Theo CNN ngày 22.4, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra nghi án tình báo Nga cố gắng tuyển mộ ông Carter Page, cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump, trước khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 diễn ra. Nhiều nguồn tin an ninh cho biết từ cuối năm ngoái, FBI đã được Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài (FISA) phê chuẩn lệnh mật để theo dõi liên lạc của ông Page.
Nhân vật này được ban tranh cử của ông Trump thuê làm cố vấn chính sách đối ngoại hồi tháng 3.2016. Ông từng ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin và chỉ trích những biện pháp trừng phạt của Washington đối với Moscow. Theo tờ The Washington Post, FBI và Bộ Tư pháp Mỹ đã thuyết phục tòa án rằng có đủ cơ sở để nghi ngờ ông Page “đang hành xử như đặc vụ của một thế lực nước ngoài, trong trường hợp này là Nga”.
Ngoài ra, giới điều tra cũng tin rằng ông Page chính là người được gọi bằng bí danh “Male 1” trong hồ sơ tòa án về vụ án 3 gián điệp Nga năm 2015. Theo hồ sơ, “Male 1” được 3 điệp viên Nga nhắm tới để tuyển mộ làm nguồn tình báo. Đến nay, ông Page chưa chính thức bị khởi tố và đã phủ nhận mọi cáo buộc. Cũng nhân vụ này, FBI công bố hồ sơ về cách thức được tình báo Nga sử dụng trong nỗ lực tuyển mộ gián điệp tại Mỹ hiện nay.
Xây dựng quan hệ
CNN dẫn hồ sơ FBI cho hay những bước đầu tiên trong quy trình tuyển mộ của tình báo Nga bao gồm lọc ra những đối tượng tiềm năng dựa trên cá tính, nghề nghiệp và các mối liên hệ của người này. Sau đó, điệp viên bắt đầu tìm cách xây dựng quan hệ với mục tiêu một cách thận trọng để không gây nghi ngờ. Trong quá trình qua lại như trao đổi thư điện tử, qua các bữa tiệc hay hội thảo, điệp viên sẽ vận dụng các chiêu thức tâm lý để chiếm được lòng tin và tìm hiểu xem đối tượng có sẵn sàng chia sẻ thông tin hay không. Trong khi đó, những điệp viên cùng nhóm có nhiệm vụ tìm hiểu về nền tảng, địa vị xã hội, tâm tính và cả điểm yếu của mục tiêu để chiêu dụ và cả gây sức ép khi cần.
Báo Business Insider dẫn lời chuyên gia an ninh Naveed Jamali, người từng làm việc cho FBI với nhiệm vụ giả làm gián điệp Nga, nhận định: “Thời Chiến tranh lạnh, Nga thường muốn tuyển mộ quan chức tình báo hoặc sĩ quan quân đội để làm gián điệp. Tuy nhiên, ngày nay, mục tiêu chủ yếu của họ hầu hết thuộc các doanh nghiệp hoặc cơ quan dân sự nhưng phải là người thuộc nhóm có thể đưa ra quyết định và tiếp cận thông tin một cách hợp pháp”.
Trong trường hợp Carter Page, nhà ngoại giao Nga Victor Podobnyy được cho là đã chủ động liên lạc bằng thư điện tử ngay từ năm 2013 sau khi 2 người gặp nhau trong một hội thảo về năng lượng ở New York, theo hồ sơ điều tra. Ông Page thừa nhận có cung cấp một số thông tin về ngành dầu khí Mỹ cho Podobnyy nhưng khẳng định những thông tin này không mang tính nhạy cảm hay bí mật. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định với CNN rằng đối với điệp viên Nga, dù ban đầu mục tiêu chỉ chia sẻ những thông tin không hữu ích thì đây vẫn là dấu hiệu họ đã “dính câu” và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai.
Vắt chanh bỏ vỏ?
Theo FBI, trong quá trình thiết lập quan hệ, nếu phát hiện mục tiêu có tham vọng về nghề nghiệp, có nhiều mối liên hệ quan trọng và nhiệt tình liên lạc, điệp viên Nga sẽ quyết định tuyển chọn người này làm nguồn tình báo. Đây là bước quan trọng nhất cho thành bại của nhiệm vụ tuyển mộ. Trong những lần liên lạc sau đó, họ sẽ sử dụng thông tin thu thập được về mục tiêu để chiêu dụ hoặc gài bẫy ép hợp tác bằng những biện pháp “kinh điển” như hối lộ, giới thiệu “kiều nữ chân dài” để qua đêm rồi lén quay phim hoặc hứa giúp thăng tiến trong sự nghiệp…
Chưa hết, theo giới điều tra Mỹ, tùy vào địa vị quan trọng của đối tượng chiêu dụ mà điệp viên Nga có thể duy trì quan hệ hoặc nhanh chóng loại bỏ nguồn tin sau khi đã đạt mục tiêu. Trên website chính thức fbi.gov, FBI đăng tải hồ sơ tòa án về vụ gián điệp năm 2015, trong đó có nội dung ghi âm lén một cuộc nói chuyện giữa 3 bị cáo về quá trình tuyển mộ một nhân viên tư vấn chính sách ở New York làm nguồn tình báo gồm đủ các bước như lừa gạt, hứa hão và thải bỏ nguồn tin. Cụ thể, một người bị cho là trưởng nhóm giải thích với hai người còn lại: “Các ông hứa nhiều thứ để lấy cho được thông tin. Khi nào có tài liệu rồi thì bảo hắn biến đi”.
Trong vụ Carter Page, nhiều chuyên gia an ninh tin rằng ông đã bị phía điệp viên Nga bỏ rơi và nay đang phải tự “bơi” trong cuộc điều tra của FBI. Người này tuyên bố các cáo buộc nhằm vào mình là “phi lý” còn phía Nhà Trắng cũng bác bỏ mọi thông tin nói Nga can thiệp vào bầu cử để giúp Tổng thống Trump chiến thắng. Tuy nhiên, bản thân đội ngũ của ông Trump cũng tìm cách giảm nhẹ vai trò của ông Page trong chiến dịch tranh cử năm ngoái. Đồng chủ tịch chiến dịch tranh cử Sam Clovis tuyên bố ông Trump chưa hề gặp Page. Người này cũng chưa từng được dự các buổi họp về chính sách trong tòa nhà Tháp Trump và “không phải là người có sức ảnh hưởng”, theo ông Clovis.
Nhà ngoại giao Victor Podobnyy, từng giữ vị trí tùy viên của Phái bộ thường trực Nga ở LHQ, chính là một trong 3 người bị phía Mỹ khởi tố hồi năm 2015 với cáo buộc hoạt động vì lợi ích của nước ngoài trên lãnh thổ Mỹ mà không đăng ký với Bộ Tư pháp Mỹ. Luật liên bang quy định mọi cá nhân hoạt động với tư cách là nhân viên của chính phủ nước ngoài trên đất Mỹ đều phải thông báo với Bộ Tư pháp nước này.
Theo hồ sơ tòa án, ông Podobnyy từng liên lạc với ông Carter Page, còn đại diện thương mại Nga tại New York Igor Sporyshev bị cáo buộc cố tuyển mộ một số nữ sinh viên đại học làm gián điệp. Cả hai người không bị bắt vì được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao và đã về nước trước khi tòa án tiến hành xét xử. Trong khi đó, người thứ ba tên Evgeny Buryakov lĩnh 2 năm rưỡi tù giam trước khi bị trục xuất vào ngày 5.4.2017, theo CBS News. Hồ sơ tòa án mô tả ông này hoạt động dưới vỏ bọc nhân viên cấp cao tại văn phòng của Ngân hàng Vnesheconombank (Nga) ở khu Manhattan, New York. Buryakov bị cáo buộc chuyển thông tin cho hai ông Podobnyy và Sporyshev, vốn có nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo về kinh tế Mỹ.
Cũng theo hồ sơ tòa án, Buryakov và Sporyshev thường xuyên gặp nhau để trao đổi thông tin tại những địa điểm công cộng như quán cà phê hay rạp phim. Những cuộc gặp này được hẹn qua điện thoại. Trong đó, người này sẽ nói với người kia rằng muốn gặp để “gửi đồ” như “vé”, “sách”, “dù” hoặc “nón”. |
Bình luận (0)