Chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề "Lưu ý trước khi kết thúc đăng ký nguyện vọng" được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, Fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
Thí sinh chỉ còn hơn một ngày để đăng ký, thay đổi, bổ sung nguyện vọng xét tuyển ĐH. Đến thời điểm này, nhiều thí sinh đã hoàn tất việc thực hiện đăng ký xét tuyển ĐH. Trong khi đó, không ít thí sinh vẫn còn băn khoăn, chưa thực sự an tâm với những ngành, trường mình đã đăng ký khi chỉ còn hơn một ngày nữa là hệ thống của Bộ GD-ĐT sẽ đóng lại.
Tại chương trình tư vấn, đại diện các trường ĐH sẽ thông tin về tổng số lượng nguyện vọng xét tuyển mà thí sinh đã đăng ký vào trường mình đến thời điểm hiện tại, từ đó có những so sánh với năm 2023, phân tích và dự đoán điểm chuẩn năm 2024.
Đối với những thí sinh đã hoàn tất việc đăng ký xét tuyển, liệu có cần rà soát lại một lần nữa hay không? Đối với thí sinh còn đang băn khoăn và chưa "chốt" được danh sách nguyện vọng, cách sắp xếp... các chuyên gia sẽ đưa ra lời khuyên gì để thí sinh có được "chiến thuật" trong ngày cuối đảm bảo chắc chắn trúng tuyển?
Bên cạnh đó, các chuyên gia tham gia chương trình cũng sẽ thông tin thêm về quy định nộp lệ phí xét tuyển, quy trình lọc ảo, kỹ thuật xét tuyển sau khi kết thúc đăng ký nguyện vọng.
Cần tránh những sai lầm không đáng
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho biết chỉ còn khoảng 26 tiếng đồng hồ nữa để thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trước khi chuyển sang giai đoạn nộp lệ phí xét tuyển. Năm nào cũng có trường hợp thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm nhưng không đăng ký lại nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, cuối cùng không trúng tuyển đợt 1 mà phải chờ đến đợt xét tuyển bổ sung mới được tham gia. Do đó, bản thân mỗi thí sinh và các phụ huynh cần chú ý đến điều quan trọng này.
Thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cũng cho biết đã nhận được nhiều thắc mắc của thí sinh liên quan đến việc đăng ký xét tuyển. Ví dụ, sáng nay có những thí sinh cho biết việc nhận mã OTP bị chậm, điều này xảy ra khi nhiều thí sinh cùng tập trung đăng ký trong một thời điểm. Bên cạnh đó, có những thí sinh cho biết không nhận được email xác nhận từ cổng thông tin của Bộ GD-ĐT sau khi hoàn thành việc đăng ký…
Thí sinh cần làm gì sau khi đăng ký xong nguyện vọng xét tuyển đại học?
Ông Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết dù 17 giờ chiều mai 30.7 thí sinh không thể đăng ký nguyện vọng trên hệ thống nhưng đến thời điểm này vẫn còn những thí sinh chưa đăng ký. Bên cạnh đó, có những thí sinh đăng ký quá ít nguyện vọng; có thí sinh đặt thứ tự nguyện vọng chưa phù hợp; có trường hợp đã trúng tuyển có điều kiện nhưng lại quên mất việc phải đăng ký trên hệ thống để được trúng tuyển chính thức. Trong khi lại có những thí sinh điểm không quá cao, không quá thấp khoảng 24-25 điểm nhưng lại đăng ký vào những ngành ở các trường điểm chuẩn năm ngoái ở mức cao. Thí sinh nên có những phương án dự phòng để có 'đường lui' và chỉ nên tập trung vào một nhóm ngành nghề. Tránh tình trạng thí sinh đăng ký hơn chục ngành vào một trường là điều không nên.
Dự báo điểm chuẩn
Tiến sĩ Hà Thúc Viên phân tích: Xem xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay cho thấy phần lớn điểm trung bình các môn không có biến động, một số môn biến động nhưng rất nhỏ. Điều này có những tác động đến điểm chuẩn các ngành. Tuy nhiên, điểm chuẩn một ngành không chỉ phụ thuộc bởi kết quả thi tốt nghiệp mà còn tùy vào ngành học, uy tín của trường đó. Ví dụ cùng ngành khoa học máy tính Trường ĐH Việt Đức, trong những năm vừa qua, số lượng thí sinh xét tuyển tăng rất nhanh, dẫn đến điểm chuẩn cũng có xu hướng tăng lên. Năm nay, trường tuyển sinh 9 ngành và điểm sàn 18-21 tùy ngành. Bên cạnh đó, trường đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh nên thí sinh cần thỏa điều kiện tiếng Anh đầu vào theo quy định của trường.
Thạc sĩ Trần Văn Trắng cho rằng đến thời điểm này, từ hệ thống Bộ GD-ĐT có thể thấy số lượng thí sinh và số lượng nguyện vọng đăng ký vào trường đều cao hơn so với năm 2023. Tuy nhiên, thí sinh cần phân biệt giữa điểm sàn, điểm chuẩn và điểm đủ điều kiện nhận học bổng. Trong đó, điểm sàn chỉ là điểm đủ điều kiện nhận hồ sơ. Điểm chuẩn được xác định dựa trên chỉ tiêu và số thí sinh đăng ký xét tuyển từng ngành. Ví dụ, tại Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn thông thường điểm chuẩn sẽ cao hơn từ 1-2 điểm so với điểm sàn.
Ông Võ Ngọc Nhơn thông tin năm nay trường sẽ xét tuyển 63 ngành đào tạo ĐH. Điểm sàn các ngành từ 16-21 điểm, trong đó trừ ngành khoa học sức khỏe thì những ngành điểm sàn cao là những ngành có sức thu hút với thí sinh. Có thể dự đoán điểm chuẩn năm nay có thể bằng hoặc nhỉnh hơn so với năm ngoái.
Những điều kiện tiên quyết để trúng tuyển
Đào Tuấn Anh (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), thắc mắc: "Em đã trúng tuyển sớm bằng phương thức xét điểm TestAs vào ngành tài chính và kế toán Trường ĐH Việt Đức, tuy nhiên em chưa có chứng chỉ IELTS 5.0, vậy em có được trúng tuyển chính thức? Em có nên xét thêm ngành khác tại trường bằng điểm thi tốt nghiệp (23 điểm khối A) để thêm cơ hội hay không?".
Tiến sĩ Hà Thúc Viên cho hay tiếng Anh là một điều kiện tiên quyết để thí sinh trúng tuyển vào trường. Điều kiện tiếng Anh thí sinh có thể chọn 1 trong 3 hình thức: nộp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; thi kiểm tra tiếng Anh đầu vào tại trường; xét điểm trung bình môn tiếng Anh trong 3 năm THPT hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhưng hình thức xét điểm trung bình môn tiếng Anh trong 3 năm THPT hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ dành cho thí sinh xét tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc xét học bạ THPT. Trường hợp này thí sinh cần phải đăng ký dự thi tiếng Anh đầu vào tại trường hoặc thí sinh có thể sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào trường. Ngoài ra, thí sinh dù trúng tuyển sớm nhưng cần thực hiện các bước đăng ký theo quy định của Bộ GD-ĐT mới chính thức trúng tuyển.
Thí sinh Hà Minh Dũng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đặt câu hỏi: "Em đặt 2 nguyện vọng, nguyện vọng 1 là ngành công nghệ thông tin, nguyện vọng 2 là ngành thương mại điện tử. Nếu nguyện vọng 1 không trúng tuyển, thì nguyện vọng 2 của em có được xét chung với các thí sinh đặt thương mại điện tử là nguyện vọng 1 hay là phải xét xong các thí sinh đó mới đến lượt em? Em được 20 điểm khối A, 2 ngành này của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn khoảng bao nhiêu điểm thì trúng tuyển?"
Thạc sĩ Trần Văn Trắng giải đáp thắc mắc: "Việc đầu tiên cần làm với thí sinh là muốn học ngành nào hơn thì đặt ở nguyện vọng 1. Với 20 điểm khối A, thí sinh đã thỏa mãn điểm sàn cả 2 ngành và đạt điểm chuẩn 2 ngành này năm ngoái. Theo cách xét tuyển chung, thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không xét tuyển nguyện vọng 2 và nếu chưa trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ xét tới nguyện vọng 2.
Còn thí sinh Ngô Thị Hải Hà (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), đặt vấn đề: "Em được 21 điểm khối D và đã đăng ký xong nguyện vọng cách đây mấy hôm, nhưng giờ em muốn thay đổi một chút. Em muốn học ngành truyền thông đa phương tiện của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, vậy em nên đặt ngành này lên trước ngành marketing hay sau ngành marketing?"
Thầy Võ Ngọc Nhơn cho lời khuyên: "Thí sinh có quyền đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng và có quyền thay đổi thứ tự nguyện vọng không giới hạn số lần. Do đó, việc thay đổi nguyện vọng là bình thường và thí sinh thích ngành nào hơn thì nên đặt lên trên. Thí sinh không thông tin thêm việc đã đăng ký xét tuyển sớm vào trường trước đó hay chưa, trường hợp cần thiết, thí sinh có thể liên hệ với trường để được hướng dẫn thêm".
Bình luận (0)