Chiến xa Mỹ 'lột xác' sau Chiến tranh Việt Nam

03/05/2016 09:24 GMT+7

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam đến nay, bộ binh và lính thủy đánh bộ Mỹ tăng cường nâng cấp các dòng xe tác chiến hạng nhẹ, hướng đến kỷ nguyên xe tự hành.

Tháng 4 vừa qua, Hãng xe Jeep chính thức kỷ niệm 75 năm ngày ra đời. Đây là một dòng xe gắn liền với bao thế hệ quân nhân Mỹ trong nhiều cuộc chiến, từ Thế chiến 2 đến Chiến tranh Việt Nam.
Humvee soán ngôi Jeep VN
Trong đó, tại chiến trường Đông Dương, Jeep trở thành phương tiện song hành cùng hầu hết các lực lượng trên bộ của nước này tại VN. Phổ biến nhất là phiên bản M151 MUTT mà nhiều người chơi xe lẫn quân nhân Mỹ vẫn quen gọi là “Jeep VN” (Vietnam Jeep). MUTT được viết tắt từ cụm “Military Utility Tactical Truck” tạm dịch “Vận xa chiến thuật”, theo cuốn HMMWV Humvee 1980 - 2005: US Army tactical vehicle của Steven Zaloga. Mẫu xe này ra đời sau khi Hãng Ford vào năm 1951 đã nhận hợp đồng thiết kế mẫu xe vận tải chiến thuật để đáp ứng nhu cầu mới cho lục quân Mỹ thời hậu Thế chiến 2. Dù Ford thiết kế, nhưng về sau 2 hãng xe khác là AM General và Kaiser cũng được giao sản xuất “Jeep VN”.
Suốt cuộc chiến Việt Nam, mẫu xe này trở thành phương tiện quen thuộc cùng các cấp sĩ quan, tướng tá quân đội VNCH lẫn quân đội Mỹ. Thậm chí, khi đến thăm Cam Ranh vào ngày 26.10.1966, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Lyndon B.Johnson cũng dùng “Jeep VN” làm phương tiện đi ủy lạo binh sĩ.
Tuy nhiên, suốt Chiến tranh Việt Nam, các sĩ quan sử dụng xe Jeep thường xuyên bị phục kích và mẫu xe này cũng bị nhiều hạn chế về khả năng vận chuyển. Đến cuối thập niên 1970, Lầu Năm Góc đặt ra kế hoạch triển khai một loại “vận xa” mới thay thế Jeep. Loại xe mới cần có kích thước lớn hơn, linh hoạt và phù hợp với nhiều địa hình hơn, có thể lắp đặt đa dạng các loại vũ khí. Đến giữa thập niên 1980, dòng xe Humvee ra đời đáp ứng chương trình trên. Ban đầu, Humvee có tên là xe đa dụng linh hoạt cao (High Mobility Multipurpose Wheeled Vehicle - HMMWV), nhưng về sau được đặt tên thành Humvee cho dễ đọc hơn.
Ưu thế của dòng xe này là gầm cao, bề ngang to bản giúp tăng khả năng bám đường, chạy đằm và vượt địa hình dễ dàng. Đặc biệt, nó còn có thể được bọc thép để tăng tính an toàn trên chiến trường. Sau một thời gian xuất hiện, đến Chiến tranh vùng Vịnh 1991, Humvee trở nên nổi trội. Humvee có nhiều phiên bản từ vận chuyển, cấp cứu... đến tác chiến khi được lắp thêm súng máy, pháo hạng nhẹ, tên lửa và cả thiết bị dò tìm định vị... Thậm chí, nó còn có thêm phiên bản chuyên di chuyển trên băng. Chính vì thế, suốt 30 năm qua, Humvee trở thành biểu tượng của lính bộ và lính thủy đánh bộ Mỹ.
DARPA kỳ vọng sớm triển khai GXV-T trên chiến trường Ảnh: DARPA
Thay thế chưa thành
Đến cách đây khoảng 5 năm, truyền thông Mỹ dẫn nhiều nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho rằng Humvee sắp bị thay thế bằng một loại xe mới. Khi đó, Jeep được cho là có nhiều khả năng “tái xuất giang hồ” để trở thành dòng xe chủ lực cho bộ binh và lính thủy đánh bộ Mỹ, nhưng về sau thì khả năng này bị loại bỏ. Đến tháng 8.2015, Tập đoàn Oshkosh thắng gói thầu 6,7 tỉ USD để cung cấp 17.000 xe đa nhiệm hạng nhẹ (JLTV) cho Lầu Năm Góc nhằm thay dần Humvee. Còn nhà sản xuất Humvee là AM General, dù tung ra dòng xe thay thế Humvee để tranh thầu nhưng thất bại. AM General từng là một trong ba nhà sản xuất “Jeep VN”.
Theo kế hoạch, chiếc JLTV đầu tiên sẽ được bàn giao vào năm 2018. Về lâu dài, gói thầu có thể lên đến 30 tỉ USD để cung cấp bổ sung đến năm 2040. Tuy nhiên, hồi tháng 2, Tập đoàn Lockheed Martin, vốn tranh thầu cùng Công ty AM General và Oshkosh, đã đệ đơn phản đối kết quả thầu. Đơn phản đối của Lockheed Martin được xem xét nên kế hoạch cung cấp JLTV của Oshkosh phải tạm ngưng theo luật định.
Mặt khác, tháng 4 vừa qua, chuyên san National Defense dẫn thông tin từ ông Chris Vanslager, Phó chủ tịch AM General, khẳng định Humvee chưa đến lúc “về vườn” và sẽ còn được dùng đến năm 2048. Ông Vanslager còn tiết lộ Lầu Năm Góc vừa ký mua thêm 3.000 chiếc Humvee trị giá 428 triệu USD, và AM General trước đó đã bán hơn 2.000 chiếc cho một số nước thân cận với Mỹ. Như vậy, kế hoạch thay thế “đàn em” của “Jeep VN” vẫn còn chưa rõ ràng.
xe đa nhiệm hạng nhẹ (JLTV) của Oshkosh Oshkosh

Kỷ nguyên xe tự hành
Những năm gần đây, sự tiến bộ vượt trội của khoa học công nghệ đã cho phép quân đội Mỹ phát triển nhiều dòng xe tự hành trên mặt đất (UGV), có thể điều khiển từ xa để tiếp cận với các khu vực nguy hiểm trên chiến trường.
Cơ quan Nghiên cứu dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Mỹ đang theo đuổi một loạt dự án UGV. Từ đó, DARPA thu hút không ít đóng góp từ nhiều công ty chuyên cung cấp thiết bị quốc phòng. Điển hình như Tập đoàn Oshkosh đã phát triển công nghệ TerraMax tích hợp cho nhiều mẫu xe tải cỡ lớn không người lái, đủ sức vận hành trên nhiều địa hình để chuyển đồ tiếp tế qua những khu vực nguy hiểm, hoặc tiếp cận chuyển thương binh. Chúng có tầm hoạt động lên đến 100 km, được điều khiển thông qua một hệ thống từ xa.
Ngày 26.4 vừa qua, DARPA công bố thông tin rằng dự án xe tác chiến tự hành GXV-T đã đạt nhiều tiến bộ đáng kể khi ngày càng linh hoạt hơn, nhanh hơn và thông minh hơn. Đây là loại xe tự hành cỡ nhỏ cho phép trang bị súng máy có thể tác chiến trên nhiều địa hình, tự nhận diện nguy cơ bị tấn công cùng lớp giáp vững chắc. DARPA kỳ vọng sẽ sớm triển khai GXV-T cho bộ binh và lính thủy đánh bộ Mỹ trong vài năm tới.
Trong khi đó, theo chuyên trang Defense-Update, quân đội Mỹ từng thử nghiệm loại xe tự hành vũ trang XM1219, có thể mang theo tên lửa chống tăng và tấn công mặt đất, nhưng rồi tạm ngưng để theo đuổi dự án khác hiện đại hơn. Hiện tại, Lầu Năm Góc cũng đang thử nghiệm nhiều dòng UGV cỡ nhỏ có nhiệm vụ chở theo nhiều thiết bị cá nhân, vũ khí cho binh sĩ. Trên chiến trường, khoảng 10 năm qua, quân đội nước này đã sử dụng một số loại xe tự hành do thám, rà mìn, phá chất nổ...
Biểu tượng M113
M113 trong chiến trannh Việt Nam Bộ Quốc phòng Mỹ

Trong Chiến tranh Việt Nam, xe bọc thép M113 trở thành biểu tượng gắn liền với quân lực VNCH và quân đội Mỹ. Dòng xe này dài khoảng 4,8 m, rộng khoảng 2,8 m, có lớp thép dày từ 12 - 38 mm, tùy phiên bản, có thể chở theo 11 người, chưa tính 2 người phụ trách điều khiển. Vận tốc tối đa trên bờ lên đến 67 km/giờ và vận tốc khi di chuyển dưới nước đạt gần 6 km/giờ. Không chỉ vận chuyển binh sĩ và hàng hóa, M113 còn được trang bị pháo 40 mm cùng các loại súng máy, thậm chí súng chống tăng. M113 gần như là phương tiện không thể thiếu trong tất cả các chiến dịch quân sự bởi nhờ vào nhiều ưu thế.
Từ đó đến nay, đã hơn 41 năm, dù phải tiến hành nâng cấp nhiều lần nhưng M113 vẫn giữ vị thế là mẫu xe bọc thép chủ lực của bộ binh và lính thủy đánh bộ Mỹ. Loại xe này nhiều năm qua được tích hợp thêm nhiều hệ thống tác chiến điện tử, kỹ thuật định vị, cảm biến... Tuy nhiên, những thách thức mới của kỹ thuật quân sự thế giới khiến Lầu Năm Góc đang tiến hành dự án thay thế M113 bằng dòng xe tác chiến đa nhiệm (AMPV). Tổng chi phí thay thế lên đến hàng chục tỉ USD và dự kiến M113 sẽ dần bị loại bỏ từ năm 2018.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.