Chiến sự Ukraine ngày 843: Phép thử ở Thụy Sĩ

16/06/2024 05:20 GMT+7

Hôm 15.6, Hội nghị hòa bình Ukraine diễn ra tại Thụy Sĩ nhưng không có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đại diện của Nga lẫn Trung Quốc.

Chiến sự Ukraine ngày 843: Phép thử ở Thụy Sĩ- Ảnh 1.

Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Viola Amherd (áo xanh) tiếp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ở nơi tổ chức hội nghị gần Lucerne hôm 15.6

AFP

Hội nghị mở màn với gói viện trợ tiền tỉ

Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi hội nghị được tổ chức ở khu nghỉ dưỡng Buergenstock gần Lucerne (Thụy Sĩ) trong ngày 15-16.6 là bước đi quan trọng để thảo luận những câu hỏi về viễn cảnh hòa bình và an ninh liên quan đến Ukraine.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden không tham gia mà cử Phó tổng tống Kamala Harris làm đại diện, trong khi Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman không đến dự mà thay bằng ngoại trưởng. Về phần minh, Ấn Độ chỉ cử phái đoàn cấp thấp hơn. Trung Quốc và Nga đều không tham gia.

Trước khi hội nghị bắt đầu, bà Harris công bố gói viện trợ quân sự và nhân đạo trị giá hơn 1,5 tỉ USD cho Ukraine trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Zelensky. Lịch trình dự hội nghị hòa bình của bà Harris kéo dài không đến 24 giờ.

Ông Zelensky hy vọng đạt được gì từ hội nghị thượng đỉnh về Ukraine?

Hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói Nga không gửi bất kỳ thông điệp nào đến những phái đoàn tham dự hội nghị Thụy Sĩ, và hy vọng lần sau cuộc xung đột sẽ được thảo luận tại một sự kiện có tính xây dựng hơn.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng các nước có mặt tại hội nghị Thụy Sĩ nên cân nhắc sáng kiến hòa bình của Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu muốn "cứu lấy thế giới", theo TASS.

Nga dự báo thời gian kiểm soát hoàn toàn Luhansk

Chiến sự Ukraine ngày 843: Phép thử ở Thụy Sĩ- Ảnh 2.

Pháo binh Nga ở Ukraine

BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Hôm 15.6, TASS dẫn lời nghị sĩ Duma Quốc gia (hạ viện Nga) Viktor Vodolatsky dự báo Nga sẽ kiểm soát huyện Kremensky của Luhansk trong vòng một tháng rưỡi nữa.

Điều này đồng nghĩa nghị sĩ Vodolatsky cho rằng quân đội Nga sẽ hoàn toàn kiểm soát Luhansk sau 90 ngày.

Sau khi hoàn tất mục tiêu trên, lực lượng Nga sẽ bắt tay xây dựng cái gọi là "vùng phi quân sự" như Tổng thống Putin từng đề cập trước đó.

Có gì trong đề xuất ngừng bắn mới của Tổng thống Putin?

"(Vùng phi quân sự) nên có chiều dài tương đương tầm bắn của các dòng tên lửa mà các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang triển khai trên lãnh thổ Ukraine…Nếu họ chuyển giao tên lửa tầm xa đến 500 km, vậy thì vùng phi quân sự sẽ trải dài 500 km", theo nghị sĩ Nga.

Ukraine chưa bình luận về thông tin trên.

G7 có thể tổn thất 83 tỉ USD nếu tịch thu tài sản Nga

Chiến sự Ukraine ngày 843: Phép thử ở Thụy Sĩ- Ảnh 3.

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni phát biểu hôm 15.6

AFP

Cũng trong ngày 15.6, Sputnik News tính toán được các nước G7 có thể mất gần 83 tỉ USD tiền đầu tư nếu tịch thu tài sản của Nga.

Theo tính toán dựa trên dữ liệu của Tổng cục Thống kê Nga, số tiền G7 đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế Nga đến cuối năm 2022 lên đến 82,8 tỉ USD.

Nước đầu tư lớn nhất là Anh, với 18,9 tỉ USD. Kế đến là Đức (17,3 tỉ USD), Pháp (16,6 tỉ USD) và Ý (12,9 tỉ USD). Cũng trong thời gian này, các công ty Mỹ rót tổng cộng 9,6 tỉ USD tiền đầu tư trực tiếp vào Nga; Nhật Bản và Canada lần lượt là 4,6 tỉ USD và 2,9 tỉ USD.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Ý hôm 14.6, các nước chính thức xác nhận kế hoạch cho Ukraine vay khoảng 50 tỉ euro vào cuối năm nay, và tiền hoàn trả sẽ lấy từ việc tịch thu tài sản của Nga ở nước ngoài.

Tổng thống Mỹ ký thỏa thuận an ninh mới với Ukraine

Thế nhưng, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni hôm 15.6 làm rõ các thành viên Liên minh châu Âu (EU) thuộc G7 sẽ không trực tiếp nhúng tay vào gói viện trợ trên, Reuters đưa tin.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, các nước phương Tây đã đóng băng khối tài sản trị giá 300 tỉ euro của Nga, với 2/3 số này ở châu Âu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.