Những "chủ nợ" xuất hiện trong bối cảnh ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch đã đi khắp thế giới và yêu cầu hủy đăng ký của các tàu bay đang được nhiều hãng hàng không khai thác, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động hàng không đang bước đầu hồi phục tại nhiều quốc gia, thị trường hàng không lớn.
Tại Ấn Độ, thị trường hàng không lớn thứ 3 thế giới, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi mới đây đã ra quyết định không cho phép các bên cho thuê tàu, các quỹ "kền kền" thu hồi tàu bay hay yêu cầu xóa đăng ký, buộc xuất khẩu tàu bay. Theo Cirium, Ấn Độ là một trong những thị trường cho thuê tàu lớn hàng đầu thế giới khi có tới 75% số tàu bay được giao từ năm 2018 đến 2022 là thực hiện theo hình thức bán và cho thuê lại (sales & lease back), so với trung bình thế giới chỉ là 35%.
Động thái của Chính phủ Ấn Độ diễn ra sau khi hãng hàng không Go First xin bảo hộ phá sản, ngừng hoạt động hôm 3.5.2023. Một số tàu bay trong tổng số 54 tàu bay của Go First đã bị các chủ nợ yêu cầu xóa đăng ký, thu hồi máy bay. Ba doanh nghiệp cho hãng hàng không SpiceJet, một hãng hàng không Ấn Độ khác thuê tàu bay cũng đã gửi đơn lên Cục Hàng không Ấn Độ yêu cầu xóa đăng ký 4 tàu bay mà hãng này đang khai thác hôm đầu tháng 5. Chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố không cho phép các bên cho thuê tàu đưa tàu bay đang khai thác ra khỏi nước này nếu chưa có được thỏa thuận với các hãng hàng không. Tổ chức AWG đã giảm 0,5 điểm tín nhiệm của hàng không Ấn độ từ 3,5 xuống 3 nhưng có vẻ chính phủ và các hãng hàng không không mấy quan tâm tới việc này, cho rằng giới chủ tàu đã kiếm được quá nhiều tiền từ việc cho thuê mua tàu bay ở thị trường đang bùng nổ này.
Quyết định của Chính phủ Ấn Độ cũng phản ánh quan điểm của các cơ quan quản lý, chính phủ các nước nhằm bảo vệ hoạt động hàng không và đội tàu của mình trước các "cuộc tấn công" của một số tổ chức cho thuê mua tàu hay các quỹ kền kền đã tranh thủ thời gian đại dịch Covid-19 mua rẻ các khoản nợ với tài sản thế chấp là những tàu bay của các hãng hàng không đang khai thác. Hành động thu hồi tàu bay của các tài phiệt, nhất là các quỹ kền kền bất chấp việc các hãng hàng không sẵn sàng trả tiền thuê tàu, mong muốn được tiếp tục khai thác các tàu bay để hồi phục giao thông và các nghĩa vụ tài chính sau đại dịch, hay các thỏa thuận hợp tác đôi bên cùng có lợi trước đó trong tình huống bất khả kháng do dịch bệnh.
Trước những dấu hiệu ảnh hưởng tới phục hồi của ngành hàng không, đầu tàu khôi phục kinh tế, hành động của các chính phủ, cơ quan quản lý trong việc bảo vệ đội tàu bay, quyền lợi của các hãng hàng không được chờ đợi sẽ loại bớt các rủi ro, tránh tình huống trục lợi từ các tổ chức tài chính, cho thuê tàu.
Bình luận (0)