Chiến sự Ukraine ngày 996: Kyiv tuyên bố chiến đấu giành lại toàn bộ lãnh thổ

16/11/2024 04:32 GMT+7

Ukraine đang chiến đấu để giành lại tất cả lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát, và bất kỳ thông tin nào cho rằng nước này đang thay đổi mục tiêu của cuộc chiến đều là tin vịt, theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov.

Chiến sự Ukraine ngày 996: Kyiv tuyên bố chiến đấu giành lại toàn bộ lãnh thổ- Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov trong chuyến thăm Berlin (Đức) hôm 4.9

ảnh: reuters

Bộ trưởng Quốc phòng nói về mục tiêu của Ukraine

"Toàn vẹn lãnh thổ là một phần của giá trị của chúng tôi", Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov tại cuộc báo chung với người đồng cấp Na Uy ở Oslo hôm 15.11.

Trước câu hỏi về các bài báo cho rằng Ukraine đang chuyển hướng trọng tâm trong cuộc chiến với Nga, ông Umerov bác bỏ những thông tin này và khẳng định mục tiêu của Ukraine luôn kiên định.

Điểm xung đột: Ukraine cân nhắc vũ khí hạt nhân? Diễn biến bất ngờ với Iran

'Ưu tiên của chúng tôi vẫn là bảo vệ người dân, lãnh thổ", ông Umerov cho biết, và nói thêm rằgn việc đoạt lại Donbass và Crimea đều nằm trong kế hoạch của chính quyền Kyiv. Nga đã sáp nhập Crimea từ năm 2014.

Trước đó, báo The New York Times dẫn lời một số quan chức Ukraine cho biết Kyiv đang xem việc đảm bảo an ninh là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong các cuộc đàm phán với Nga và bắt đầu giảm ưu tiên vào việc giành lại lãnh thổ đã mất.

Chiến sự Ukraine ngày 996: Kyiv tuyên bố chiến đấu giành lại toàn bộ lãnh thổ- Ảnh 2.

Pháo binh Nga ở Ukraine

ảnh: bộ quốc phòng nga

Nga đoạt thêm làng, Ukraine tung UAV

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã kiểm soát 5 làng ở Donetsk và Kharkiv trong tuần lễ từ 9-15.11.

Cụ thể, các đơn vị Nga đã giành được làng Kolesnikovka thuộc tỉnh Kharkiv, và các làng Voznesenka, Volchenka, Stepanovka và Rovnopol thuộc Donetsk, theo TASS.

Cũng trong tuần qua, phía Nga tổng cộng thực hiện 42 cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác và máy bay không người lái (UAV) vào những vị trí quân sự của Ukraine, phá hủy một xưởng sản xuất linh kiện cho tên lửa Sapsan.

Bộ Quốc phòng Nga ghi nhận quân đội Ukraine tổn thất hơn 15.500 binh sĩ trên các mặt trận từ ngày 9-15.11.

Ukraine chưa bình luận về thông tin này.

Nga bắn tên lửa vào thủ đô Ukraine lần đầu sau nhiều tháng

Trong một diễn biến khác, Kyiv Independent dẫn lời Tỉnh trưởng Krasnodar, ông Veniamin Kondratiev thông báo khu vực đã trúng đợt tấn công dày đặc của các máy bay không người lái (UAV) của Ukraine vào khuya 14.11 rạng sáng 15.11. Một trong các huyện bị tấn công có sân bay quân sự.

Hệ thống phòng không Nga đánh chặn 36 UAV bên trên các huyện Krymsk và Krasnoarmeisk. Những mảnh vụn UAV rơi xuống gây thiệt hại cho nhà dân. May mắn không có thương vong.

Chiến sự Ukraine ngày 996: Kyiv tuyên bố chiến đấu giành lại toàn bộ lãnh thổ- Ảnh 3.

Phía Nga nói chính phủ Đức là bên đưa ra đề nghị điện đàm

ảnh: afp

Điện đàm lãnh đạo Đức-Nga

Ngày 15.11, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có cuộc điện đàm đầu tiên sau gần 2 năm .

DW dẫn lời phát ngôn viên chính thức của các bộ trưởng nội các Đức Steffen Hebestreit cho biết trong cuộc điện đàm kéo dài 1 giờ, Thủ tướng Đức Olaf Scholz kiên trì thuyết phục Nga hãy sẵn sàng đàm phán với Ukraine để đạt được hòa bình một cách công bằng và lâu dài.

Nhà lãnh đạo cũng nói rằng chính quyền Berlin cam kết ủng hộ Kyiv cho đến khi nào còn cần thiết, và lời hứa này sẽ không bao giờ bị lay chuyển. Ông Scholz cũng thúc giục ông Putin chấm dứt chiến sự và rút quân.

Về phần mình, Tổng thống Putin cho hay sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Ukraine. Thế nhưng, bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào tiến đến chấm dứt chiến sự Ukraine đều phải phản ánh "những thực tế mới về lãnh thổ", các lợi ích về an ninh của Nga, cũng như cội rễ dẫn đến xung đột, theo nhà lãnh đạo.

Cựu thủ tướng Anh: London sẽ điều quân sang Ukraine nếu Mỹ cắt viện trợ

Trước khi điện đàm với ông Putin, Thủ tướng Đức cũng trao đổi với Tổng thống Volodymyr Zelensky. Tuy nhiên, ông Zelensky cảnh báo rằng việc Đức nối lại đối thoại với Nga có thể giảm áp lực cô lập đối với nhà lãnh đạo Nga.

Tổng thống Putin không nói chuyện với đa số các lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và phương Tây kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2.2022.

Trong khối NATO, nhà lãnh đạo Nga hiện chỉ duy trì liên hệ với Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.