Với Điện Biên Phủ, 'các dân tộc thuộc địa ngẩng cao đầu'
Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện lớn của lịch sử thế giới hiện đại. Tác giả Jules Roy, nhà báo kiêm sử gia, nguyên đại tá quân đội viễn chinh Pháp, nhận xét trong cuốn Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp: "Trên toàn thế giới, trận Waterloo cũng ít có tiếng vang hơn. Điện Biên Phủ thất thủ gây ra một sự kinh hoàng ghê gớm. Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện Điện Biên Phủ vẫn còn âm vang". "Tiếng sấm" đó báo hiệu cơn giông bão sắp đến với chủ nghĩa thực dân.
Trước trận Điện Biên Phủ, trong suốt 500 năm lịch sử chế độ thuộc địa, chưa có dân tộc thuộc địa nào đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của một đế quốc lớn. Trong khoảng thời gian gần 2 thập niên sau Điện Biên Phủ, hàng loạt nước thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh đã lần lượt giành được độc lập với hình thức và mức độ khác nhau. "Việt Nam - Điện Biên Phủ" là khẩu hiệu đấu tranh cũng đồng thời là niềm tin vào thắng lợi vùng lên của nhiều dân tộc.
Tổng thống Mỹ J. F. Kennedy đã thừa nhận: "Qua nghiên cứu, chúng ta thấy rằng cách mạng giải phóng dân tộc là một sự kiện cơ bản của thời đại chúng ta. Sức mạnh to lớn nhất trên thế giới, đó là lòng khao khát vươn lên độc lập dân tộc... Eisenhower đã phải chịu những hậu quả chính trị của Điện Biên Phủ và sự tống cổ những người phương Tây khỏi Việt Nam năm 1954. Ngày nay cuộc chiến đấu không phải diễn ra ở châu Âu mà là ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh". Sự thừa nhận này đã được các nhà nghiên cứu nhắc lại trong cuốn Chiến thắng Điện Biên Phủ, sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại.
Với Điện Biên Phủ, Việt Nam đã nêu cao tấm gương và bài học: một dân tộc nhỏ, yếu có thể đánh bại một cường quốc hùng mạnh khi nhân tố con người đã trở thành quyết định, vượt lên trên các yếu tố tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự. Điện Biên Phủ đã chứng minh rằng: các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, biết đoàn kết đấu tranh và sáng tạo thì nhất định sẽ giành được thắng lợi.
Điện Biên Phủ là thắng lợi của khát vọng độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. Đó cũng là khát vọng của tất cả các dân tộc bị áp bức, là một giá trị phổ quát của nhân loại. Điện Biên Phủ cũng là lời khẳng định mạnh mẽ trước thế giới về quyền độc lập dân tộc, quyền tự quyết và quyền được hưởng sự công bằng trong các mối quan hệ quốc tế cần được tôn trọng. Ý nghĩa này đến nay vẫn cần nhấn mạnh khi xác lập những mối quan hệ quốc tế giữa các nước đang phát triển với các nước phát triển.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là điểm kết thúc của quá trình khởi đầu. Đó là điểm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ và trong vòng vây của nhân dân Việt Nam để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đó cũng là điểm khởi đầu sụp đổ của hệ thống thuộc địa kiểu cũ. Thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Algeria năm 1960 là dẫn chứng tiêu biểu cho quá trình đó. Ông Oman Ouchedic, Trưởng đoàn đại biểu Quân đội Algeria, đã nói ngắn gọn trong dịp sang thăm Việt Nam năm 1961: "Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho các dân tộc thuộc địa ngẩng cao đầu".
Thắp sáng và trao truyền tinh thần Điện Biên Phủ
Trong tinh thần Điện Biên Phủ hiển hiện khát vọng độc lập của dân tộc Việt Nam. Đó là cội nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng vĩ đại. Đó là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sức mạnh của toàn quân, toàn dân, từ tiền tuyến đến hậu phương đã được động viên vào trận quyết chiến Điện Biên Phủ để quyết thắng. Sức mạnh đó biểu hiện qua tinh thần yêu nước và bất khuất, tinh thần quật cường giành và giữ độc lập, tự do, qua tinh thần quyết chiến, quyết thắng, tinh thần sáng tạo và kiên trì.
Đồng bào ở các vùng tự do Thanh - Nghệ, Tây Bắc, Việt Bắc và cả nhiều tỉnh trong vùng tạm bị chiếm ở Bắc bộ đã huy động sức người, sức của chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Hơn 260.000 người đã hăng hái đi dân công, đi thanh niên xung phong, tham gia làm đường, góp sức vận tải phục vụ chiến dịch, bảo đảm hậu cần cho mặt trận xa hậu phương hơn 500 km, trong điều kiện đường sá khó khăn, phương tiện vận tải thô sơ, thiếu thốn, thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt.
Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Quyết định cân não làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Cũng trong cuốn Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp, tác giả Jules Roy viết: "Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại tướng Navarre mà chính là những chiếc xe đạp Peugeot thồ 200 - 300 kg hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm ni lông. Cái đã đánh bại tướng Navarre không phải là phương tiện, mà là sự thông minh và ý chí của đối phương". Hôm nay, tinh thần đó, ý chí đó vẫn cần được phát huy.
Để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, có yếu tố quan trọng là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của bộ chỉ huy thao lược với những cá nhân xuất sắc. Ở Điện Biên Phủ sáng ngời những tinh thần tiên phong, hy sinh, gương mẫu của những người cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trước những thử thách ác liệt. Ngày nay, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình mới càng đòi hỏi phát huy tinh thần đó.
Tinh thần Điện Biên Phủ toát lên qua sự nắm bắt chính xác tình hình và tôn trọng thực tiễn trong những quyết định của Bộ chỉ huy chiến dịch, đặc biệt là của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Nhận thức rõ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, không bảo thủ, giáo điều đã là một bảo đảm cho thắng lợi - khi tình hình đã thay đổi thì vừa giữ vững quyết tâm tấn công chiến lược vẫn kịp thời và kiên quyết thay đổi cách đánh, tìm ra cách đánh phù hợp nhất để giành thắng lợi hoàn toàn.
Trong bối cảnh mới, những điều bất biến luôn cần giữ vững là độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Tổ quốc, xây dựng "Xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Tinh thần Điện Biên Phủ động viên chúng ta không chủ quan, không dừng lại ở nhận thức và quan điểm cũ, luôn dám sáng tạo để đạt đến thắng lợi mới.
Đây là bài học sâu sắc về lãnh đạo và chỉ huy, vẫn đang có ý nghĩa lớn để chúng ta phát huy với tinh thần luôn gắn lý luận với thực tiễn; coi thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý; luôn bám sát thực tiễn, phát hiện, phân tích, nhận thức đúng đắn những xu hướng phát triển mới để ứng phó với những biến động nhanh và mạnh mẽ của tình hình thế giới và trong nước. Nêu cao tính thực tiễn và sáng tạo khi nhấn mạnh giá trị và phát huy tinh thần Điện Biên Phủ hôm nay cũng chính là nêu cao lòng yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, ý chí tự lực, tự cường, trí thông minh, dám nghĩ, dám làm. Khi thực tiễn đã biến đổi thì cần kịp thời thay đổi, bổ sung những chủ trương, chính sách, biện pháp, cách làm mới cho phù hợp.
Trong bối cảnh mới, những điều bất biến luôn cần giữ vững là độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Tổ quốc, xây dựng "Xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Tinh thần Điện Biên Phủ động viên chúng ta không chủ quan, không dừng lại ở nhận thức và quan điểm cũ, luôn dám sáng tạo để đạt đến thắng lợi mới.
Bình luận (0)