Guồng quay cuộc sống của công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam như được "lên dây cót": sáng đi làm, trưa ăn cơm ở công ty, chiều tan ca rồi tạt ngay khu chợ gần công ty hoặc chợ gần nhà trọ để mua đồ về nấu cơm chiều.
Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (gọi tắt là Công ty PouYuen, đóng ở P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM) thuộc Tập đoàn quốc tế Pouchen Đài Loan, được cho là có đông công nhân lao động nhất TP.HCM. Có thời điểm số lượng nhân công ở công ty này lên tới 100.000 người, hiện nay có khoảng 40.000 lao động.
Trong bán kính 1,5 km từ Công ty PouYuen, có rất nhiều khu trọ mà đa số là cho công nhân PouYuen thuê. Hầu hết họ là lao động di cư, chọn TP.HCM là nơi sinh cơ lập nghiệp, gắn bó với công ty này từ tuổi đôi mươi...
Một ngày giữa tháng 1.2024, trời sập tối, cảm tưởng như không có gì "quấy rầy" được sự yên ắng của dãy nhà trọ nằm trong con hẻm trên đường Lộ Tẻ, cách Công ty PouYuen hơn 1 km. Ở trong căn phòng nằm cuối dãy, chị Đẹp (37 tuổi, quê Bạc Liêu) đang xem điện thoại với đứa con trai. Chồng chị Đẹp đi uống cà phê ở đầu ngõ, còn đứa con gái nhỏ đã tụ tập với những đứa bạn trong khu trọ.
Chị Đẹp cho hay đứa con trai lớn 13 tuổi bị gân yếu bẩm sinh nên phải dùng nẹp, hầu như không di chuyển được. Nhà chị cũng phải thường xuyên đưa con đi tập vật lý trị liệu và điều trị dài hạn, nhất là khi con lớn nhanh, phải thay nẹp, mỗi lần thay cũng tốn chục triệu đồng. Nhưng dù vậy, hai vợ chồng vẫn xoay sở tốt để lo cho hai con và dành dụm cho tương lai.
Căn phòng chị Đẹp thuê dù chỉ cỡ 8 m2, có gác nhỏ, nhưng trông rộng rãi vì đồ đạc được sắp gọn ghẽ và tối giản. Một góc tường, chị treo ảnh cưới 2 vợ chồng và ảnh các con, ghi những dấu mốc từ lúc con còn nhỏ cho đến lúc học mẫu giáo, tiểu học…
Hai vợ chồng chị Đẹp làm ở Công ty PouYuen đã 18 năm, chứng kiến từ thời quanh công ty chỉ còn đồng ruộng, cho tới khi đường sá, nhà trọ "mọc lên" như nấm.
Bước vào nhà máy từ khi chưa đôi mươi, thấm thoắt đã trôi qua gần 2 thập kỷ. Nhiều lần với nhịp sống quen thuộc, chị muốn đổi nghề, hoặc dọn về quê, nhưng rồi sợ về không có chỗ làm, nên 2 vợ chồng cứ cố gắng làm việc. Đến giờ, chị Đẹp cũng đã quen và hài lòng với cuộc sống của mình. Chỉ có điều năm nay, công ty không tăng ca, lương giảm, nên 2 vợ chồng phải dè sẻn các khoản chi tiêu lại.
"Hai vợ chồng cũng đồng tâm hiệp lực, làm lương cộng lại cũng đủ sống, chủ yếu là nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn học, có dư sẽ gửi về gia đình. Mình làm công nhân rồi, giờ phải cố gắng vì con thôi, mong là đời sống của con cái sẽ khấm khá và tươi sáng hơn. Trước mắt, chỉ mong không bị mất việc, vì giờ 2 vợ chồng đều có tuổi cả rồi", chị Đẹp nói.
Cách phòng chị Đẹp không xa, cũng nằm cuối dãy trọ, là nơi ở của mẹ con chị Trân (36 tuổi, quê Bạc Liêu). Bà Ba, mẹ chị Trân nằm đưa võng. Căn phòng chừng 8 m2 có gác, để đủ đồ dùng. Dễ thấy nhất là 4 cây quạt gió trên sàn, vì những ngày thời tiết nắng oi bức, căn phòng nóng hầm hập.
Chị Trân tan ca từ hồi 16 giờ, chạy xe tạt ngang vài người bán hàng ở khu chợ tự phát ở sát công ty, rồi về nhà tranh thủ nấu cơm tối. Vừa trông nồi canh bí, chị Trân quày quả vài đồ đạc, nói: "Phòng nhỏ, mong em đừng ngại. Ở riết phòng này rồi cũng thấy quen, đi xa sẽ thấy nhớ, buồn liền".
Nhiều lần 2 mẹ con chị Trân cũng muốn đổi phòng khác để không gian sống rộng rãi hơn, nhưng mỗi lần nghĩ tới tiền chi trả tăng thêm là chị quên luôn ý định.
Chị Trân làm công nhân ở Công ty PouYuen khi mới 20 tuổi. Ban đầu, "chân ướt chân ráo" lên thành phố, chị còn ngơ ngác, thỉnh thoảng nhớ nhà, đồng ruộng dưới quê, nhưng chị kiên nhẫn, thấy riết rồi làm công nhân cũng quen. Nếu về lại quê cũng không biết làm gì sống. Chưa kể cách đây khoảng 6 năm, ba chị Trân mất nên mẹ dọn hẳn lên TP.HCM ở với chị. Anh trai của chị Trân cũng làm công nhân PouYuen, nhưng đã có gia đình nên phải lo cho vợ con.
Ngót nghét 16 tuổi xuân trôi qua trong nhà máy, đến giờ chị Trân cũng chưa có dự định sẽ lập gia đình vì phải lo cho mẹ già. Chị Trân kể tình hình công ty khó khăn, không có tăng ca, lương của chị bây giờ chỉ được 8 triệu đồng/tháng. Trừ các khoản chi tiêu cứng là 1,2 tiền nhà trọ, tiền thuốc 4 - 5 triệu đồng/tháng cho mẹ bị tai biến, thì còn lại chừng 2 triệu đồng để sinh hoạt. Nhiều lần, chị Trân phải nhờ thuốc can thiệp vì suy nhược thần kinh. Mấy tháng nay, hầu như phải sang mượn tiền anh trai.
Muốn qua tết này trở về quê làm giấy chuyển viện cho mẹ, nên năm 2023, chị Trân liều chơi hụi, chắt góp 800.000 đồng tiền lương mỗi tháng để đóng hụi. "Đóng được 11 triệu đồng rồi, tính là tháng này nhận hụi, nhưng đen đủi sao, chủ hụi gom hết tiền bỏ đi, không liên lạc được nữa, coi như mất tất cả", chị Trân than thở.
Bà Ba bảo: "Tháng nào 2 mẹ con cũng cân đo chi phí để sống thôi, nếu không đủ thì đi mượn, chứ biết sao giờ. Tôi cứ nghĩ lên đây ở hủ hỉ với con, nhưng ai dè tôi bị tai biến, bệnh tình cứ ập đến, cuối cùng phải để con chăm sóc luôn. Nhiều khi thương con mà không biết phải làm sao. Nó hằng ngày phải đi làm từ lúc 7 - 17 giờ, nhưng làm mãi, không dư thứ gì... ngoài nợ".
Hỏi gia đình chị Trân có mong muốn gì không, thì chị Trân liền trả lời không cầu gì ngoài việc công ty có đơn hàng ổn định và lương của chị được cao hơn. Còn tết này, chị vẫn sẽ về quê, quét dọn nhà cửa, mồ mả tổ tiên, cầu cho một năm mới nhiều khởi sắc...
Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung, đơn hàng sụt giảm, Công ty PouYuen cắt giảm nhân sự hơn 9.200 lao động.
Dịp tết 2024, để bày tỏ sự biết ơn, quan tâm chăm lo cho người lao động đã đồng hành với công ty qua giai đoạn khó khăn, đơn vị thưởng tết từ 1 - 1,98 tháng lương/người tùy thuộc vào thâm niên làm việc.
Ngoài ra, cùng các hoạt động thường niên, tặng quà tết cho đoàn viên, công ty và công đoàn sẽ hỗ trợ vé xe cho người lao động khó khăn về quê đón tết.
Bình luận (0)