Bóng đá không phải là chính trị, nhưng bóng đá là phương tiện, là công cụ chính trị tốt nhất? Nhà độc tài Benito Mussolini của Ý đã tận dụng quy luật này.
Mussolini và tuyển Ý vô địch World Cup 1934, 1938 - Ảnh: AFP
|
Chế độ phát xít của Mussolini được người Ý ủng hộ một phần nhờ những chiến thắng vang dội trên sân cỏ. Ngược lại, nhờ sự hỗ trợ tuyệt đối của chính quyền Mussolini mà đội tuyển Ý vốn đã mạnh, càng trở nên vô đối trong suốt thập niên 1930.
Sau Thế chiến thứ nhất, Ý là một quốc gia tầm thường: nghèo nàn về kinh tế, chậm chạp trong lĩnh vực công nghiệp hóa. Cầm quyền từ năm 1922, Mussolini luôn có tham vọng biến Ý thành một siêu cường, làm hồi sinh những giá trị của đế chế La Mã. Muốn vậy, trước tiên người dân Ý phải kết thành một khối, phải nêu cao tinh thần dân tộc. Ông thấy rất rõ: bóng đá là phương tiện tốt nhất để chuyển tải tham vọng chính trị của mình.
Ông chỉ định Lando Ferretti, một nhân vật phát xít cộm cán, giữ ghế Chủ tịch LĐBĐ Ý và Calcio phát triển rất nhanh trong thời kỳ ấy. Cầu thủ Ý được chuyên nghiệp hóa và giải Serie A được tổ chức quy củ. Mussolini mở cửa chào đón các tuyển thủ Argentina gốc Ý về quê thi đấu. Luisito Monti do vậy trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử đá 2 trận chung kết World Cup trong 2 màu áo khác nhau. Tất nhiên, khi trở về quê hương và được chào đón như một người hùng, Monti lập tức chuyển tên Luis thành Luisito "kiểu Ý". Enrique Guiata, Raimundo Orsi và nhiều danh thủ khác cũng rất thành công với lộ trình tương tự.
Về mặt đối nội, Mussolini tạo mọi điều kiện để bóng đá Ý phát triển, đồng thời phát huy tối đa những gì thuộc về phát xít, về dân tộc, về khái niệm siêu cường trong trò chơi bóng đá. Về mặt đối ngoại, ông không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để gây ảnh hưởng hòng đem lại thuận lợi cho Squadra Azzurri. "Gây ảnh hưởng" đôi khi đồng nghĩa với "hối lộ", như mọi người đều biết. Trọng tài người Thụy Điển Ivan Eklind "vinh dự" dùng cơm tối với Mussolini và... bàn về chiến thuật bóng đá. Ông điều khiển cả hai trận đấu quyết định của Ý tại World Cup 1934 (thắng Áo 1-0 ở bán kết và thắng Tiệp Khắc 2-1 ở chung kết). Đến tận bây giờ, đấy vẫn là các trận đấu gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử World Cup, với hàng loạt quyết định có lợi cho Ý và bất lợi cho đối thủ của họ.
Cứ thế, Ý liên tiếp vô địch các kỳ World Cup 1934, 1938. Giới nghiên cứu lịch sử bóng đá cho rằng Ý - chứ không phải Brazil - mới là đội tuyển từng có sự thống trị rõ ràng nhất trên sân chơi World Cup. Azzurri đã có thể đăng quang lần thứ 3 liên tiếp vào năm 1942, nếu như World Cup không bị hoãn vì Thế chiến thứ hai. Dẫn dắt Ý trong thời kỳ oanh liệt ấy, HLV Vittorio Pozzo trở thành HLV duy nhất xưa nay từng 2 lần vô địch World Cup.
Người ta có thể cho rằng Mussolini đã gây ảnh hưởng rõ rệt để Ý vô địch World Cup 1934 tại sân nhà. Nhưng đến khi thầy trò Pozzo bảo vệ thành công chức vô địch tại France 1938 thì cả thế giới đều phải công nhận Azzurri xuất sắc về chuyên môn. Tại Pháp, mỗi khi Azzurri ra sân thì luôn vấp phải những tràng la ó chế giễu từ mọi phía khán đài. Người ta hô vang những khẩu hiệu chống phát xít. Dưới sân, Pozzo chỉ đạo các tuyển thủ Ý chào kiểu phát xít cho đến khi nào khán đài yên ắng mới thôi.
Người ta kể rằng Mussolini từng gửi điện cho các thành viên Azzurri trước một trận chung kết World Cup: "Vincere o morire" (tạm dịch: "Thắng hay là chết"). Sau này, người ta chê cười HLV Pozzo, cho rằng ông vô địch World Cup nhờ sự hăm dọa ấy, nhờ cả chuyện chiêu dụ các ngôi sao Argentina về Ý thi đấu. Pozzo trả lời rất nhanh: "Nếu Guiata, Monti, Orsi... dám đem mạng sống ra đánh cược với một trận bóng đá, dám chết vì đội tuyển Ý, thì họ có xứng đáng khoác áo Azzurri? Tôi có nên mời các cầu thủ như vậy vào đội tuyển của mình?". Cũng hay, dù là cái hay theo kiểu phát xít.
Bình luận (0)