Phải nói là khá lâu rồi, truyện của George Orwell mới được dịch tiếp ở Việt Nam, và lần này, người dịch không ai khác là dịch giả Hà Thế Giang. Và tác phẩm anh chọn cũng gai góc không kém - Chìm nổi giữa Paris và London - quyển hồi ký pha chất hư cấu mở đường cho văn nghiệp lẫy lừng của Eric Arthur Blair (tên thật của George Orwell) sau này.
Phần gáy và bìa cuốn Chìm nổi giữa Paris và London |
NXB PHỤ NỮ VIỆT NAM |
Tác phẩm Chìm nổi giữa Paris và London được George Orwell thai nghén khá lâu, kéo dài từ khoảng giữa thập niên 1920 và ra mắt bạn đọc vào năm 1933, thời điểm thế giới trải qua nhiều sự kiện lớn.
Chìm nổi giữa Paris và London được xem là tác phẩm dài đầu tay của Eric Arthur Blair và cũng là lần đầu tiên cái tên George Orwell xuất hiện trên văn đàn thế giới. Cuốn này có số phận khá lận đận. Trong lời giới thiệu sách, dịch giả Hà Thế Giang có đề cập đến một giai thoại thú vị là Down and Out in Paris and London bị 2 nhà xuất bản từ chối, và bị chính T.S.Eliot danh tiếng chối từ: "Chúng tôi nhận thấy đây là một cuốn sách cực kỳ lý thú nhưng lấy làm tiếc không thể nhận in vì quá mạo hiểm!". Vì ngán ngẩm bản thảo liên tục bị các nhà xuất bản phớt lờ, ông đã kêu bạn mình bỏ xấp bản thảo đi và may thay, xấp giấy lại được giới thiệu đến một nhà xuất bản non trẻ để sau đó, Chìm nổi giữa Paris và London ra đời.
Kiệt cùng phận người
Vì quá chán ngán cuộc sống dư dật ở nhà cha mẹ, cộng với trải nghiệm tồi tệ khi tham gia lực lượng cảnh sát của Đế quốc Anh, Eric Arthur Blair rũ bỏ tấm áo manh quần của một người thuộc tầng lớp trung lưu để hòa vào lớp người vô gia cư, sống lê la vạ vật khắp các nhà trọ, trại tế bần ở Anh để hiểu hơn những cảnh đời khốn khổ khốn nạn.
Năm 1928, ông đến Paris, làm nhiều nghề trang trải cuộc sống, trong đó có việc làm phụ bếp cho một khách sạn, chính những chất liệu này đã giúp ông viết nên A Scullion's Diary (Hồi ký của một phụ bếp). Sau đó, tác giả đổi tên tác phẩm thành Down and Out in Paris and London.
George Orwell tại BBC năm 1940. Ông đã chối bỏ đứa con đầu lòng của mình là Down and Out in Paris and London và may mắn là ở những phút giây run rủi ấy, bản thảo của ông đã được một nhà xuất bản nhận ra chân giá trị |
GETTY IMAGES |
Trình tự truyện không giống với thực tế: nhà văn lang thang ở Anh rồi chuyển đến Paris nhưng trong truyện, nhân vật "tôi" vì quá túng bấn ở Paris nên chuyển về Anh để tìm việc nhưng sa cơ lỡ vận mà lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. George Orwell đã quan sát rất kỹ đời sống đô thị và lớp người vô gia cư ở hai thành phố London (Anh) và Paris (Pháp) để đưa vào tác phẩm. Dưới ngòi bút của tác giả, con người trở nên cực kỳ thảm hại, tuy nhiên họ không đáng thương, và đâu đó còn chứa đựng cả sự hài hước - phong cách sáng tác của George Orwell. George Orwell không tuyên truyền về đói nghèo, trang văn của tác giả phô bày ra rất nhiều gương mặt người vô danh nhưng đó là kết của một cuộc khảo sát văn học về tình trạng vô gia cư cũng như tìm ra cách để giải quyết vấn đề này, điều mà ông nhắc đi nhắc lại như là một điểm tối của chủ nghĩa tư bản.
Viết về đói nghèo nhưng không để lên án hay bôi bác mà để hiểu hơn về nó. Cái nghèo và sự bần cùng hiện lên trên trang văn của George Orwell không bi lụy. Chìm nổi giữa Paris và London như một sự tiếp nối truyền thống văn học Anh thời Victoria khi mà các nhà báo, nhà văn cải trang thành người nghèo để khai thác chất liệu cho báo chí, sáng tác. Chính nhà văn cũng xác định trong truyện rằng, bản thân "còn chưa nhìn thấu được vào sâu hơn mép viền của đói nghèo" và đúc kết: "Tôi sẽ không bao giờ xem dân lang thang toàn là những tên vô lại nát rượu, không trông mong người ăn mày tỏ lòng biết ơn lúc được mình dúi cho một xu, không ngạc nhiên thấy người mất việc cũng mất luôn nguồn sinh lực...". Tác phẩm, đối với George Orwell như là một bài học, sự chiêm nghiệm về số phận con người trong xã hội. Bước khởi đầu này, với tác giả, như là bàn đạp để ông nhìn sâu và quyết liệt hơn đối với những tác phẩm sau này.
Bình luận (0)