Chiều trên sông rực rỡ - Truyện ngắn của Vũ Ngọc Giao

04/02/2024 08:30 GMT+7

Tiếng mái dầm gõ vào thành đò cắc bụp… cắc bụp, cô Thỏa cúi xuống vấn lại mớ tóc bung xõa phất phơ trong luồng gió chướng từ bên kia sông tạt về. Hò lơ… đò dọc lặng trôi, trôi trên con sông đời, đưa người lìa xa, xa bến thương mang theo bao vấn vương… cô rướn người đẩy mái dầm, khe khẽ hát. Con đò chao nghiêng, xoay tròn rồi lướt đi trong tiếng quẫy chũm trên mặt sông, bỏ lại đằng sau bãi cát mịn màng sẫm lại trong mây.

Đồng chiều loang vắng. Tôi dừng lại gỡ bông cỏ may dính đầy hai ống quần. Thoáng thấy bóng tôi, cô Thỏa dừng tay chèo vọng vào: "Lem à! Tối hôm qua chú Ân lại về, chú biểu cô có thương chú thì lấy chồng đi!". Cô Thỏa nghiêng đầu cười duyên, tiếng cười như những mảnh thủy tinh vỡ va vào nhau lanh canh rồi chìm nghỉm khi đò đã ra giữa dòng. Tôi chỉ kịp gọi với ra sông: "Cô à, mai nội con ra bắc…". Chưa nghe hết câu, cô Thỏa đã lật đật xoay đò vào bờ, ghé sát mé nước cột mái dầm, lao về phía tôi hổn hển: "Ủa, nội đi nữa hả con?".

"Dạ, nghe đâu ngoài đó có nhà ngoại cảm giúp nhiều gia đình tìm được người thân đã mất, bạn của cha dắt nội đi, nội nói chỉ mong chú được về với ông, với cha con nội mới yên lòng".

Cô Thỏa ngồi xuống đụn cát vừa bị sóng vun lên như cái nón úp ngược, ngoài kia sông dịu dàng dâng con nước lắp xắp dưới chân, tiếng bìm bịp buồn rượi lan cả mặt sông đang dậy lên mùi bùn tanh nồng, âm ấm. Cô thẫn thờ lượm mấy bông cỏ may cho vào lòng bàn tay thổi bay theo gió. Tôi ngồi bên cô, lấy que khều xác con cá nhỏ bị tấp vào mắc cạn giữa đám cỏ mục. Trời chiều nhập nhoạng, tôi đứng lên phủi hai ống quần dính đầy cát: "Con về chớ để nội chờ!". Cô Thỏa yên lặng ra sông vục nước phả lên mặt, ngón tay lẹ làng quệt mảng nước nhòe nhoẹt bên mắt vừa bết vào mớ tóc mai, tiếng cô bạt vào gió: "Nhà Bốn Tình đốt đồng, khói cay con mắt ghê!".

Chiều trên sông rực rỡ - Truyện ngắn của Vũ Ngọc Giao- Ảnh 1.

Tuấn Anh

Bóng cô Thỏa nhỏ bé loi thoi trên bến vắng, nhòa dần trong mắt tôi.

Làng tôi ven sông Thu, men theo bãi bờ. Những biền dâu bạt ngàn khoác lên làng mạc vẻ mơ màng bên con đường uốn lượn quanh năm nồng nàn hương hoa cỏ, những trảng hoa tím hút trải dài thẫm lại trong bóng chiều hôm. Mỗi sớm mai thức giấc nhìn ra thấy sương giăng kín mặt sông, che khuất cả một nửa chân trời. Làng tôi bên lở, mỗi năm đất sụt vô từng mảng nên từ bao giờ làng được đặt tên Bờ Lở, những trảng cát như con dốc thoai thoải đổ xuống, tiếp nối những làng nghề nuôi tằm, dệt lụa.

Mỗi ngày, má tôi qua sông ra chợ làng bằng con đò của ông Lăng bên bến, cũng có khi cô Thỏa đưa nội tôi đi vào những ngày giỗ chạp, cô ngồi đằng mũi khoan thai quạt mái dầm, tiếng quạt nước ràn rạt, êm ả. Nội ngồi cuối ghe mông lung nhìn trời đất, lẩm nhẩm bài ru Ai về nhắn với bạn nguồn, mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên

Nội kể, hai lần sinh nở cha tôi và chú Ân, hai lần đều mắc nước lụt. Nội tôi đặt tên chú Ân để nhớ cái ân tình xóm làng đã giúp đỡ lúc nguy nan. Cô Thỏa với chú tôi thương thầm từ ngày còn rủ nhau thả bò trong thung. Cô Thỏa không hẳn đẹp nhưng duyên, vẻ mặn mòi khiến ai cũng muốn nhìn lâu và dừng lại trên đôi mắt tuyền một màu đen như mặt nước hồ phủ rêu. Cô hiền lành, hay cười, lúc cười càng hiền hơn. Ngày chú tôi nhập ngũ, cô đưa chú qua sông, đò quay về cô còn lơ ngơ trên bến, lặng lẽ nhìn qua bờ bên kia, mái dầm trong tay kéo lê một vệt dài trên cát.

Cô Thỏa ở cùng bà ngoại trong căn nhà cuối làng, cách vài ngày cô lại kiếm cớ qua với nội tôi, khi cột lại cánh cửa chuồng gà, lúc súc mấy cái lu đợi trời mưa hứng nước, cũng có khi thấy trong bồ hết gạo, cô vô buồng xúc vài ang lúa đi xay. Cô lẳng lặng làm mọi thứ như thể một người con dâu của nội. Nội tôi ngồi bên hiên rưng rưng nhìn cô tất tưởi ra ngõ, tôi biết, nội nhớ chú Ân, có khi nước mắt ứa ra, nội len lén đưa ngón tay quệt đi nhưng những giọt nhớ vẫn chảy ra không dừng.

Chú Ân đi biền biệt không về, thân xác gửi lại nơi nao nội tôi chẳng được hay, chiều chiều nội ra bến, mắt đăm đắm nhìn qua bên kia như đợi như chờ. Vào cái buổi chiều chú tôi đi, bãi bồi vắng hoe, lấp lóa ánh mặt trời phản chiếu xuống lòng sông lờ mờ những bụi bờ rậm rịt, phía chân trời, mây hừng lên một quầng ráng đỏ trong buổi chiều tàn. Đò qua bến bên kia, chú tôi còn quay lại âu yếm nhìn nội, bàn tay đưa lên vẫy vẫy không thôi. Từ ngày đó đêm đêm cô Thỏa lại lặng lẽ ra sông, cô nhìn sông và hát, vẫn bài hát ngày chú tôi chưa đi xa: Hò lơ… Trôi trên con sông tình, sông tình ngược xuôi quen nhấp nhô, trôi theo con sóng yêu…

Có lần nội tôi kéo cô Thỏa lại gần, ấp hai bàn tay thô sần của cô vô ngực thủ thỉ: "Lấy chồng đi con, đám trai làng mình để bụng thương con. Đường mô thì thằng Ân cũng không còn nữa, nhìn con như ri, má xót!". Cô Thỏa chỉ cười nhẹ nhõm, khóe miệng lún sâu một hột gạo thiệt duyên.

Ngày còn nhỏ, chiều nào cũng vậy, nghe từ bến sông tiếng cắc bụp vọng vào, tôi lật đật vất mớ dây thun đang chơi vô góc, vội vàng băng qua vạt cỏ lau, theo lối mòn ven cánh đồng hướng ra sông, bên cây si già phần thân đổ nghiêng rũ xuống như bức mành, cô Thỏa cột ghe vô cây sào, gỡ nón phe phẩy quạt mồ hôi. Lần nào nghe tiếng chân tôi cô cũng ríu rít kéo tôi ngồi xuống kể chuyện, chuyện chiều nay qua bãi bồi thấy tụi con nít xúm vô mua tò he của ông già câm trên phố đem về bán dạo, vừa kể cô vừa móc trong túi áo ra cho tôi, khi con tò he hình công chúa, lúc con châu chấu bằng lá dừa, cũng có khi là cục kẹo mút xanh đỏ. Tôi ngồi bên cô, tranh thủ hít hà mùi thơm từ ngực áo cô thoảng ra, ngọt ngào, cái mùi đã ru tôi vào những giấc mơ đêm, loang cả vào một triền sông lộng gió.

"Răng mà người cô lúc mô cũng thơm?", có lần tôi hỏi.

Cô Thỏa bật cười, gương mặt ưng ửng: "Tại chú Ân thích mùi hoa dẻ".

* * *

Nội tôi khăn gói lên đường. Cô Thỏa đưa nội ra bến trong trời chiều nhập nhoạng. Hơn nửa tháng trời nội đi, không đêm nào tôi ngủ được, tôi nằm nghe từ ngoài bến vọng vào như tiếng người rì rầm trò chuyện. Tiếng mưa rào rạt bên triền sông chao nghiêng những cánh nhạn trắng xuôi theo con nước bay về. Tôi mơ thấy cuối con đường dáng chú tôi cao gầy liêu xiêu trở về trên đôi chân khập khiễng giữa một triền hoa tím nở bung đến tận chân trời. Cô Thỏa chạy về phía chú giấu gương mặt ửng đỏ sau mớ tóc xổ tung mịt mù, tiếng cười loang cả bến sông heo hút vắng. Cô dịu dàng tựa vào vai áo chú, đôi mắt hồ thu cứ ngời lên khi chú tôi cúi xuống thì thầm: "Đợi anh có lâu không?".

Cô ngúc ngoắc đầu cười trong tiếng chim ríu rít bay về giữa đồng chiều. "Rồi tụi mình sẽ cất mấy chiếc bè nuôi tôm trên khúc sông ni, em nuôi thêm đàn gà, trồng vài luống tần ô…". Trong giấc mơ tôi còn nghe tiếng cô Thỏa hát, tiếng hát rải vào triền sông như tiếng hò trong đêm vắng: Hò lơ… Đời là dòng sông, ta trôi như con đò, chống chèo dọc ngang nương kiếp trôi

Nội tôi trở về, thất thểu, cái túi vải móp xọp phơ phất trên cánh tay già nua, quắt quéo. Nội ngồi phịch bên bậu cửa thở hắt ra, tiếng thở nghe nhoi nhói, buồn thiu. Ngoài đồng xa sương chiều âm u khiến tôi không phân biệt được đâu là bảng lảng của khói, đâu là bàng bạc của sương. Cô Thỏa nghe tin nội về liền chạy qua, từ ngoài ngõ nhìn thấy nội thẫn thờ, cô lặng lẽ đi vào, những ngón tay không thôi vân vê vạt áo. Nội ngước nhìn cô, những buồn thương chất chứa trong đôi mắt đó khiến tôi không dám nhìn lâu. Cô Thỏa se sẽ ngồi xuống bên nội, bàn tay thô sần ấp lấy tay nội. Như chỉ chờ có vậy, nội sụp vào lòng cô mà nức nở.

"Má đừng khóc mà! Đừng khóc!", nói vậy nhưng cô cũng nghèn nghẹn: "Qua tháng sạ xong đám ruộng con lại đưa má đi tìm anh Ân. Ảnh từng nói, đi đâu cũng muốn quay về. Ảnh sẽ về, sẽ về… về làng mình để sớm mai ra sông nghe chiền chiện hót".

Đêm đó, dưới bóng trăng lồng lộng, từ trong mùng nhìn ra tôi thấy bóng nội ngồi bên hiên. Câm lặng. Lưng nội cong vòng như móc câu, vai đổ xuống run run trong tiếng lá khô lay lắt rơi, ánh đèn vàng chạch từ chái bếp hắt ra run rẩy tạc nên một vệt dài bất động.

Trời chiều khô héo. Bờ cỏ dại bên triền sông rũ xuống sau cơn lanh lảnh nắng, đêm ấy mưa về bất chợt, đám cỏ đuôi chồn ven sông bật cong tím ngát. Chú tôi đi, từ mùa hoa ấy không về. Đó là một đêm cuối tháng tư. Nội tôi hết khóc lại cười. Hy vọng rồi tuyệt vọng. Chỉ cô Thỏa là vững vàng với miệng cười lấp lóa cả khúc sông: "Anh Ân đã hứa rồi, sẽ về, hẹn con chỗ khúc sông ni, bên chân cầu có cành si rũ xuống chỗ kia, chỉ là anh còn lang thang đâu đó thôi, má à!".

Tôi nằm vật bên triền sông giữa đám cỏ sau mưa xộc lên mùi ngai ngái. Quê tôi, những buổi hoàng hôn thật buồn.

Lại một mùa lau trắng khẽ bừng lên trong sớm mai giăng giăng mưa bụi, những cánh chim nhạn kéo về trắng cả một khúc sông, lướt qua những tầng mây buồn bã. Đêm đêm, trên bến vắng tiếng chân người lại lặng lẽ lướt đi trên cát. Trăng khuya mênh mang, càng lúc càng trong, trăng lạnh như sương đổ xòa xuống triền sông, cô Thỏa một mình chênh vênh trên bến, ngóng về phía chân trời. Chơ vơ. Cô độc. Đêm dần trôi về sáng, cô gục thiếp đi, sương xuống ướt đầm một vai tóc, bừng tỉnh cô thấy mình vẫn ngồi giữa nhập nhoạng mênh mông.

Con ngõ lúp xúp vạt dền cơm lan ra đến tận bờ mương, căn nhà mái ngói thâm xỉn lại giữa vườn cây lào xào trò chuyện cùng với bầy chiền chiện rủ nhau về trên nhánh thầu đâu trước ngõ. Nội tôi cầm cây chổi dừa quơ từng vệt dài trên mảnh sân trơ khấc những viên gạch vỡ rồi sửa soạn mâm cúng bày biện xôi chè, vàng mã lên chiếc bàn đặt bên hàng hiên giữa nắng chiều, lầm rầm khấn vái, những tấm giấy vàng mã run lẩy bẩy trong tay nội trước khi hóa tro. Lần này, nội lại sửa soạn một cuộc đi tìm.

Đêm. Từ bãi sông vọng vào tiếng cội si già hút gió u u nghe rờn rợn. Tôi chìm vào giấc ngủ cho đến khi tia nắng đầu ngày rọi qua khung cửa chấn song một vệt dài vàng mơ, quả chín trong vườn rơi lộp bộp, hình như có buồng chuối già đang chín bói. Tôi choàng tỉnh nhìn ra, nhà cửa vắng tanh, giờ này má tôi đã lên biền, nội và cô Thỏa có lẽ đã qua bên kia sông. Tôi ra hiên, mắt chạm phải chiếc túi vải đựng mớ đồ lỉnh kỉnh nội gói ghém mang theo vẫn còn ở đó. Nhìn quanh chẳng thấy nội đâu, tôi ra vườn, ngoài chuồng gà, dưới ao cũng không thấy bóng nội. Tôi ra sau hè, cái bồ cào vẫn còn dựng trong góc. Linh cảm có chuyện chẳng lành, tôi lao vào nhà, trong căn buồng mờ mờ tối, nội nằm im lìm như ngủ…

Má tôi hay tin chạy về, cô Thỏa cũng vừa vào đến hiên. Nội tôi đi nhẹ nhàng, môi còn hé mở như chưa kịp dặn dò má tôi điều sau cuối, bên khóe mắt những đường chỉ dọc ngang mong manh sương khói còn nheo lại như cười.

Nội đã theo ông.

Làng tôi đưa nội ra đồng vào một chiều mưa như trút. Tiếng con chim cu vức rúc lên từng tràng dài buồn bã trên đồng chiều hoang vắng. Cô Thỏa lặng lẽ đi sau cùng, gương mặt câm lặng cúi xuống như đếm từng thời khắc cuối bên nội. Mỗi chiều từ bến trở về cô lại ghé qua nhà tôi, ra vườn khẽ chạm vào gốc xoài, thành giếng, chạm vào từng cái lu mắm cá nội tôi vẫn dựng bên hiên. Thương nhớ thẫn thờ. Không còn nội, chỉ còn đất đồng đìu hiu cây cỏ, tôi ngơ ngác vào ra trong căn nhà vắng neo người.

Tôi lên thành phố trọ học được nửa năm thì hay tin cô Thỏa lấy chồng. Một cuộc hôn nhân muộn màng. Chồng cô người làng bên, hiền lành, tháo vát, người đã đợi cô bao nhiêu năm ròng. Ngày cưới cô, tôi vội vàng trở về để được nhìn thấy cô mặc áo cô dâu. Tôi đứng giữa đám đông lao xao, nhìn mái tóc cô được cài lên một nhành hoa trắng, mái tóc đã bắt đầu điểm sương khiến tôi rưng rưng. Vẫn miệng cười lún sâu một hột gạo, vẫn đôi mắt đen như mặt hồ rêu phủ nhưng giờ đã vương vất vài vệt sương giăng…

Trở lại thành phố, công việc cuốn tôi miệt mài, làng quê ngày một xa tít tắp. Lần nào về tôi cũng nghe má kể chuyện. Chuyện cô Thỏa lấy chồng giờ không còn ra bến, chỉ ở nhà phụ chồng quản lý xưởng mây tre, chuyện vợ chồng cô khấm khá và êm ấm với đứa con gái lên ba.

Những ngày cuối năm, thành phố tấp nập những chuyến xe đi, về. Tôi cũng nôn nao. Dãy nhà trọ vắng hoe, gió lạnh chợt len lỏi về trên phố, len cả vào con ngõ nhỏ râm ran tiếng lanh canh cụng ly trong bữa tiệc cuối năm. Thoảng trong ngõ mùi mứt gừng nhà ai đương sôi thơm lừng. Hơn bao giờ tôi thèm không khí gia đình, thèm được nhìn thấy nội tôi vào ra soạn sửa mâm cúng ngày cuối năm.

Về đến đầu ngõ đã nghe trong gió mùi bánh nếp nhà ai vừa giã. Mảnh vườn thênh thang vắng từ ngày nội đi, bên hiên hai chậu vạn thọ vàng rực. Má tôi ngồi chụm thêm củi vô nồi bánh tét nghi ngút khói, kể chuyện cô Thỏa vừa qua nhà chiều nay, đem bao bánh mè cô tự tay làm cúng ông bà, rồi quay qua chỉ hai chậu hoa: "Cô Thỏa mua đó, cô nói nội con ưng mùi vạn thọ không chi bằng".

Tôi ra sông, chợt nhớ cô Thỏa hơn bao giờ. Tôi hào hển chạy ngược luồng gió, nghe từng lớp nước táp vào triền sông ì oạp, tiếng lóc bóc vỗ vào mạn thuyền làm vỡ không gian đang tĩnh. Bóng ai như cô Thỏa đang vùi mặt vào mớ tóc trải dài trên cỏ giữa cơn gió luênh loang. Tôi chợt nhận ra, dòng chảy của sông giờ đã khác xưa, đã ăn mòn đôi bờ nên sông càng mênh mang, thăm thẳm…

"Lem về đó sao?", không ngẩng lên nhìn tôi, tiếng cô bạt đi trong tiếng gió chiều vụt về trên sông chấp chới.

"Sao giờ này cô còn ở đây?", tôi nghe lòng quặn lên nỗi niềm thương khôn cùng khi nhìn cô chơ vơ giữa một triền hoa tím trong chiều tắt nắng.

Cô Thỏa đưa tay chỉ qua bên kia sông: "Lem có nhìn thấy gì không?".

Trong ráng chiều, mớ lục bình lững thững trôi về dưới vệt nắng cuối ngày đang hắt lên những quầng mây cam đỏ, sáng bừng, phản chiếu xuống mặt sông như những dải lụa đào, rực rỡ. Tiếng cô thầm thì: "Bao năm nay, đêm giao thừa nào chú Ân cũng về…".

"Ủa… con có thấy đâu? Ngày còn nội, đêm giao thừa con luôn thức soạn mâm cúng với nội mà?!", tôi ngơ ngác.

Cô Thỏa cốc yêu vào đầu tôi: "Chú Ân về trong đám mây đẹp nhất kia!", cô chỉ lên nền trời cao vời vợi, trên đó từng tầng mây rực rỡ kéo về, mắt cô chấp chới, rạng rỡ như chợt thấy chú tôi vừa thoáng qua. Bốn bề thinh lặng, tôi nghe từ lồng ngực cô trái tim đang khe khẽ đập… "Về thôi con!", cô nắm tay tôi chầm chậm đi trên con đường dầm chan màu hoa tím. Lặng lẽ nhìn qua, tôi nhận ra trên gương mặt mơ màng và kín đáo kia một đôi mắt vẫn thăm thẳm dưới cặp lông mày vòng nguyệt như nét vẽ. Từ cuối sông, một cánh chim bìm bịp đơn lẻ chao nghiêng, miệng ngậm mớ cỏ khô bay về.

Đêm se lạnh, mưa xuân lất phất liêu xiêu trên mái. Ngoài sân, mùi vạn thọ thoang thoảng lẫn trong mùi nhang má vừa thắp lên, ấm sực. Tôi cuộn trong chăn nghe ngoài hiên như có tiếng chân mơ hồ lẫn vào gió như có, như không.

Tiếng chân người rón rén đi về. Thật khẽ…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.