(TNO) Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng nay 16.3, Chính phủ đề nghị cho phép lùi trình luật Biểu tình thêm một năm rưỡi so với dự kiến trước đó.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng việc đề nghị sửa đổi các luật, thậm chí chưa có hiệu lực, là “chướng vô cùng” - Ảnh: Tr.Sơn
|
Theo đề nghị của Chính phủ về “Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa 13 và năm 2015”, số lượng các dự án luật, pháp lệnh mà Chính phủ sẽ phối hợp, chỉnh lý và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 39 dự án trong năm 2015 và 33 dự án trong năm 2016.
Báo cáo thẩm tra chương trình của Ủy ban Pháp luật do Chủ nhiệm Ủy ban Phan Trung Lý trình bày cho biết, tháng 6.2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về “Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014”, nhưng từ đó đến nay, Chính phủ đã 3 lần (9.2014, 2.2015, 3.2015) đề nghị điều chỉnh Chương trình.
Theo ông Phan Trung Lý, việc điều chỉnh quá nhiều như hiện nay là vấn đề cần phải được xem xét, rút kinh nghiệm. Ủy ban Pháp luật đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan cần có kế hoạch, bố trí thời gian, cũng như các điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Tiếp tục hoãn trình luật Biểu tình
Tại tờ trình, Chính phủ đề nghị cho lùi thời gian trình dự án luật Biểu tình từ kỳ họp thứ 9 (dự kiến 5.2015), luật Về hội tại kỳ họp thứ 10 (dự kiến 10.2015) sang chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 (10.2016).
Về đề nghị này, Ủy ban Pháp luật cho rằng, đây là những dự án quan trọng cần được sớm ban hành nhằm cụ thể hóa Điều 25 của Hiến pháp, tạo hành lang pháp lý để Nhà nước quản lý các hoạt động này. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình chuẩn bị dự án, Ủy ban này đề nghị Thường vụ Quốc hội cho lùi thời gian trình dự án Luật biểu tình từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11, còn dự án Luật về hội đề nghị giữ thời hạn trình tại kỳ họp thứ 10.
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật Biểu tình, luật Về hội trình Quốc hội theo tiến độ.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng không nên trì hoãn quá lâu việc đưa ra dự luật Biểu tình. Ông Khoa cho rằng mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau về dự luật này nhưng đây là vấn đề đang rất bức xúc, đặc biệt sau vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển Việt Nam hồi giữa năm 2014.
Theo ông Khoa, việc sớm đưa ra luật Biểu tình sẽ hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước, đồng thời đảm bảo cho vấn đề an ninh quốc gia.
Cũng theo ông Khoa, hiện có tình trạng “luật cần làm ngay thì không làm” trong khi đó lại tập trung vào những luật ít quan trọng hơn. Việc làm các luật “phụ” rồi quay lại làm luật “chính” sẽ rất khó đảm bảo sự thống nhất. Ông Khoa đề nghị đưa vào chương trình sửa đổi luật Quốc phòng và luật An ninh Quốc gia vì hai luật này đã có nhiều điểm không còn phù hợp với Hiến pháp 2013.
"Luật chưa có hiệu lực đã sửa là chướng vô cùng"
Tại tờ trình, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức; luật Viên chức; luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; luật Công an nhân dân và luật nhà ở.
Theo thuyết minh của Chính phủ, việc bổ sung dự án này nhằm thể chế hóa Kết luận số 86/KL-TW (1.2014) về các cơ chế, chính sách nhằm phát hiện, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh người tài năng.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Pháp luật, trong 5 luật đề nghị sửa đổi, bổ sung thì có 3 luật là luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; luật Công an nhân dân và luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (11.2014) đến nay chưa có hiệu lực thi hành. Do đó, Ủy ban này đề nghị không bổ sung các dự án này vào chương trình.
Việc đề nghị sửa đổi các luật thậm chí chưa có hiệu lực khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho là “chướng vô cùng”. Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, việc bổ sung vào chương trình làm luật là bổ sung những luật cần thiết, cấp bách đã được mở ra theo yêu cầu của Hiến pháp và phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị xem xét thời gian hợp lý, nếu cần có thể rút ngắn thời gian vừa thảo luận, vừa thẩm tra để đảm bảo tiến độ. Theo Chủ tịch Quốc hội, những dự luật nào do Quốc hội khóa 13 thảo luận, cho ý kiến thì cố gắng thông qua trong khóa này, chứ không nên để sang Quốc hội khóa 14 vì “trong khóa mới, các ĐBQH không thảo luận thì làm sao bấm nút được?”.
Bình luận (0)