Chiến sự Ukraine ngày 999: Nga phản đối ngừng bắn, cáo buộc Mỹ châm dầu vào lửa

19/11/2024 04:28 GMT+7

Điện Kremlin tuyên bố không đồng ý 'đóng băng' chiến sự và xem thông tin Mỹ cho phép Ukraine phóng tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga là bước leo thang nguy hiểm.

Lãnh thổ Ukraine bị tập kích mạnh

Trang The Kyiv Independent ngày 18.11 dẫn thông báo từ giới chức địa phương của Ukraine cho hay các cuộc tấn công của Nga trong ngày đã làm nhiều người thương vong. Tại tỉnh Sumy ở miền bắc, nhiều cuộc tấn công trong đêm khiến 11 người thiệt mạng và 89 người bị thương.

Điểm xung đột: Mỹ cho Ukraine tấn công sâu vào đất Nga, xung đột sắp leo thang?

Không quân Ukraine nói đã bắn hạ 8/11 máy bay không người lái (UAV) do Nga phóng đến. Moscow còn tấn công Sumy bằng 2 tên lửa đạn đạo Iskander-M và một tên lửa hành trình Kh-59.

Tại thành phố Odessa ở miền nam, một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo làm 10 người thiệt mạng và 43 người bị thương. Trong số các nạn nhân có nhiều cảnh sát.

Nga chưa bình luận về những thông tin trên.

Chiến sự Ukraine ngày 999: Nga phản đối ngừng bắn, cáo buộc Mỹ châm dầu vào lửa- Ảnh 1.

Hiện trường vụ tấn công tại Odessa ngày 18.11

ẢNH: REUTERS


Chiến sự Ukraine ngày 999: Nga phản đối ngừng bắn, cáo buộc Mỹ châm dầu vào lửa- Ảnh 2.
Chiến sự Ukraine ngày 999: Nga phản đối ngừng bắn, cáo buộc Mỹ châm dầu vào lửa- Ảnh 3.
Chiến sự Ukraine ngày 999: Nga phản đối ngừng bắn, cáo buộc Mỹ châm dầu vào lửa- Ảnh 4.

Hiện trường vụ tấn công tại Odessa ngày 18.11

ẢNH: REUTERS

Nga bác bỏ đề xuất đình chiến

Hãng tin Bloomberg loan tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đề xuất ý tưởng hòa bình cho Ukraine tại hội nghị G20 ở Brazil. Theo đó, Ukraine không gia nhập NATO trong ít nhất 10 năm, đóng băng tiền tuyến hiện tại, cung cấp vũ khí cho Ukraine, triển khai lực lượng quốc tế đến vùng đệm phi quân sự tại Donbass (vùng miền đông Ukraine gồm 2 tỉnh Donetsk và Luhansk).

Bình luận về thông tin này, người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói đóng băng chiến sự là điều "không thể chấp nhận". "Bất kỳ lựa chọn nào liên quan đóng băng xung đột dọc tuyến giao tranh đều không thể chấp nhận đối với Nga. Những điều kiện mà Tổng thống (Vladimir) Putin đặt ra hồi tháng 6 vẫn hoàn toàn phù hợp. Đó là điều cần làm để chấm dứt các hành động quân sự", TASS dẫn lời ông Peskov.

Tổng thống Zelensky: Ông Trump sẽ giúp xung đột Ukraine kết thúc sớm hơn

Hồi tháng 6, ông Putin ra điều kiện giải quyết tình hình Ukraine. Theo đó, Ukraine phải rút quân khỏi Donbass và từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO. Moscow cũng yêu cầu phương Tây phải dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận lên Nga và đảm bảo sự trung lập cũng như phi hạt nhân của Ukraine.

Tuyên bố của Nga được đưa ra khi cuộc xung đột bước sang ngày thứ 1.000 trong ngày 19.11 và lực lượng Nga được cho là đang kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine. Hồi tháng 2, Ukraine để mất thị trấn Avdiivka ở miền đông. Tháng 8, nước này đưa quân sang tỉnh Kursk của Nga trong khi quân Moscow vẫn tiến dần tại miền đông. Trong ngày 18.11, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các lực lượng đã giành được làng Novooleksiivka, cách thị trấn chiến lược Pokrovsk ở Donetsk khoảng 15 km.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngày thông báo đã thăm thị trấn tiền tuyến Pokrovsk, miêu tả tình hình tại đây "đầy thách thức và căng thẳng". Đoạn video được công bố cho thấy ông Zelensky thăm hỏi binh sĩ tại thị trấn, nơi mà lực lượng Nga chỉ còn cách khoảng 8 km.

Vài giờ sau đó, ông thông báo đang ở thành phố Kupiansk tại tỉnh Kharkiv, một đô thị tiền tuyến khác.

Chiến sự Ukraine ngày 999: Nga phản đối ngừng bắn, cáo buộc Mỹ châm dầu vào lửa- Ảnh 5.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm binh sĩ tại Pokrovsk

ẢNH: REUTERS

Các bên phản ứng thông tin Ukraine được tấn công tầm xa

Truyền thông Mỹ loan tin chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS để tấn công lãnh thổ Nga trong khi Nhà Trắng chưa xác nhận.

Hành động được cho là nhằm phản ứng với thông tin binh sĩ CHDCND Triều Tiên tham chiến cùng Nga chống Ukraine, điều cũng chưa được Nga xác nhận.

Phát biểu về thông tin trên vào cuối ngày 17.11, Tổng thống Zelensky cho hay việc cung cấp năng lực tấn công tầm xa cho Ukraine là một trong những điểm chính của kế hoạch chiến thắng mà ông đã trình bày với các đối tác. "Hôm nay, truyền thông đã nói nhiều về việc chúng tôi đã được phê chuẩn để có những hành động liên quan. Nhưng các cuộc tấn công không được thực hiện bằng lời nói. Những thứ đó không được công bố. Những quả tên lửa sẽ tự lên tiếng", ông viết trên X.

Anh có thể thiếu tên lửa Storm Shadow để bổ sung cho Ukraine

Bình luận về thông tin trên, người phát ngôn Điện Kremlin gọi đó là "quyết định liều lĩnh, nguy hiểm", nhằm thay đổi chất lượng, gia tăng mức độ liên quan của Mỹ trong cuộc xung đột. Ông Peskov lặp lại tuyên bố của Tổng thống Putin hồi tháng 9 rằng động thái đó đồng nghĩa NATO, Mỹ và châu Âu liên quan trực tiếp trong cuộc xung đột Ukraine bởi Kyiv cần sự hỗ trợ của quân nhân và hạ tầng quân sự của NATO để nhắm mục tiêu và phóng tên lửa.

"Rõ ràng chính quyền sắp mãn nhiệm tại Washington có ý định thực hiện các bước để tiếp tục châm thêm dầu vào lửa và tiếp tục khiêu khích căng thẳng quanh cuộc xung đột này", ông Peskov nói.

Các đồng minh châu Âu của Mỹ đã đưa ra những ý kiến dè dặt. Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cho biết Paris vẫn để ngỏ khả năng cho phép Kyiv sử dụng tên lửa tầm xa của Pháp để tấn công mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga, theo AFP.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho rằng quyết định nói trên của Mỹ, nếu đúng, là "điều rất cần thiết, rất quan trọng và có thể là thời khắc quyết định" cho xung đột, theo Reuters.

Chính phủ Đức lại tuyên bố không thay đổi quan điểm lâu nay là không cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói việc thành viên NATO cho Ukraine phóng tên lửa tầm xa của liên minh vào Nga là điều vô cùng nguy hiểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.