Chiến sự Ukraine ngày 866: Nga, Ukraine đổ lỗi nhau vụ tập kích Kyiv

Bảo Hoàng
Bảo Hoàng
09/07/2024 03:30 GMT+7

Ukraine ngày 8.7 đã cáo buộc Nga tập kích tên lửa vào bệnh viện nhi, trong khi Moscow phản bác rằng vụ tấn công đến từ hệ thống phòng không của Kyiv.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc lực lượng Nga đã bắn hơn 40 tên lửa vào ít nhất năm trung tâm dân sự lớn, bao gồm bắn trúng một bệnh viện nhi Okhmatdyt ở thủ đô Kyiv của Ukraine vào sáng 8.7 (giờ địa phương).

Cơ quan An ninh Ukraine nói vũ khí phóng tới Kyiv là tên lửa hành trình Kh-101. Reuters đưa tin ít nhất 21 người thiệt mạng và 65 người bị thương trong vụ tập kích Kyiv. Ông Zelensky khẳng định sẽ có biện pháp đáp trả và kêu gọi phương Tây phản ứng mạnh mẽ về vụ tấn công. Nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng chưa rõ số người bị mắc kẹt trong đống đổ nát của bệnh viện nhi.

Ukraine nói Nga tấn công tên lửa khiến ít nhất 36 người thiệt mạng

Vào thời điểm diễn ra vụ tấn công, ông Zelensky đang trong chuyến công du Ba Lan, và đã mở đầu buổi họp báo tại Warsaw bằng một phút mặc niệm cho các nạn nhân.

Trong khi đó, Hãng TASS dẫn tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ cáo buộc từ Kyiv.

Moscow nói rằng bức ảnh và video từ hiện trường tại Kyiv "cho thấy rõ thiệt hại là do tên lửa phòng không Ukraine gây ra". Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga thông tin quân đội đã tấn công chính xác các căn cứ không quân và khu công nghiệp quốc phòng để đáp trả việc Ukraine tập kích vào đất Nga.

Chiến sự Ukraine ngày 866: Nga, Ukraine đổ lỗi nhau vụ tập kích Kyiv- Ảnh 1.

Bệnh viện nhi Ohmatdyt tại Kyiv, Ukraine hư hại sau khi bị tên lửa rơi trúng ngày 8.7

AFP

DTEK, công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine, cho biết ba trạm biến áp điện đã bị phá hủy hoặc hư hỏng ở Kyiv trong vụ tấn công. AFP đưa tin các vụ tấn công hạ tầng năng lượng Ukraine trong những tháng qua đã giảm một nửa công suất điện của nước này so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài Kyiv, giới chức Ukraine cho hay các vụ tấn công còn được ghi nhận ở thành phố Dnipro, Kryvyi Rig, Slavyansk và Kramatorsk. Vụ tấn công diễn ra một ngày trước khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có cuộc họp thượng đỉnh tại Mỹ.

Trung Quốc - Belarus diễn tập sát biên giới Ukraine

Hãng Tân Hoa xã ngày 7.7 đưa tin quân đội Trung Quốc và Belarus sẽ có đợt diễn tập chung vào giữa tháng 7 ở thành phố Brest, miền tây nam Belarus, cách biên giới Ukraine khoảng 60 km.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay đợt diễn tập dựa trên tinh thần thỏa thuận chung giữa hai nước và sẽ tập trung vào hoạt động chống khủng bố. Bộ này thông tin thêm đợt diễn tập nhằm nâng cao khả năng phối hợp của quân đội, cũng như tăng cường hợp tác thực tế giữa quân đội hai nước.

Bộ Quốc phòng Belarus ngày 6.7 thông báo quân nhân Trung Quốc đã đến Belarus và hai bên sẽ diễn tập vào ngày 8 - 19.7. Đây là lần đầu Trung Quốc gửi quân đến Belarus để huấn luyện. Đợt diễn tập chung giữa hai nước gần nhất diễn ra vào năm 2018 ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, theo South China Morning Post.

Tuần trước, Belarus chính thức gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), có trụ sở tại Bắc Kinh, trở thành thành viên thứ 10 của nhóm này.

'Cái bóng' Donald Trump phủ lên hội nghị thượng đỉnh NATO

Những vấn đề có thể phủ bóng hội nghị thượng đỉnh NATO

Lãnh đạo các nước thành viên NATO sẽ có cuộc họp thượng đỉnh tại Washington D.C, Mỹ ngày 9 - 11.7. Kế hoạch trọng tâm ban đầu là thảo luận về tăng cường hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, những vấn đề chính trị từ mỗi nước có thể phân tán sự tập trung của liên minh, theo Reuters.

Là lãnh đạo nước chủ nhà, màn thể hiện của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại buổi tranh luận với ông Donald Trump có thể khiến NATO ít nhiều lo ngại về kịch bản Nhà Trắng đổi chủ, do ông Trump là người thường bất hòa với NATO khi đương chức, cũng như chính sách đối ngoại và sự quan tâm của Mỹ dành cho liên minh quân sự này có thể thay đổi.

Thách thức cũng hiện hữu với các thành viên dẫn đầu NATO ở châu Âu. Sự bất ổn và không chắc chắn có thể đến từ diễn biến sau kỳ bầu cử tại Pháp, với kết quả không liên minh nào chiếm đa số tại quốc hội, có thể gây bế tắc trong hoạch định chính sách. Ngoài ra, Công đảng tại Anh, với chiến thắng tại kỳ bầu cử ngày 4.7, vừa bắt đầu quá trình lãnh đạo đất nước sau 14 năm quyền lực nằm trong tay đảng Bảo thủ. Còn với Đức, liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz đã suy yếu sau kết quả bầu cử bất lợi tại Nghị viện châu Âu.

Phát biểu trước họp báo, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận các lần hội nghị thượng đỉnh của khối luôn diễn ra trong thời điểm các nước thành viên có những chuyển biến chính trị trong nước. "Điều tôi và NATO có thể làm là chúng tôi tập trung vào bản chất của liên minh. Đó chính xác là những gì chúng tôi sẽ làm”, ông nói.

Chiến sự Ukraine ngày 866: Nga, Ukraine đổ lỗi nhau vụ tập kích Kyiv- Ảnh 2.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) đón Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đến Lầu Năm Góc ngày 8.7

AFP

Một quan chức cấp cao chính quyền ông Biden tuần trước nói rằng các đồng minh đã ghi nhận nỗ lực của Tổng thống Mỹ trong việc làm mới liên minh NATO, bao gồm mở rộng thành viên, giúp khối có năng lực hơn. “Các nhà lãnh đạo nước ngoài đã gặp ông Joe Biden trực tiếp và gần gũi trong 3 năm qua. Họ biết mình đang làm việc với ai”, quan chức giấu tên nói.

Về tình hình Ukraine, một số quan chức Mỹ nói Kyiv có thể nhận được “tin tốt” liên quan đến việc chuyển giao hệ thống phòng không Patriot. Hội nghị thượng đỉnh cũng dự kiến công bố kế hoạch viện trợ Ukraine, cũng như làm việc để đưa ra tuyên bố chung về khả năng kết nạp Ukraine vào NATO.

Lãnh đạo NATO không chắc chắn khi nào Ukraine sẽ được kết nạp

Ông Zelensky: Thủ tướng Hungary không thể làm trung gian cuộc chiến ở Ukraine

Nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 8.7 cho rằng Thủ tướng Hungary Viktor Orban không thể làm trung gian để kết thúc xung đột Nga-Ukraine, đã kéo dài 28 tháng. Theo ông Zelensky, chỉ ảnh hưởng của Trung Quốc, Mỹ hay EU mới đủ sức nặng cho tình hình Ukraine, Reuters đưa tin.

Ông Viktor Orban tuần trước đã công du Kyiv và Moscow để thảo luận về lối thoát cho xung đột ở Ukraine. Vào ngày 8.7, ông đã thăm Trung Quốc và có cuộc gặp với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại cuộc gặp, ông Tập nói Ukraine và Nga nên hạ vũ khí và tìm giải pháp ngoại giao, vì lợi ích của các bên, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết trong nỗ lực giảm căng thẳng sớm nhất có thể.

Ukraine đã tổ chức hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ vào tháng 6 nhưng Nga và Trung Quốc không tham gia sự kiện. Kyiv đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị lần 2 vào cuối năm và kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tham dự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.