Trước thềm ChinaJoy 2014, mời bạn đọc cùng Thanh Niên Game điểm lại sơ lược lịch sử thăng trầm của triển lãm game thuộc dạng hàng đầu thế giới này:
2003 - Khởi đầu
Tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003 tại Bắc Kinh với 129 doanh nghiệp tham gia, triển lãm game ChinaJoy năm đó đã đón tiếp hơn 58.000 người tham dự. Lần đầu tiên ra mắt, chỉ có 39 sản phẩm Trung Quốc được giới thiệu.
Quang cảnh ChinaJoy lần thứ 1 tại Bắc Kinh.
Vua hài Châu Tinh Trì trong vai trò người đại diện của tựa game Đại thoại tây du 2.
2004 - Lớn mạnh
ChinaJoy lần thứ 2 chuyển địa điểm tổ chức sang Thượng Hải và đây chính là nơi tổ chức ChinaJoy trong tất cả những năm sau đó. Với lần ra quân thứ hai, số lượng sản phẩm tham gia triển lãm không có sự tiến triển nhưng số lượng người tham dự đã tăng hơn gấp đôi. Điểm chú ý nhất của lần này chính là các showgirl (PG) giới thiệu sản phẩm tại các gian hàng.
Lần 2, triển lãm được chuyển đến Thượng Hải.
Tôn Ninh - Tini, một trong những showgirl đời đầu của ChinaJoy.
2005 - Thời của cosplay
Lần thứ ba, ChinaJoy dời địa điểm tổ chức sang một khu triển lãm với diện tích 25.000 mét vuông. ChinaJoy năm đó là một thất bại lớn bởi đã không tạo được tiếng vang. Tuy nhiên, điểm sáng duy nhất tại ChinaJoy lần 3 chính là dàn showgirl, các ngôi sao điện ảnh âm nhạc và sự xuất hiện của những màn trình diễn cosplay hoành tráng.
Minh tinh Tiêu Tường cosplay tại ChinaJoy 2005.
2006 - Chú trọng triển lãm game online
Với lần thứ 4, cái tên ChinaJoy đã bắt đầu tạo được tiếng vang. Nhiều nhà sản xuất game mới nổi đã tham gia triển lãm. 338 game (Trung Quốc có 138 game cùng 200 game ngoại) được giới thiệu tại ChinaJoy lần này đã tạo nên cơn sóng mới trong ngành game Trung Quốc. Cũng từ lần này, ChinaJoy bắt đầu chuyển sang triển lãm game trực tuyến (MMO). Tựa game Thiên long bát bộ cũng được giới thiệu tại ChinaJoy lần này. Điểm nhấn của lần thứ tư là sự xuất hiện của showgirl không cười Đinh Bối Lợi.
"Búp bê không cười" Đinh Bối Lợi.
2007 - Phát triển nhờ blog
Sự phát triển của hình thức blog đã rút ngắn khoảng cách tham gia ChinaJoy. Rất nhiều bài viết được chia sẻ trên các blog mạng khiến cho ChinaJoy lần này phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự phát triển về số lượng và quy mô các showgirl.
Các showgirl "diện" cả bikini tại ChinaJoy 2007. (Ảnh: Famitsu)
2008 - Bước ngoặt
Sự phát triển của ChinaJoy kéo theo sự phát triển của cả ngành game Trung Quốc. Năm 2008, 207 doanh nghiệp Trung Quốc tham gia triển lãm, cùng với 147 doanh nghiệp nước ngoài. Đây được coi là kỳ triển lãm bước ngoặt, đánh dấu sự phát triển của những người làm game Trung Quốc. Cũng trong năm này, hãng Kingsoft giới thiệu Võ lâm truyền kỳ 3 đến khách hàng.
Khu vực triển lãm của Kingsoft tại ChinaJoy 2008.
2009 - Triển lãm... showgirl
Có hai thay đổi bất ngờ của ChinaJoy trong kỳ tổ chức lần này. Một là giá vé tăng từ 20 tệ lên... 100 tệ. Hai là showgirl trở thành điểm thu hút khách hàng khi đến tham quan ChinaJoy. Số lượng khách hàng đến ChinaJoy để ngắm showgirl nhiều hơn số lượng khách hàng đến tìm hiểu các sản phẩm game được trưng bày.
Điểm nhấn của triển lãm lần thứ 7 là các showgirl.
2010 - Đại hội chân dài
Với điểm nhấn từ ChinaJoy năm trước, trong năm này, số lượng showgirl tham gia triển lãm gia tăng mạnh mẽ. ChinaJoy mặc nhiên trở thành một "ngày hội chân dài".
Với dàn showgirl ngực khủng, ChinaJoy trở thành đại hội của chân dài.
2011 - Cosplay vỡ mộng
Ngoài việc sử dụng dàn chân dài ngực khủng ngày càng ít vải, các doanh nghiệp tham gia ChinaJoy còn chú ý đến các cosplayer với trang phục lộng lẫy thu hút giới trẻ. Tuy nhiên, vì quá chú trọng đến hình thức nên các cosplayer thể hiện có phần quá lố, không đúng tinh thần cosplay chân chính, chủ yếu chỉ khoe... da thịt.
2012 - Showgirl trở thành cosplayer
ChinaJoy lần thứ mười là kỳ triển lãm... bát nháo nhất. Để thu hút khách hàng đến với gian hàng của mình, các doanh nghiệp đã không ngần ngại khoác những bộ cosplay sặc sỡ lên người các showgirl, chủ yếu để khoe ngực khủng, đùi thon. Theo thông tin từ trang PC Games, Trung Quốc, từ năm 2008 đến 2013, giá thuê showgirl tăng từ 200 tệ/ngày lên 500 tệ/ngày. Có doanh nghiệp còn hào phóng chi trả 800 tệ/ngày (khoảng 2,6 triệu đồng) cho dàn showgirl có chiều cao trên 1,72m.
Showgirl khoác lên mình trang phục của cosplayer, gây bất bình trong giới cosplay chân chính.
Quang cảnh ChinaJoy năm 2012.
2013 - Game di động lên ngôi
Năm 2013 đánh dấu một bước ngoặt mới của ngành game Trung Quốc khi số lượng lẫn chất lượng của các game di động tham gia triển lãm tại ChinaJoy tăng lên đáng kể. Đây cũng chính là điểm giúp ChinaJoy thay đổi quan điểm khách hàng là "đến tham gia chỉ để ngắm gái". ChinaJoy 2013 thực sự có nhiều cái đáng xem hơn là các chân dài.
Nhiều tựa game di động đã xuất hiện tại ChinaJoy 2013.
Với những thay đổi lớn trong một khoảng thời gian dài từ một triển lãm quy mô nhỏ tại Bắc Kinh đến triển lãm hoành tráng tổ chức tại Thượng Hải, ChinaJoy lần thứ mười hai không còn là một nơi chỉ có các chân dài ngực khủng. Sự tham gia của Xbox One, PS4, Wii U... hứa hẹn sẽ nâng ChinaJoy lên một tầm cao mới.
ChinaJoy 2014 đã sẵn sàng.
Thanh Niên Game sẽ có những tin bài trực tiếp từ ChinaJoy 2014, mời quý độc giả đón theo dõi.
Bình luận (0)