'Chim sáo' ngoài khơi

16/11/2017 09:39 GMT+7

Sau 2 giờ đồng hồ bay trên trực thăng EC-225 từ sân bay Vũng Tàu ra biển, mỏ Chim Sáo hiện ra trước mắt tôi với lô nhô cần cẩu, trụ ống của giàn khoan PVD VI và vòi đốt khí lửa cháy bùng bùng.

TS Trương Hoài Nam, Phó phòng Quản lý các hoạt động khoan của Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN), nói với tôi: “Đây là mỏ xa nhất của PVN và anh là nhà báo đầu tiên được ra ăn ở mấy ngày trên giàn”.

tin liên quan

Gửi tình lên biên giới
Nói đến biên giới VN - Campuchia, nhiều người cứ nghĩ bộ đội biên phòng chỉ ngồi ở các cửa khẩu sầm uất như Mộc Bài, Hoa Lư, Tịnh Biên, Hoàng Diệu... mà chưa biết còn hàng trăm đồn biên phòng nằm trong rừng sâu núi thẳm heo hút.
12 giờ làm, 12 giờ ngủ
Giàn khoan PVD VI nhìn từ trên cao thấy bé tí, nhưng khi xuống mới biết đó là tòa nhà 5 tầng, 3 tầng là các phòng ngủ, ngoài cửa hành lang đóng im ỉm ghi dòng chữ “Yên lặng. Mọi người đang ngủ”. Vũ Tuấn Phong (35 tuổi), trợ lý giám đốc giàn, giải thích: Hoạt động trên giàn diễn ra liên tục, chia 2 ca làm việc, ca ngày từ 6 - 18 giờ; ca đêm từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Công nhân có thời gian nghỉ giữa ca để ăn nhẹ và uống cà phê.
Giao phòng ở cho tôi, sĩ quan an toàn Roger đưa tấm thẻ cứu hộ màu đỏ ghi họ tên, số phòng và số xuồng cứu sinh chính - phụ, dặn đi dặn lại: “Các thành viên trên giàn phải tham gia mọi cuộc họp an toàn. Ra khỏi cửa khu vực ăn ở phải có người dẫn”. Tôi khệ nệ ôm đống đồ bảo hộ gồm quần áo, ủng chống trượt, mũ nhựa… đi theo giám sát giàn khoan Trần Thanh Long, nghe anh kể: “Hôm trước có đoàn ra kiểm tra công tác PCCC, nằng nặc mặc nguyên cảnh phục, đội mũ bảo hiểm, đi ủng. Sĩ quan an toàn nói thẳng: Không mặc đồ bảo hộ lao động, xin mời về bờ”. Nguyên tắc đến thế!

Đặt được giàn khoan là cả quá trình đấu tranh hàng chục năm trời. Duy trì khai thác mỏ, không chỉ đơn thuần về việc hút dầu lên bán mà cao hơn cả là khẳng định chủ quyền quốc gia ở cực nam Tổ quốc

Kỹ sư Vũ Đức Chính

Dọc hành lang, đâu cũng thấy điện thoại treo vắt vẻo. Mỏ ở cách bờ gần 400 km, sóng điện thoại di động tịt ngóm, muốn gọi về phải lên phòng thông tin bấm điện thoại vệ tinh. Ấy thế nhưng khi tôi lên tầng 5 khu nhà làm việc, vẫn thấy công nhân chụm đầu trong phòng xem ti vi mà mắt dán vào màn hình smartphone, mở ra thấy wifi 3 vạch qua line điện thoại vệ tinh.
Lương thạc sĩ dầu khí có cao đâu…
Nguyễn Quốc Đại, 27 tuổi, là nhân viên thông tin trên giàn khoan PVD VI vừa làm cầu nối biển - bờ, quản lý tàu bè, trực máy bay…, có thâm niên 5 năm cùng giàn khoan, lang thang hết các mỏ Đại Hùng, Kình Ngư Trắng, Lạc Đà Vàng… trên thềm lục địa phía nam. Cũng như các anh em khác, mỗi chuyến đi biển của Đại kéo dài nguyên tháng, ngày nào cũng làm quần quật 12 tiếng đồng hồ, không được lơ là mất tập trung.
Mấy ngày tôi ở giàn, đêm tỉnh ngủ lại mò lên phòng thông tin, thấy Đại cắm mặt vào màn hình máy tính, truyền đạt thông tin giữa kíp khoan và nhà điều hành, soi radar phát hiện các vật thể lạ, trên bàn lúc nào cũng thù lù 1 cốc to cà phê đắng ngắt. Tôi tò mò: “Làm thế này chắc thu nhập cao?”. Đại tròn mắt: “Theo bảng lương nhà nước. Khác mỗi cái là 1 ngày được thêm 280.000 đồng tiền đi biển”. Đại kể: Mỗi tháng đi làm ngoài biển, thu nhập khoảng 14 triệu đồng nên về nhà phải chắt bóp dành dụm mọi thứ. Cô con gái của Đại mới 16 tháng tuổi, cứ mỗi dịp bố về là bỏ bà ngoại, quấn chặt bố và thấy bố xếp đồ lên tàu ra biển là khóc lóc đòi theo.
Giám sát giàn khoan Trần Thanh Long, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 681 Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần, có 4 năm liền (1982 - 1986) làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào. Anh Long bị ảnh hưởng của chất độc hóa học, hiếm muộn, nên giờ mọi tình cảm đều dành cho công nhân. “Phải coi giàn khoan là ngôi nhà thứ 2, bởi 1 năm có 6 tháng ở bờ 6 tháng ngoài biển. Mà đã là nhà thì phải ấm cúng, sạch sẽ, ngăn nắp”. Anh Long kể: Do đặc thù hoạt động dầu khí, sinh viên mới ra trường vào công tác đều phải ra giàn làm kỹ sư học việc, sau đó mới lên kỹ sư thực địa, vận hành máy bơm, trợ lý khoan và chính thức làm kỹ sư. Quá trình “thăng cấp” có khi kéo dài 15 - 20 năm nên thu nhập của anh em toàn cử nhân - thạc sĩ khoa học mới ra giàn làm việc chỉ 6 - 7 triệu đồng/tháng.
'Chim sáo' ngoài khơi 1
Các công nhân trẻ trên giàn khoan
Giữ vững chủ quyền
Kỹ sư Vũ Đức Chính bảo: “Đặt được giàn khoan là cả quá trình đấu tranh hàng chục năm trời. Duy trì khai thác mỏ, không chỉ đơn thuần về việc hút dầu lên bán mà cao hơn cả là khẳng định chủ quyền quốc gia ở cực nam Tổ quốc”.
Lê Trần Hậu, 40 tuổi, là kỹ sư vật tư trên giàn khoan PVD VI, nhớ lại: Trái ngược với mọi người trong bờ, công nhân, kỹ sư PVN làm việc trên giàn khoan, các mỏ coi việc máy bay nước ngoài bay sát trên đầu trinh sát, uy hiếp, tàu nước ngoài vo ve lượn quanh nghe ngóng động tĩnh là “chuyện thường ngày ở huyện”. Các chuyên gia nước ngoài trên giàn thấy vẻ bình thản của anh em VN, thán phục: “Họ không sợ, sao mình ngại”.

'Chim sáo' ngoài khơi2
Chuyên gia nước ngoài và kỹ sư VN trên giàn đầu giếng
Ở mỏ Chim Sáo xa tít với đất liền, đến đâu tôi cũng gặp cờ đỏ sao vàng Tổ quốc thêu trên tay trái áo bảo hộ lao động màu da cam của công nhân làm việc ngoài giàn dưới cái nắng nóng trên 40 độ C, cờ Tổ quốc bình yên trên áo liền quần màu xanh da trời trong phòng làm việc và lá cờ trên nóc giàn bay phần phật. Nguyễn Quốc Đại bảo: “Cờ ngoài biển không bao giờ để cũ, bởi mỗi mét nước sải biển ngoài này là chủ quyền bất khả xâm phạm của quốc gia”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.