Chiêu lừa du học: Học nghề + Làm thêm = Đi nhặt rác

10/10/2008 00:04 GMT+7

Tin lời quảng cáo, 13 hộ gia đình ở Hải Dương đã nộp tiền cho một công ty tư vấn du học ở Hà Nội để đưa con em sang Singapore du học lấy bằng cao đẳng. Thế nhưng, "nghề" học được nơi đất khách lại là nhặt rác, bán thuốc lá lậu và... ngồi tù.

Lời quảng cáo hấp dẫn

Theo lời kể của các gia đình này thì sự việc tóm tắt như sau: Khoảng tháng 7.2008, nhiều người dân tại Hải Dương đã nhận được tờ thông báo tuyển sinh du học (vừa học vừa làm) của Công ty TNHH Tư vấn du học và Xây dựng (viết tắt là SACC Co.LTD, có trụ sở đặt tại số 22, ngõ 117, Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho khóa học "Cao đẳng về thực phẩm và dịch vụ đồ uống" tại trường Thương mại Stamford, Singapore. Thông báo được đóng dấu, ký tên bởi Giám đốc Công ty Trần Văn Ngãi.

Nội dung trong tờ thông báo rất hấp dẫn: Ứng viên dự tuyển chỉ cần tốt nghiệp bổ túc THPT trở lên; có thể vừa học vừa làm với thu nhập 1 tháng lên tới 17 triệu đồng (chưa tính tiền làm thêm giờ), ngoài giờ học lý thuyết 2 buổi/tuần, thời gian rỗi, kể cả thứ bảy, chủ nhật, học viên sẽ được bố trí thực tập tại các công ty du lịch, nhà hàng, khách sạn ở Singapore với mức lương 40 SGD/ngày thường và 45 SGD/ngày nghỉ; Hoàn thành khóa học được cấp bằng Cao đẳng Quản trị kinh doanh được công nhận tại 25 nước trên thế giới, có thể học tiếp lên đại học, nếu tốt nghiệp khá giỏi sẽ được công ty giới thiệu việc làm dài hạn ở các nhà hàng, khách sạn lớn tại Singapore hoặc tại khách sạn Daewoo, Hilton, Fortuna ở Hà Nội... Cuối thông báo còn có phần "lưu ý" khá hoành tráng là công ty nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân môi giới thu quá số tiền theo như thông báo tuyển sinh này.

Với lời quảng cáo rất hấp dẫn như vậy nên mặc dù lệ phí trọn gói cho một khóa học lên tới 6.500 USD (gồm học phí, lệ phí xin cấp visa, vé máy bay...) nhưng đã có nhiều gia đình ở Hải Dương lặn lội lên Hà Nội gặp Công ty SACC để tìm hiểu. Tại đây, họ được gặp thêm một ông giám đốc nữa của SACC tên Nguyễn Cường, ông này hứa hẹn đủ điều, thậm chí còn bật màn hình cho xem các học sinh do công ty gửi sang đang làm bếp ở Singapore để thấy được "người thật việc thật". Quá tin tưởng, 13 gia đình ở Hải Dương đã gom góp tiền bạc (một số hộ còn vay ngân hàng với mức lãi suất cao), mỗi người hơn 100 triệu đồng lên Hà Nội nộp cho Giám đốc Trần Văn Ngãi. Tối 17.8.2008, 13 học sinh quê ở các huyện Kinh Môn, Cẩm Giàng, Thanh Miện và TP Hải Dương đã được bay sang Singapore trong sự dẫn dắt của "người công ty".

Đem con bỏ chợ

Thế nhưng, ngay khi đoàn vừa xuống sân bay Singapore sáng 18.8.2008 thì người dẫn đường biến mất. Không hề có người của Văn phòng đại diện SACC ra đón nên cả đoàn bị giữ, nhốt tại nhà kính sân bay từ sáng đến chiều, sau nhờ người giúp đỡ nên đã tự tìm thuê được nhà trọ cách trường học 1 km với giá 5 triệu đồng/tháng. Hôm sau đến liên hệ với trường thì được biết công ty ở Việt Nam chưa gửi đóng tiền học nhưng trường vẫn linh động cho các em vào học chờ tiền gửi sang sau; tuy nhiên, thời gian học chỉ 6 tháng, không được vừa học vừa làm và học xong phải về nước. Vài ngày sau thì Công ty SACC gửi tiền học sang cho 4 em, còn 9 em khác thì không có. Tiền mang theo chỉ đủ tiêu vài ngày, lại không được bố trí làm thêm nên chẳng bao lâu những sinh viên này lâm vào cảnh đói khát. Để tự cứu, nhiều em đã phải lén lút đi lượm vỏ bia về bán, một số em chấp nhận đi bán thuốc lá lậu cho những người Việt ở Singapore, hậu quả là có 3 em bị bắt giam, sau đó cùng với 3 em khác bị trục xuất về nước.

Ngày 8.10, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Phách, đại diện cho 13 gia đình bị hại cho biết, 6 em bị trục xuất đã về Việt Nam và đang ở TP.HCM kiếm sống. Những em còn ở Singapore thì vừa gửi đơn kêu cứu về gia đình, trong đó ghi rõ Công ty SACC đến lúc này vẫn chưa đóng tiền học cho họ và theo quy định ở Singapore thì tất cả các du học sinh không được phép đi làm dưới bất cứ hình thức nào, nếu vi phạm sẽ bị trục xuất.

 
Đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng của 13 gia đình bị hại

 
Các thông báo, biên nhận, giấy báo nhập học của trường
Stamford được công ty SACC ký kết và trao
cho 13 gia đình ở Hải Dương - Ảnh: Lê Quang

Quá bức xúc trước tình cảnh hiện tại của con em mình ở Singapore, một số gia đình đã lên Hà Nội tìm gặp hai ông giám đốc Công ty SACC để chất vấn. Tuy nhiên, cả hai đều né tránh, khất lần, thậm chí Giám đốc Ngãi còn dọa nếu "kiện thì chỉ khổ cho con chú thôi". Ngày 9.10, PV Thanh Niên đã tìm đến trụ sở của SACC tại Hà Nội theo địa chỉ ghi trong thông báo. Ngôi nhà đóng kín cửa, chỉ có một tờ giấy thông báo rao cho thuê nhà. Người dân sống tại khu vực này cho biết Công ty SACC chỉ thuê địa điểm này trong vài tháng và vừa mới trả nhà cuối tháng 9 vừa rồi.

Quy định của Chính phủ Singapore về lao động nước ngoài rất khắt khe. Sinh viên ngoại quốc không được phép làm việc ngoài giờ, trừ một số rất ít sinh viên các trường đại học công lập (thường đi học dưới dạng học bổng toàn phần hay bán phần của Chính phủ Singapore) có thành tích học tập tốt, được cấp giấy phép làm thêm một số giờ nhất định. Vì vậy, phụ huynh, học sinh cần phải hết sức thận trọng trước những quảng cáo du học tự túc kết hợp với làm thêm béo bở ở Singapore.

Về khía cạnh pháp lý, việc người nước ngoài đi làm không có giấy phép là vi phạm Điều luật Sử dụng lao động nước ngoài (Employment of Foreign Manpower Act) của Bộ Nhân lực (MOM). Mục 5 (7) của điều luật này nói: Người nước ngoài nào làm việc không có giấy phép là vi phạm pháp luật; nếu bị kết tội sẽ bị phạt tối đa 5.000 SGD (gần 60 triệu đồng), hoặc bị phạt tù giam tối đa 12 tháng, hoặc cả hai. Hành vi bán thuốc lá lậu vi phạm Các điều luật về hải quan và thuế giá trị gia tăng (Customs and GST Acts) của Hải quan Singapore. Mục liên quan đến hình phạt đối với thuốc lá lậu nói rằng: Mua, bán, vận chuyển, phân phối, lưu kho, giữ, sở hữu hoặc có liên quan đến thuốc lá lậu là hành vi phạm luật nghiêm trọng. Hình phạt rất nặng. Nếu bị kết tội, người mua thuốc bị phạt 500 SGD/gói; người buôn bán sẽ bị bắt, ra tòa; nếu bị kết án sẽ bị phạt tù hoặc phạt tiền, hoặc cả hai. Vi phạm lần thứ hai trở đi sẽ bị tù giam tối đa đến 2 năm cộng với phạt tiền.

Thục Minh (Văn phòng Singapore)

Lê Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.