Chiến sự Ukraine ngày 872: Nga triển khai siêu bom lượn ở Ukraine

15/07/2024 05:00 GMT+7

Bộ Quốc phòng Nga ngày 14.7 thông báo bắt đầu sử dụng tiêm kích Su-34 để phóng bom lượn FAB-3000 nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine, đồng thời cho biết vừa kiểm soát thêm một làng ở miền đông nước này.

Chiến sự Ukraine ngày 872: Nga triển khai siêu bom lượn ở Ukraine- Ảnh 1.

Pháo binh Nga khai hỏa tại một khu vực không được xác định ở miền đông Ukraine

BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Nga nói kiểm soát thêm làng ở Donetsk

Hôm 14.7, Nga thông báo đã kiểm soát thêm một ngôi làng ở miền đông Ukraine, đánh dấu bước tiến mới tại khu vực.

"Các đơn vị thuộc lực lượng Vostok đã kiểm soát làng Urozhaine" thuộc Donetsk, theo AFP dẫn cập nhật của Bộ Quốc phòng Nga. Urozhaine là một trong vài ngôi làng Ukraine xoay xở giành lại được trong chiến dịch phản công năm 2023.

Chính quyền Kyiv chưa bình luận về thông tin của phía Nga.

Nga triển khai siêu bom lượn ở Ukraine

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết tiêm kích Su-34 của nước này đã phóng siêu bom lượn FAB-3000 về phía một mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine, nhưng không đề cập là mục tiêu nào.

Phía Nga đồng thời công bố đoạn video quay cảnh quả bom được thả từ tiêm kích Su-34, trước khi bung cánh và lướt đi.

Trước đó, một blogger quân sự Nga đã chia sẻ một đoạn video có vẻ như ghi lại cảnh tượng siêu bom lượn FAB-3000 được sử dụng để tấn công làng Lyptsi thuộc tỉnh Kharkiv.

Blogger này cam đoan đoạn video lần đầu ghi hình tấn công trên thực tế của dòng bom FAB-3000, được trang bị mô đun lên kế hoạch và điều chỉnh phổ quát (UMPK).

Chiến sự Ukraine ngày 872: Nga triển khai siêu bom lượn ở Ukraine- Ảnh 2.

Siêu bom lượn FAB-3000 được thả khỏi Su-34 theo đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga đăng tải hôm 14.7

BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Bom FAB được lắp UMPK sau khi rời máy bay sẽ bung cánh để tiếp tục di chuyển đến đích nhờ vào hệ thống định vị vệ tinh trên thiết bị.

Còn lực lượng cảnh sát tỉnh Kharkiv cho hay lực lượng Nga đã dùng bom FAB-1500 tấn công huyện Kupiansk của tỉnh này vào ngày 5.5.

Ireland chuẩn bị thỏa thuận an ninh với Ukraine

Cùng ngày 14.7, Tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo Ireland đang chuẩn bị những bước đầu tiên hướng đến việc soạn thảo thỏa thuận an ninh song phương với chính quyền Kyiv.

Chiến sự Ukraine ngày 872: Nga triển khai siêu bom lượn ở Ukraine- Ảnh 3.

Tổng thống Volodymyr Zelensky gặp Thủ tướng Ireland ở sân bay Shannon hôm 13.7

AFP

Thông báo trên được đưa ra sau cuộc gặp giữa ông Zelensky và Thủ tướng Ireland Simon Harris ở sân bay Shannon (Ireland) trước đó 1 ngày.

Tổng thống Zelensky đã quá cảnh sân bay Shannon hôm 13.7 trên đường quay về Ukraine sau khi tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Washington của Mỹ.

Thủ tướng Harris cho hay đã có cuộc gặp tốt đẹp với ông Zelensky, và hai bên thảo luận khả năng ký kết thỏa thuận song phương trong các lĩnh vực rà phá bom mìn, năng lượng, hỗ trợ nhân đạo và an ninh thực phẩm.

Châu Âu thổi phồng khả năng sản xuất khi hứa cung cấp đạn pháo cho Ukraine

Ireland duy trì chính sách trung lập và không phải là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nước này có mức chi quốc phòng thuộc hàng thấp nhất Liên minh châu Âu (EU), chỉ khoảng 0,2% GDP.

Ukraine đã ký thỏa thuận an ninh với Ba Lan, Luxembourg và Romania. Hiện Văn phòng Tổng thống Zelensky đang chuẩn bị các thỏa thuận với CH Czech, Slovenia và Ireland.

Hungary phản đối Ukraine gia nhập NATO

Chiến sự Ukraine ngày 872: Nga triển khai siêu bom lượn ở Ukraine- Ảnh 4.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky ở Kyiv hồi đầu tháng 7

VĂN PHÒNG TỔNG THỐNG URKAINE

Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã phản đối khả năng NATO kết nạp Ukraine trong cuộc gặp với Tổng thống Zelensky tại hội nghị NATO ở Mỹ hôm 13.7, theo Bloomberg.

Ông Orban luôn giữ quan điểm từ chối ủng hộ quân sự đối với Ukraine và cho rằng Kyiv không nên được kết nạp làm thành viên của khối liên minh quân sự, bất chấp sự phản đối của các nhà lãnh đạo NATO.

Tại một diễn biến khác, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết đã rút quân khỏi khu vực biên giới với Ukraine sau khi căng thẳng tại đây dịu đi.

Lãnh đạo NATO không chắc chắn khi nào Ukraine sẽ được kết nạp

Cuối tháng trước, Bộ Quốc phòng Belarus tuyên bố tăng cường an ninh biên giới để ứng phó việc Kyiv tập trung binh lực ở phía bên kia giới tuyến. Belarus cũng triển khai sư đoàn các hệ thống rốc két phóng loạt đến đây nhằm kiểm tra mức độ sẵn sàng tác chiến của những hệ thống này.

Đến ngày 14.7, ông Lukashenko cho biết tình báo trong nước phát hiện Ukraine đã rút quân khỏi những khu vực nhạy cảm ở biên giới và vì thế phía Belarus cũng yêu cầu các đơn vị bổ sung quay lại căn cứ nhà.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.