Chiến trường tài chính từ khủng hoảng Ukraine đến Biển Đông

03/03/2022 07:30 GMT+7

Cách Nga đối mặt các lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây có thể xem là một phép thử cho Trung Quốc nếu Bắc Kinh rơi vào tình trạng tương tự khi gây căng thẳng trong khu vực.

Cuối tuần qua, Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đã cô lập nền kinh tế và hệ thống tài chính Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Giải pháp của Trung Quốc

Bên cạnh việc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) bị phong tỏa tài sản, một số ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT - kênh lưu chuyển giao dịch tài chính lên đến hàng nghìn tỉ USD thông qua hơn 40 triệu giao dịch mỗi ngày, cho phép chuyển tiền nhanh chóng trên toàn bộ hệ thống gồm hơn 11.000 ngân hàng thuộc khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Việc bị loại khỏi hệ thống SWIFT khiến Nga không thể xuất khẩu hoặc nhập khẩu, đồng thời không thể bán dự trữ ngoại tệ vì các tài sản của CBR bị đóng băng. Chính vì thế, đòn tấn công tài chính của phương Tây khiến Nga đối mặt nguy cơ khủng hoảng tiền tệ, lạm phát tăng cao và nguy cơ suy thoái đang ở trước mắt.

Trung Quốc đang phát triển các hệ sinh thái tài chính hạn chế lệ thuộc phương Tây

AFP

Trong bối cảnh như vậy, Nga phải tìm đến hệ thống thanh toán quốc tế CIPS của Trung Quốc. Theo tờ South China Morning Post, ngay sau khi Moscow bị loại khỏi SWIFT, cổ phiếu của các công ty liên quan mảng phát triển hạ tầng thanh toán của Trung Quốc đã tăng vọt. Tờ báo dẫn lời ông Igor Szpotakowski, trưởng nhóm nghiên cứu tại Hiệp hội Luật Trung Quốc và là học giả tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng đối với Nga thì “CIPS sẽ là một giải pháp thay thế tạm thời cho SWIFT”.

Được hậu thuẫn bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), CIPS ra đời vào năm 2015 và trở thành một trong các bệ phóng quan trọng để Bắc Kinh quốc tế hóa nhân dân tệ (CNY), tăng cường vị thế tài chính của Trung Quốc, đồng thời giúp nước này giảm bớt lệ thuộc vào các hệ thống của phương Tây. Vẫn phần nào lệ thuộc vào nền tảng của SWIFT, nhưng CIPS cũng đã có đủ tiềm năng hoạt động độc lập để tiến hành các giao dịch CNY. Trong năm 2021, CIPS đã thực hiện các giao dịch có tổng giá trị khoảng 12.680 tỉ USD, tăng 75% so với năm trước đó. Theo Reuters, tính đến cuối tháng 1.2022, CIPS kết nối khoảng 1.280 tổ chức tài chính ở 103 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đến đầu năm nay, Nga có dự trữ ngoại tệ đạt khoảng 630 tỉ USD, nhưng USD chỉ chiếm 16% trong số này và phần lớn là CNY, euro, vàng. Việc giảm tỷ lệ USD trong dự trữ ngoại tệ được xem là chiến lược của Moscow nhằm giảm lệ thuộc vào USD và tăng cường khả năng thanh toán thông qua CNY.

Mặc dù vậy, theo giới quan sát, CIPS hiện chưa đủ sức thay thế SWIFT và cũng khó có thể trở thành kênh thanh toán đáp ứng đầy đủ nhu cầu của Nga, do nhiều ngân hàng của Nga vẫn chưa kết nối vào CIPS. Hơn thế nữa, Trung Quốc cũng cần cẩn trọng vì không muốn bị vi phạm các lệnh trừng phạt liên quan Nga.

Phép thử cho Bắc Kinh

Trả lời Thanh Niên ngày 2.3, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) đánh giá CIPS có thể trở thành một giải pháp cho Nga nhưng không đủ để ngăn chặn lạm phát và loại bỏ hoàn toàn các ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào nền kinh tế Nga.

Tuy nhiên, ông Nagy đặt ra một vấn đề khác là: “Trung Quốc đang theo dõi sự phối hợp chặt chẽ về tài chính giữa Mỹ - EU và các đối tác. Qua đó, Bắc Kinh hiểu rằng những gì Moscow đang gặp phải có thể cũng chính là những gì Trung Quốc phải đối mặt khi tiến hành các hành động gây căng thẳng hay tấn công quân sự ở Biển Đông hoặc qua eo biển Đài Loan”.

Việc phát triển hệ sinh thái tài chính hạn chế lệ thuộc các hệ thống hiện có được xem là một chiến lược lâu dài của Trung Quốc để có thể đối phó các lệnh trừng phạt trong tương lai. Nhất là khi các công cụ tài chính, thương mại ngày càng trở thành “vũ khí” mà Mỹ cùng các đồng minh ưu tiên sử dụng khi xảy ra xung đột.

“Là một nền kinh tế lớn hơn nhiều so với Nga, Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào hệ thống thanh toán SWIFT và hệ thống tài chính nói chung để đàm phán thương mại toàn cầu. Nếu bị cắt khỏi SWIFT, kinh tế Trung Quốc sẽ hứng chịu các tác động tiêu cực nghiêm trọng vì sự hội nhập sâu rộng và rộng rãi của nước này vào nền kinh tế toàn cầu”, PGS Nagy phân tích và dự báo: “Trong tương lai, Trung Quốc có thể cố gắng đẩy nhanh việc sử dụng tiền kỹ thuật số (e-CNY) và điều chỉnh tiền điện tử để ít bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt và các công cụ tài chính”.

"Vũ khí hạt nhân tài chính" SWIFT sẽ ảnh hưởng Nga ra sao?

Trung Quốc tiếp tục tập trận ở Biển Đông

Ảnh

Chiến hạm Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở Biển Đông

Chinamil.com.cn

Trung Quốc được cho là đã tiến hành cuộc tập trận ở Biển Đông từ 23 giờ ngày 1.3 đến 12 giờ ngày 2.3, theo thông báo trên website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA).

Thông báo trên được đăng vào lúc 21 giờ 30 ngày 1.3, khoảng một tiếng rưỡi trước khi cuộc tập trận bắt đầu. Những thông báo về tập trận thường được đăng trên website của MSA trước khi cuộc tập trận diễn ra từ 1 - 2 ngày. Kết quả đối chiếu 4 tọa độ được nêu trong thông báo mới lên Google Maps cho thấy khu vực tập trận dường như nằm ở phía đông nam đảo Hải Nam của Trung Quốc. Thông báo không nói rõ về quy mô cuộc tập trận, chỉ nói rằng cấm tàu thuyền vào khu vực liên quan.

Thông báo trên được đưa ra vài ngày sau khi MSA đăng thông báo nói rằng một cuộc tập trận diễn ra ở Biển Đông từ ngày 27.2 - 1.3. Trong tháng 2, Trung Quốc cũng đã tiến hành ít nhất 2 cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, theo thông báo trên website của MSA và thông tin từ tờ South China Morning Post (SCMP). Tính từ đầu năm đến nay, Trung Quốc có thể đã tiến hành ít nhất 6 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 1 cuộc tập trận ở vịnh Bắc bộ, theo những thông báo trên website của MSA và thông tin từ SCMP. Trong năm 2021, Trung Quốc được cho là đã tiến hành ít nhất 51 cuộc tập trận ở Biển Đông, so với ít nhất 20 cuộc tập trận trong năm 2020, theo các thông báo được đăng trên website của MSA.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.