* Bỏ quy định khống chế trần quảng cáo, tiếp thị
* Ưu đãi thuế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
* Trình Quốc hội cho phép xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế
|
Ưu đãi thuế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày trước QH hôm qua, đề nghị bổ sung một số quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và với các dự án quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỉ đồng, có phạm vi tác động sâu, rộng tới KT-XH.
Theo dự luật, mức thuế suất 20% sẽ được áp đối với DN hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn. Từ ngày 1.1.2016 sẽ áp dụng thuế suất 17%. Trong lĩnh vực CNHT, các DN đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên sẽ được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và được giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Trường hợp đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm thuộc danh mục ưu tiên nếu đáp ứng một trong 3 tiêu chí về đầu tư mở rộng quy định tại luật Thuế TNDN 2013 thì được hưởng ưu đãi thuế (cả thuế suất và thời gian miễn, giảm) theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại.
|
Theo Bộ trưởng Dũng, tiêu chí, nguyên tắc xác định sản phẩm CNHT được ưu đãi thuế là sản phẩm CNHT hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của luật Công nghệ cao; sản phẩm CNHT cho sản xuất sản phẩm cơ khí chế tạo, linh kiện điện tử, phụ tùng, cơ khí ô tô và sản phẩm CNHT cho dệt may, da giày là sản phẩm tính đến ngày 1.1.2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật.
Để thu hút các dự án đầu tư có quy mô vốn lớn, tác động sâu, rộng, Chính phủ đề nghị áp mức thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo cho các DN thực hiện dự án. Đối với dự án cần đặc biệt thu hút đầu tư (sử dụng công nghệ tiên tiến trong nước chưa có hoặc lần đầu áp dụng tại VN hoặc khu vực Đông Nam Á hoặc sản xuất sản phẩm có khả năng cạnh tranh toàn cầu, doanh thu đạt trên 20.000 tỉ đồng/năm, sử dụng trên 6.000 lao động thường xuyên hoặc DN đầu tư thuộc lĩnh vực hạ tầng kinh tế kỹ thuật) được xem xét kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% nhưng tối đa không quá 15 năm.
Trình bày báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) Phùng Quốc Hiển đề nghị cần rà soát kỹ về phạm vi, đối tượng danh mục thuộc ngành CNHT, gắn với định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp của VN. Ủy ban cũng đề nghị làm rõ hơn về tiêu chí công nghệ đối với các dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỉ đồng. Theo đó, chỉ ưu đãi cho các dự án đáp ứng được tiêu chuẩn thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển.
Ủy ban TCNS cũng đề nghị loại bỏ tiêu chí “dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, trong nước chưa sản xuất được hoặc công nghệ tiên tiến lần đầu áp dụng ở VN”, vì có thể sẽ dẫn đến việc thu nhận các dự án có công nghệ lạc hậu mà các nước khác có nhu cầu thay thế chuyển về đầu tư ở VN, dù đó có thể là công nghệ mà trong nước chưa sản xuất được hoặc lần đầu áp dụng tại VN.
Bỏ quy định khống chế trần quảng cáo, tiếp thị
Tại tờ trình, Chính phủ đề nghị bỏ quy định khống chế khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, chi phí liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.
Liên quan đến luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Chính phủ đề nghị bổ sung quy định miễn thuế TNCN đối với cá nhân VN là thuyền viên làm thuê cho các hãng tàu nước ngoài và tàu VN vận tải quốc tế. Việc bổ sung, theo Chính phủ là để tháo gỡ khó khăn, tạo cơ hội cho lao động VN và khuyến khích chủ tàu cung cấp dịch vụ hậu cần phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản góp phần đảm bảo an ninh trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo...
Để khuyến khích hợp lý DN đầu tư ra nước ngoài chuyển thu nhập về VN, Chính phủ đề nghị đối với các nước đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì thực hiện theo quy định của hiệp định; đối với các nước chưa ký hiệp định thì trường hợp thuế TNDN ở các nước mà DN đầu tư chuyển về có mức thuế suất thuế thấp hơn thì thu phần chênh lệch so với số thuế TNDN tính theo luật Thuế TNDN của VN; đối với các nước có thuế suất bằng hoặc cao hơn thì không thu thuế TNDN.
Chính phủ trình QH quy định cá nhân chuyển nhượng bất động sản nộp thuế TNCN 2% trên giá bán từng lần chuyển nhượng và cá nhân chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế TNCN 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần chuyển nhượng (nội dung thể hiện tại khoản 4, 5, 8 điều 2 dự thảo luật); đề nghị xem xét bỏ thu thuế TNCN đối với cá nhân trúng thưởng trong casino.
Tuy nhiên có ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng việc không thu thuế TNCN đối với người trúng thưởng trong casino là không phù hợp với nguyên tắc của luật Thuế TNCN, tạo sự bất bình đẳng với cá nhân khác có nghĩa vụ nộp thuế. Vì vậy, đề nghị giữ nguyên quy định đánh thuế TNCN đối với thu nhập từ trúng thưởng trong casino.
Không đồng ý xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế Để tháo gỡ khó khăn cho các DN, Chính phủ trình QH cho phép xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1.7.2013 của DN gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước 31.12.2014. Theo Bộ trưởng Dũng, DN được xóa nợ phải đáp ứng một trong các tiêu chí: DN được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) hoặc có nguồn từ NSNN nhưng chưa được thanh toán; DN có đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng; DN phải vay của các ngân hàng thương mại với lãi suất cao trên 20%/năm dẫn đến tổng tiền chậm nộp phát sinh bằng 100% số tiền thuế trở lên. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra không đồng ý với quan điểm này. Theo Ủy ban TCNS, bản chất tiền phạt chậm nộp thuế là khoản tiền phạt do vi phạm hành chính về thuế, do đó việc xóa nợ sẽ tạo tiền lệ không tốt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và không công bằng đối với các DN thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. Ủy ban TCNS chỉ nhất trí xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế trong trường hợp DN nợ thuế do NSNN nợ DN. Ông Phùng Quốc Hiển cũng cho biết có ý kiến cho rằng, về thời điểm xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế đối với các DN trước 1.7.2013 là quá rộng. Do đó, đề nghị cân nhắc, xem xét việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế trước năm 2008. |
Giảm thủ tục thuế là cải cách hành chính trọng điểm
Trong việc sửa đổi luật Thuế lần này, chi phí quảng cáo của DN được tính đúng, tính đủ, tạo điều kiện cho các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ xúc tiến, quảng bá các sản phẩm của mình, tăng lượng tiêu thụ trên thị trường. Việc sửa đổi thuế lần này có một số điểm rất mới như ưu đãi thuế cho các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Nếu không có những thiết chế, chính sách thuế phù hợp thì không thể thu hút được các DN nội địa đầu tư vào lĩnh vực này nên việc ưu đãi thuế trong lĩnh vực này là cần thiết, kịp thời. Ở kỳ họp lần trước chúng ta có một báo cáo rất rõ về việc Ngân hàng Thế giới thống kê tại VN DN mất 872 giờ đề làm thủ tục, nộp thuế, cao gấp 6 lần tiêu chuẩn chung của ASEAN. Với sự nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành thuế, chúng ta đã giảm được khoảng 200 giờ. Tuy nhiên, theo tôi nếu chủ động hơn nữa thì vẫn có thể giảm thêm nhiều thời gian cho DN cũng như người dân. Trong bối cảnh thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, tại sao không tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, người dân nộp thuế. Đây phải được coi là một trong những biện pháp cải cách thủ tục hành chính trọng điểm. ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) Hà Nguyễn (ghi) |
Trường Sơn
>> Cần có ưu đãi thuế cho cơ quan báo chí
>> Chính phủ kiến nghị ưu đãi thuế cho doanh ngiệp
>> Được ưu đãi thuế khi đầu tư vào Côn Đảo
>> Hàng loạt ưu đãi thuế “chờ” doanh nghiệp
>> Sẽ kiến nghị ưu đãi thuế cho người nuôi cá tra
>> Ưu đãi thuế suất nhập khẩu vào VN
>> Ưu đãi thuế hơn 1.000 mặt hàng nhập khẩu
>> Đề xuất thêm một số ưu đãi thuế cho doanh nghiệp
>> Hàng xuất khẩu sẽ được hưởng ưu đãi thuế từ Mỹ
Bình luận (0)