Chính chủ

13/11/2012 03:25 GMT+7

Cụm từ chính chủ xuất hiện với mật độ dày đặc và biến thành câu cửa miệng của người dân trong cuộc sống hằng ngày từ ngày 10.11, khi Nghị định 71/2012/NĐ-CP có hiệu lực. Điều đáng ngạc nhiên là, quy định xử phạt các trường hợp không chuyển quyền sử dụng phương tiện giao thông đã có từ lâu nhưng bây giờ mới làm mọi người bàn tán và hiểu theo nhiều cách khác nhau gây nên sự xôn xao không đáng có.

Câu hỏi "vì sao như thế" là câu hỏi rất đáng suy nghĩ. Câu trả lời chung nhất, có lẽ, là vì pháp luật (nghị định, thông tư... nói chung) chưa thực sự đi vào đời sống nhân dân.

Tâm lý chung của người dân bình thường nhất, ai cũng muốn tài sản của mình phải đứng tên mình (gọi là tài sản chính chủ), nhưng vì sao, cho đến bây giờ, ước tính có trên 40%, gần 50% phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) mua đi bán lại không được sang tên đổi chủ. Đó là điều đáng suy nghĩ thứ hai.

Ai cũng nhận thức được rằng, việc phương tiện giao thông được mua bán sang tay không sang tên về chính chủ sẽ gây nên nhiều hệ lụy. Đối với người thi hành công vụ thì khó tìm được chủ phương tiện vi phạm khi chưa thể giữ được ngay lúc đó (ví như chở hàng lậu, gây tai nạn rồi bỏ chạy hay đua xe...). Công an có thu được xe ăn trộm cũng phải mất công thông báo tìm người bị mất mà người đó chưa hẳn là người đứng tên trên giấy tờ xe.

Đối với người sử dụng mỗi khi để mất phương tiện của mình cũng khó khăn trong việc trình báo. Chưa kể những việc tranh chấp rất có thể xảy ra giữa người bán, người mua, người mua đi bán lại...

Ai cũng biết thế nhưng vì sao không thực hiện quyền sở hữu tài sản của mình ngay từ đầu? Đây lại là một câu hỏi nữa. Lại phải lý giải rằng, pháp luật chưa phù hợp với thực tế đời sống, ở chỗ, phí chuyển nhượng quá cao. Ở một khía cạnh nào đó, nó giống như thuế chồng lên thuế.

Vì thế, để khuyến khích người sử dụng phương tiện chính chủ thì chỉ có cách làm sao cho người tham gia chuyển quyền sử dụng phương tiện chịu một mức phí khả dĩ phù hợp với thu nhập và được thực hiện một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Điều quan trọng và đáng nói nữa là, các câu chữ thể hiện trong văn bản luật, nghị định... phải rõ ràng và được hiểu một cách nhất quán, không thể để người dân hiểu theo cách của mình và người thi hành công vụ hiểu theo cách của họ. Người dân xôn xao là vì lẽ đó. Thực tế thì, việc một người sử dụng phương tiện giao thông chưa chuyển quyền sử dụng với một người đi xe mang tên người khác (trong gia đình hay mượn bạn bè...) rất khó xác định. Vì khó xác định nên người sử dụng bám vào đó mà cãi, người thi hành công vụ cũng có thể bám vào đó mà phạt. Người dân suy luận cũng không sai, muốn chứng minh đó là xe của gia đình thì phải mang hộ khẩu, giấy kết hôn, thậm chí là... “gia phả” theo xe phòng khi bị hỏi. Phía người thi hành công vụ không phải ai cũng quán triệt như nhau vì thế rất có thể bám vào đó mà... hành. Điều này không thể khẳng định là không xảy ra trong cuộc sống. Và, đáng ra, nó có thể được hiểu nhất quán hơn với thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này trước khi triển khai thực hiện.

Trong dân gian lưu truyền một câu chuyện vui rằng, có một vị sở hữu nhiều đất đai nhưng toàn nhờ người khác đứng tên, đến nỗi, khi vị này chết, người ta không tìm ra mộ để viếng, vì mộ cũng... đứng tên người khác. Đó là câu chuyện châm biếm khôi hài về một thực tế nảy sinh trong cuộc sống nhưng nó cũng hàm chứa một ý nghĩa sâu xa. Người như vị đó nếu có cũng là số ít, rất ít. Còn người dân đường đường chính chính vẫn rất đông. Và, như đã nói, không ai không muốn tài sản mình lại đứng tên người khác. Cực chẳng đã họ mới đối phó mà thôi. Vì thế nên tạo điều kiện để tài sản về với chính chủ. Đó mới là lúc pháp luật đã đi vào đời sống vậy!

Nguyễn Thế Thịnh

>> Thu bằng lái thì không được lái xe
>> CSGT lúng túng khi xử phạt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.