Những chiếc chiếu đi vào sử sách
Theo nhiều người cố cựu kể lại, khi nghe tin cụ Nguyễn Trung Trực bị giặc Pháp đem ra xử chém vào ngày 28.6.1868 (âm lịch), dân chúng tỉnh lỵ Rạch Giá đều bàng hoàng xúc động. Không ai bảo ai, tất cả âm thầm chuẩn bị cho cuộc tiễn đưa người anh hùng dân tộc với lòng đầy thương tiếc. Riêng người dân Tà Niên thì thức trắng nhiều đêm để dệt chiếu chuẩn bị cho cuộc tiễn đưa lịch sử. Loạt chiếu đặc biệt này ở giữa có một vòng tròn, trong vòng tròn có chữ Thọ màu đỏ tươi, thể hiện lòng dân muốn cụ Nguyễn được sống lâu trăm tuổi. Khi giặc Pháp dẫn cụ Nguyễn ra pháp trường, người dân Tà Niên đã mang hàng trăm chiếc chiếu ra tiễn. Cụ bước đến đâu, họ lại trải chiếu bông đến đó, cho đến điểm hành quyết. Từ đó, chiếu Tà Niên đi vào sử sách lưu truyền đến ngày nay.
|
Năm 2008, nhân kỷ niệm 140 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, người dân Tà Niên đã dệt một chiếc chiếu đạt kỷ lục Việt Nam, với chiều ngang 1,8m, dài đến 45m. “Bà con dệt chiếu trong tâm trạng vô cùng phấn chấn bởi tấm chiếu này vừa đạt kỷ lục quốc gia, vừa thể hiện tấm lòng của người dân Tà Niên đối với cụ Nguyễn. Ngoài ra, đây cũng là dịp nghề dệt chiếu truyền thống ở Tà Niên chính thức được tôn vinh, mở ra cơ hội khôi phục và phát triển bền vững cho cả làng nghề”, một người dân trong làng nói.
Bám víu với nghề
Bà Lê Thị Sa (65 tuổi), tổ trưởng và cũng là thợ dệt chiếu khéo tay nhất ở làng chiếu Tà Niên, cho biết đồ nghề của người thợ dệt chiếu rất đơn giản, chỉ gồm bộ khung dệt với bàn dập và mấy đôi que để xâu sợi lác. Bà Sa được bà ngoại và mẹ truyền đạt những kỹ thuật và đức tính kiên trì, cần cù của người thợ dệt chiếu, hiện được tôn là thợ cả, thường là người đảm trách khâu luồn dây vào khuôn dệt. Theo bà Sa, để dệt nên những chiếc chiếu khít sợi, dày, bền chắc, phối màu hài hòa, người thợ dệt chiếu phải kiên trì thực hiện từng công đoạn rất tỉ mẩn, công phu. Cây lác sau khi thu hoạch về phải tước bỏ phần ruột và lá, sau đó tẽ thành 2 đến 3 sợi nhỏ, phơi khô 3 nắng rồi đem chia làm 2 phần: một phần để nguyên, một phần được nhuộm màu, sau khi nhuộm màu đem đi phơi khô thêm một nắng nữa rồi mới đem vào dệt.
Đến nay, ngoài gia đình bà Sa, ở làng chiếu Tà Niên còn nhiều gia đình có đến 3 đời làm nghề dệt chiếu, như gia đình các bà: Lâm Thị Bảy, Đinh Thị Giảng, Huỳnh Thị Phướng… Bình quân mỗi năm, làng chiếu Tà Niên cho ra đời khoảng 3.000 đôi, chủ yếu theo đơn đặt hàng. “Người ta đặt làm quanh năm, nên muốn nghỉ thì nghỉ chứ không có ngày nào rảnh cả. Thi thoảng khách phương xa, Việt kiều và cả người nước ngoài nữa đến thăm làng nghề, rồi gom hết chiếu của bà con dệt mang về tặng bạn bè, người thân. Do những đôi chiếu đó đã được đặt hàng trước, nên nhiều khi chúng tôi bị “kiện”, phải thức khuya dậy sớm để làm đôi khác”, bà Sa nói.
Đã có một thời nghề dệt chiếu là niềm tự hào của bà con Tà Niên, giúp bao gia đình thoát cảnh đói nghèo. Thế nhưng do sự phát triển chung của xã hội, nhiều gia đình hiện không còn xài chiếu nữa. “Lúc mới thành lập, tổ có gần 50 hộ, đến giờ chỉ còn 17 hộ bám víu với nghề, số còn lại đã gác khung dệt chuyển sang nghề khác”, bà Sa nói. Theo lý giải của bà Sa, do hiện nay nghề dệt chiếu thu nhập rất thấp nên khó duy trì. Cụ thể, muốn có 1 đôi chiếu thì 2 người phải dệt ròng rã 2 ngày trời mới xong. Thế nhưng giá chiếu hiện chỉ 350.000đồng/đôi, sau khi trừ chi phí chỉ còn lãi 80.000 đồng. Như vậy, trung bình mỗi ngày một người chỉ được 20.000 đồng, thấp hơn rất nhiều so với làm các nghề đơn giản khác. “Cũng vì thu nhập chẳng đâu vào đâu nên những người thợ trẻ làm nghề dệt chiếu phải tìm việc khác làm, còn những người già như tụi tui phải đeo nghề. Nghề này không làm giàu, nhưng cũng cho thu nhập quanh năm, đặc biệt là giữ được làng nghề có hàng trăm năm của ông cha để lại”, bà Sa bộc bạch.
Ông Nguyễn Hồng Đại, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hòa Hiệp xác nhận nghề dệt chiếu ở địa phương rất khó phát triển do thu nhập thấp và diện tích đất trồng lác ngày càng bị thu hẹp dần để chuyển sang trồng các loại cây khác hiệu quả kinh tế cao hơn. Còn chị Hứa Ngọc Khuê, Phó chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Hòa Hiệp thì cho rằng, nghề dệt chiếu ở Tà Niên nếu không có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành liên quan trong việc tổ chức lại quy mô sản xuất, quy hoạch vùng trồng nguyên liệu, truyền dạy kỹ thuật sản xuất theo mẫu mã phù hợp với nhu cầu thị trường… thì sẽ bị mai một.
Hồng Cúc
Bình luận (0)