Chiến sự Ukraine ngày 770: NATO muốn đoạt quyền kiểm soát nhóm viện trợ Ukraine từ Mỹ

04/04/2024 04:32 GMT+7

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tìm cách giành lại quyền kiểm soát Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine (còn gọi là nhóm Ramstein) từ tay Mỹ, đề phòng khả năng ông Donald Trump quay lại Nhà Trắng.

Chiến sự Ukraine ngày 770: NATO muốn đoạt quyền kiểm soát nhóm viện trợ Ukraine từ Mỹ- Ảnh 1.

Pháo binh Nga hoạt động ở Ukraine

BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Nga dội bao nhiêu tên lửa, UAV, bom ở Ukraine?

Ngày 3.4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ước tính Nga đã sử dụng hơn 4.000 tên lửa, máy bay không người lái (UAV) Shahed, bom dẫn đường ở Ukraine.

Theo nhà lãnh đạo, lực lượng Nga phóng hơn 400 tên lửa gồm nhiều loại khác nhau, 600 UAV Shahed và 3.000 bom dẫn đường.

Ông Zelensky cũng cho hay Nga gia tăng cường độ tấn công Kharkiv, và cáo buộc nước này hiện sử dụng bom dẫn đường nhằm vào thành phố. Tuy nhiên, Moscow khẳng định lâu nay không tấn công vào khu dân cư.

NATO muốn lập quỹ 100 tỉ USD để yên tâm viện trợ Ukraine, không lo ông Trump thay đổi

Trước đó, Thị trưởng Kharkiv Ihor Terekhov nói rằng lực lượng Nga phá hủy gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng năng lượng của Kharkiv.

Nga chưa bình luận về thông tin trên.

Theo ông Zelensky, tình trạng phá hủy sẽ không xảy ra nếu Ukraine nhận được đầy đủ hệ thống tên lửa phòng không Patriot, đồng thời kêu gọi phương Tây hãy đẩy nhanh tiến độ viện trợ vũ khí cho Kyiv.

Còn Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng các đồng minh Ukraine có hơn 100 hệ thống Patriot, nhưng đến nay vẫn không đồng ý chia sẻ thêm từ 5 đến 7 hệ thống cho Ukraine. Đây là con số tối thiểu cần đến nếu Ukraine muốn tăng cường sự bảo vệ.

Nga nói bắn hạ hơn 18.500 UAV của Ukraine

Chiến sự Ukraine ngày 770: NATO muốn đoạt quyền kiểm soát nhóm viện trợ Ukraine từ Mỹ- Ảnh 2.

Một quân nhân Nga sử dụng drone trên tiền tuyến

BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Hôm 3.4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội nước này đã bắn hạ hơn 18.500 UAV của Ukraine từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt đến nay.

"Tổng cộng các mục tiêu sau đã bị tiêu diệt kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt: 581 máy bay, 270 trực thăng, 18.538 UAV, 495 hệ thống tên lửa đất đối không, 15.684 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 1.262 pháo phản lực phóng loạt, 8.644 khẩu pháo, súng cối cùng 20.576 phương tiện cơ giới quân sự đặc biệt", theo bộ Nga.

Nga đòi Ukraine dẫn độ lãnh đạo cơ quan an ninh

Cùng ngày, Hãng thông tấn TASS đưa tin lính đánh thuê từ Pháp và Georgia, cũng như các tay súng từ nhóm khủng bố bán vũ trang Quân đoàn Tình nguyện Nga đã đến Kharkiv. Ukraine chưa bình luận thông tin trên.

Về phần mình, Tổng thống Zelensky cảnh báo Nga đến tháng 6 sẽ gọi nhập ngũ thêm 300.000 binh sĩ.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã nhận hơn 100.000 người ký hợp đồng với quân đội kể từ đầu năm, trong đó có khoảng 16.000 người đăng ký nhập ngũ trong 10 ngày qua.

Thêm vào đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tháng trước cho biết Moscow sẽ tăng cường quân đội bằng cách bổ sung thêm 2 đội quân và 30 đơn vị mới vào cuối năm nay.

Chiến sự Ukraine ngày 770: NATO muốn đoạt quyền kiểm soát nhóm viện trợ Ukraine từ Mỹ- Ảnh 3.

Các ngoại trưởng NATO họp ở Brussels hôm 3.4

AFP

 NATO xây dựng cấu trúc viện trợ mới

Trong nỗ lực nhằm thu hồi quyền dẫn dắt Nhóm Ramstein từ tay Mỹ, NATO tại cuộc họp ngoại trưởng hôm 3.4 ở Brussels (Bỉ) đã thảo luận về khả năng thành lập quỹ 100 tỉ euro viện trợ quân sự cho Ukraine trong 5 năm.

Nhóm Ramstein được Mỹ dẫn đầu thành lập đầu năm 2022 với mục tiêu nâng cao năng lực cho quân đội Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Các cuộc họp đều diễn ra ở căn cứ không quân Ramstein ở Đức.

Pháp có đồng minh ủng hộ 'mơ hồ chiến lược' đối với Nga

Tuy nhiên, nhóm này đang có dấu hiệu suy yếu. Cuộc họp gần đây nhất vào cuối tháng 1 đã kết thúc mà không có bất kỳ khoản viện trợ quân sự nào được Mỹ thông qua cho Ukraine

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo kế hoạch cấu trúc lại viện trợ cho Ukraine, và dự kiến kế hoạch sẽ được chốt lại tại cuộc họp thượng đỉnh các lãnh đạo NATO tại Washington vào tháng 7.

Về nguồn tài chính đóng góp, Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna cho hay nước ông đề xuất mỗi thành viên NATO góp 0,25% GDP/năm để hỗ trợ quân sự cho Ukraine, theo Reuters.

Cùng ngày, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb đến thăm Ukraine và cùng với người đồng cấp chủ nhà Volodymyr Zelensky ký kết thỏa thuận hợp tác an ninh trong vòng 10 năm.

Thỏa thuận bao gồm nhiều lĩnh vực, từ ủng hộ chính trị, quốc phòng, an ninh đối với chính quyền Kyiv, lẫn các vấn đề về cải cách và tái thiết ở Ukraine.

Tổng thống Stubb cũng cho biết Phần Lan sẽ gửi thêm gói viện trợ quân sự trị giá ước tính 188 triệu euro, nâng tổng số đóng góp của nước này cho Ukraine lên khoảng 2 tỉ euro kể từ năm 2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.