo hoàng Francis nói Ukraine nên can đảm giương cờ trắng
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 2 và sắp được đăng tải, Giáo hoàng Francis nói rằng Ukraine nên có cái mà ông gọi là "can đảm giương cờ trắng" để đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh với Nga sau hơn 2 năm xung đột.
"Tôi nghĩ người mạnh mẽ nhất là người nhìn vào tình hình, nghĩ đến người dân và có dũng khí cầm cờ trắng, và đàm phán. Đàm phán là một từ can đảm. Khi thấy mình đang thất bại, mọi việc không được suôn sẻ thì bạn phải có dũng khí để thương lượng", theo Giáo hoàng Francis.
Trong thông cáo, phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni nói rằng Giáo hoàng Francis đã sử dụng lại từ "cờ trắng" của người phỏng vấn và sử dụng nó "để biểu thị việc dừng sự thù địch để có một lệnh ngừng bắn đạt được bằng sự can đảm của đàm phán".
Bình luận (0)