Chiến sự Ukraine ngày 876: Bước tiến mới của Nga ở Kharkiv

19/07/2024 05:07 GMT+7

Quân đội Nga cho hay đã kiểm soát dãy nhà cao tầng đầu tiên ở thành phố Volchansk (tỉnh Kharkiv), trong khi các bên tranh cãi về khả năng hòa đàm giữa Nga và Ukraine

Chiến sự Ukraine ngày 876: Bước tiến mới của Nga ở Kharkiv- Ảnh 1.

Lính Nga trong một đợt diễn tập

BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Nga chiếm lĩnh dãy nhà cao tầng đầu tiên ở Volchansk

Thiếu tướng Apti Alaudinov, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị - Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Nga và là Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Akhmat, cho biết vào đầu tháng 7, lực lượng vũ trang Ukraine đã triển khai các đơn vị tinh nhuệ, bao gồm các đội lính đánh thuê nước ngoài, đến thành phố Volchansk của Kharkiv. Tuy nhiên, quân Nga đã có những bước tiến tại đây.

"Dãy nhà cao tầng đầu tiên (của Volchansk) đã thuộc quyền kiểm soát của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng Nga. Mỗi ngày các đơn vị Nga đều tiến thêm một ít", Sputnik hôm 18.7 dẫn lời thiếu tướng Alaudinov.

Nga bác tin chiến dịch tấn công Kharkiv thất bại

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã bắn phá các cơ sở hạ tầng sân bay quân sự của Ukraine, binh lực và khí tài quân sự của đối phương tại 127 khu vực.

Ukraine chưa bình luận về những thông tin trên.

Cùng ngày, chính quyền Kyiv thông báo đề xuất tăng thuế lần đầu tiên trong thời chiến nhằm huy động nguồn ngân sách cần thiết cho nỗ lực trang bị vũ khí và trả lương quân nhân trong năm nay.

Theo Reuters, đề xuất được đưa ra tại cuộc họp hàng tuần, bao gồm nội dung tăng chi quốc phòng thêm 495,3 tỉ hryvnia (11,9 tỉ USD) lên khoảng 1.700 tỉ hryvnia cho năm 2024.

Để chính thức có hiệu lực, quốc hội nước này cần phải bỏ phiếu thông qua dự luật trước khi được Tổng thống Volodymyr Zelensky ký phê chuẩn.

Khả năng hòa đàm Nga-Ukraine

Chiến sự Ukraine ngày 876: Bước tiến mới của Nga ở Kharkiv- Ảnh 2.

Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp Cộng đồng Chính trị châu Âu ở Cung điện Blenheim (Anh) hôm 18.7

REUTERS

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 18.7 nói rằng hiện có những động thái lôi kéo Nga tham gia hội nghị hòa bình cho Ukraine lần hai. Tuy nhiên, chính quyền Moscow sẽ không chấp nhận các tối hậu thư buộc Nga phải tham gia.

Vài ngày trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị hòa bình thứ hai vào tháng 11, và các đại diện Nga nên tham dự.

Tổng cộng 92 nước gửi phái đoàn tham gia hội nghị đầu tiên ở Thụy Sĩ vào tháng 6. Nga không được mời dự và cho rằng sự kiện này chỉ tốn thời gian tổ chức.

Mỹ kiên quyết không cho phép Ukraine tấn công Nga bằng ATACMS

Tại Hội nghị Cộng đồng Chính trị châu Âu diễn ra ở Anh hôm 18.7, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd thông báo đến nay đã có 87 nước ký vào tuyên bố chung của hội nghị lần 1 do nước này tổ chức.

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto nói với Hãng thông tấn TASS rằng cuộc hòa đàm về Ukraine có thể triển khai trong năm nay nếu ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

Ông Szijjarto cho rằng quan điểm của Mỹ về cuộc xung đột Ukraine sẽ thay đổi dưới thời Tổng thống Trump.

Ukraine ký thỏa thuận an ninh với CH Czech, Slovenia

Chiến sự Ukraine ngày 876: Bước tiến mới của Nga ở Kharkiv- Ảnh 3.

Thủ tướng Slovenia Rober Golob và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại lễ ký thỏa thuận an ninh

VĂN PHÒNG TỔNG THỐNG UKRAINE

Cũng tại Anh, Ukraine đã ký thỏa thuận an ninh 10 năm với CH Czech và Slovenia. Theo thỏa thuận, Prague và Ljubljana sẽ cung cấp cho Ukraine hỗ trợ quân sự dài hạn và viện trợ phi quân sự.

Đến nay, Ukraine ký kết thỏa thuận an ninh song phương với 23 nước, trong đó có Mỹ, Anh, Đức, Pháp, dựa trên cam kết được G7 đưa ra vào tháng 7.2023.

Báo The Kyiv Independent cho hay đang có thêm 7 thỏa thuận tương tự chờ ký.

Tổng tham mưu trưởng Nga bất ngờ đến tiền tuyến ở miền đông Ukraine

Trong một diễn biến khác, Nga không loại trừ việc triển khai tên lửa hạt nhân để đáp trả việc Mỹ có kế hoạch đặt vũ khí tầm xa ở Đức, theo Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 18.7.

Thứ trưởng Ryabkov cho hay nơi cần được triển khai vũ khí hạt nhân là Kaliningrad, vùng nằm gần hai thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Ba Lan và Lithuania.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.