Chính phủ 'chốt' trình phương án điều chỉnh giá điện trước 25.10

Mai Hà
Mai Hà
11/10/2023 19:06 GMT+7

Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công thương phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình phương án điều chỉnh giá điện trước ngày 25.10.

Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 11.10, Bộ Tài chính cho biết, trong 9 tháng năm nay, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát và theo xu hướng giảm dần.

Chính phủ 'chốt' trình phương án điều chỉnh giá điện trước 25.10 - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý quản lý giá điện, xăng dầu

VGP

Các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, diễn biến theo đúng với kịch bản điều hành giá.

Bộ Tài chính cũng cập nhật 2 kịch bản lạm phát: kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,2% so với năm 2022; kịch bản 2, CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,6% so với năm 2022.

Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,2 - 3,6%. Trong khi đó, Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,3 - 3,6%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng dự báo lạm phát bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,4% (dao động khoảng 0,3%). Các bộ, ngành thống nhất nếu không có biến động quá bất thường, việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4,5% là khả thi.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương, năm 2024, công tác quản lý, điều hành giá sẽ chịu sức ép lớn hơn, do tác động của việc triển khai thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 và điều chỉnh giá một số mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, giá điện... 

Phát biểu kết luận, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, mặt bằng giá cả hàng hóa trong nước vẫn giữ được ổn định. Đến thời điểm hiện tại, chúng ta có thể đạt được các mục tiêu Quốc hội giao về điều hành giá, quản lý lạm phát.

Trong 3 tháng cuối năm, Phó thủ tướng lưu ý về giá xăng dầu và giá mặt hàng lương thực. Hiện có một số yếu tố như Nga và Saudi Arabia cắt giảm nguồn cung, dự trữ xăng dầu của một số nước lớn sụt giảm có thể làm giá xăng dầu thế giới đảo chiều, tăng giá vào những tháng cuối năm. 

Lý do Bộ Công thương đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu 7 ngày/lần

Bên cạnh đó là vấn đề biến động giá mặt hàng lương thực, lúa gạo để vừa xuất khẩu, vừa bảo đảm an ninh lương thực. Do đó, cần phải tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới, đánh giá các tác động để chủ động có giải pháp kịp thời, phù hợp.

Cụ thể, về giá điện, Phó thủ tướng giao Bộ Công thương phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình phương án điều chỉnh giá trước ngày 25.10 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và trình tự, thủ tục quy định.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công thương tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung cho hệ thống phân phối của cả nước, sẵn sàng các biện pháp xử lý kịp thời về giá khi thị trường có biến động.

Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế trình Chính phủ cho ý kiến đối với phương án điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong tháng 10; cân nhắc ban hành thông tư về giá dịch vụ y tế theo trình tự rút gọn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.