Xe

Chìm tàu chở than, 13 thuyền viên mất tích ngoài khơi Cửa Lò

17/07/2017 09:06 GMT+7

Cơ quan tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đang huy động lực lượng, phương tiện để tìm kiếm 13 thuyền viên trên tàu chở than bị chìm do bão số 2 .

Sáng nay, 17.7, tại Hà Nội, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai  với các địa phương, nhằm cập nhật tình hình ứng phó với mưa bão số 2.
Theo Ban chỉ đạo, cho đến sáng nay, mới chỉ có Nghệ An báo cáo bước đầu về thiệt hại, trong đó có 1 người chết. Nạn nhân là bà Nguyễn Thị Mai (55 tuổi, trú tại khối phố 8, phường Quỳnh Hiện, thị xã Hoàng Mai), tử vong do bị tôn đè trúng người.
Thống kê trên toàn tỉnh, Nghệ An có tới 2.751 nhà dân, ki ốt, công trình bị tốc mái hư hỏng, trong đó có 1 trụ sở UBND xã, 1 trạm y tế và 1 trường học.
Mưa lớn kéo dài trong ngày hôm qua đến sáng nay đã làm sạt lở nhiều điểm, gây ách tắc nhiều tuyến đường giao thông trên quốc lộ 48, quốc lộ 16.
Cũng theo cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng Nghệ An, bão số 2 đã làm chìm 1 tàu vận tải VTB 26, khi trên tàu có 13 thuyền viên và chở theo 4.700 tấn than, neo đậu tại khu vực biển Hòn Ngư, thị xã Cửa Lò.
Đến sáng nay, cơ quan tìm kiếm cứu nạn chưa xác định được tung tích các thuyền viên. Bộ đội biên phòng Nghệ An và Cảng vụ Nghệ An đã huy động 3 tàu vận tải tham gia tìm kiếm và cứu vớt người bị nạn.
2 sà lan bị sóng đánh dạt vào bờ biển Thanh Hoá
Theo thông tin thực địa của PV Thanh Niên tại Thanh Hoá, vào khoảng 4 giờ sáng nay, người dân thôn 1, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa phát hiện 1 sà lan lớn (dài khoảng 30 m, rộng gần 10 m) trôi dạt vào bờ biển, nhưng không phát hiện người. Sau khi bị dạt vào gần bờ, sà lan bị sóng đánh khiến nhiều vật dụng, đồ đạc rơi xuống biển.
Khoảng 2 giờ sau, người dân lại tiếp tục phát hiện thêm 1 chiếc sà lan nữa cũng trôi dạt vào bờ biển thuộc thôn 1, xã Hoằng Trường.
Nhận được tin báo, lực lượng Biên phòng, chính quyền địa phương đã có mặt tại khu vực hiện trường nhưng do sóng to, gió lớn, không thể tiếp cận được các sà lan.
Chiếc sà lan bị sóng đánh trôi vào bờ biển thôn 1, xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) Ảnh Minh Hải
Ông Lê Phạm Thảo, Phó chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, cho biết trên địa bàn xã có hàng nghìn tàu thuyền, bè mảng nhưng do người dân chủ động phòng chống bão nên an toàn. Về 2 chiếc sà lan trôi dạt vào bờ biển, hiện lực lượng Biên phòng cùng với xã đang báo cáo cấp trên, đồng thời thông tin đến các huyện, tỉnh lân cận để tìm chủ các sà lan, lên phương án trục vớt.
“Các sà lan có diện tích đáy rộng nên khi trôi dạt trên biển không bị đánh chìm, nhưng khi vào gần bờ gặp sóng to cả 2 sà lan đều bị vào nước và chìm cách bờ khoảng 20 m. Theo hướng trôi thì chúng tôi nhận định các sà lan có thể thuộc tỉnh Ninh Bình hoặc Nam Định, do neo đậu không chắc chắn nên bị sóng đánh đứt dây neo trôi dạt vào Thanh Hóa”, ông Thảo nói.
Nhiều người dân hiếu kỳ ra xem sà lan trôi dạt vào bờ biểnẢnh Minh Hải

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, cho biết mưa bão làm gãy đổ, hư hỏng hệ thống điện khiến toàn huyện Triệu Sơn bị mất điện, chưa thể vận hành hệ thống bơm tiêu úng. Trên địa bàn toàn tỉnh có 590 ha lúa đang bị ngập úng; 740 ha mía và trên 100 ha ngô, cây trồng khác bị gãy đổ. Ngoài ra, mưa bão đã làm chìm 1 số tàu thuyền ở các bến neo đậu.

Theo ghi nhận của Thanh Niên vào sáng 17.7, trên nhiều trục đường như Đại lộ Lê Lợi, đường Nguyễn Trãi, đường Trần Phú… tại TP.Thanh Hoá, rất nhiều cây cối bật gốc, đổ gãy chắn ngang đường.
Nhiều cây cổ thụ bật gốc sau bão số 2Ảnh Minh Hải
Khu vực huyện ven biển Hoằng Hóa (Thanh Hóa), từ đêm 16.7 đến rạng sáng 17.7 có gió mạnh, mưa lớn cũng khiến nhiều cây cối đổ gãy, nhiều nhà mái tôn bị tốc mái.
Cây gãy đổ chắn ngang nhiều con đường tại thành phố Thanh Hóa Ảnh Minh Hải
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.