Chiều 12.10, tiếp tục phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội (Chương trình).
Tăng 16.100 tỉ đồng cho vay hỗ trợ việc làm
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định giảm 16.100 tỉ đồng kế hoạch vốn bố trí để thực hiện 4 chính sách cho vay ưu đãi.
Trong đó, giảm 6.000 tỉ đồng kế hoạch vốn thực hiện chính sách cho vay nhà ở chính sách xã hội; giảm 2.160 tỉ đồng kế hoạch vốn thực hiện chính sách cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến; giảm 6.700 tỉ đồng kế hoạch vốn thực hiện cho vay phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm 1.240 tỉ đồng cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.
Đồng thời, tăng 16.100 tỉ đồng kế hoạch vốn bố trí để thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, nâng tổng số kế hoạch vốn bố trí để thực hiện chính sách này là 26.100 tỉ đồng.
Theo ông Dũng, thực hiện đề xuất này, tổng số vốn thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn giữ nguyên theo hạn mức được Quốc hội cho phép (38.400 tỉ đồng).
Chính phủ cũng đề xuất giảm toàn bộ số vốn của Chương trình đã bố trí cho Bộ LĐ-TB-XH để thực hiện 5 dự án là 950 tỉ đồng và cho phép không thực hiện các dự án này. Đồng thời giảm số vốn của Chương trình đã bố trí cho Bộ GD-ĐT là 271,028 tỉ đồng của 2 dự án.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có ý kiến để Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định một số nội dung.
Cụ thể, cho phép tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh như đã được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết 43.
Đối với số vốn không giải ngân hết của chính sách sau khi kết thúc thời gian giải ngân kế hoạch năm 2022 và năm 2023, trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực (dự kiến khoảng 38.592 tỉ đồng).
Chính phủ còn đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình đến hết năm 2025. Vì hiện nay, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đến ngày 31.8 chỉ đạt 33.840 tỉ đồng, tương đương 19,3% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (khoảng 175.217 tỉ đồng).
Theo ông Dũng, nếu không cho phép kéo dài, có thể dẫn đến việc các dự án thiếu vốn, không hoàn thành các mục tiêu đề ra tại chủ trương đầu tư dự án, có thể dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư, tạo sức ép bố trí vốn trong các năm còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Nghị quyết Quốc hội đã cho phép
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng đa số các gói hỗ trợ thuộc chính sách tài khóa giải ngân chậm, có trường hợp rất chậm như hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỉ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại giải ngân chỉ đạt 1,95% kế hoạch.
Giải ngân vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Chương trình đạt khoảng 19,3%; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 10,9%; cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo đạt 19,85%.
Có gói hỗ trợ kinh phí tồn dư nhiều, thời gian kết thúc chính sách đã lâu nhưng Chính phủ chậm đề xuất phương án xử lý như chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; trong khi nhiều chính sách xã hội khác có nhu cầu nhưng thiếu kinh phí hoặc có kinh phí hạn chế, gây lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước.
"Việc giải ngân hết các gói hỗ trợ này theo quy định của Nghị quyết số 43 là không khả thi, cho thấy việc đề xuất, xây dựng chính sách chưa sát thực tế, quy trình thủ tục gây nhiều vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện", ông Thanh nhấn mạnh.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện chậm.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá toàn diện, đầy đủ tình hình thực hiện chính sách tiền tệ, phân tích cụ thể tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đánh giá hiệu quả, tác động của các chính sách tới đối tượng thụ hưởng và khả năng phục hồi doanh nghiệp và nền kinh tế, ông Thanh cho hay.
Liên quan đến đề xuất điều chỉnh nguồn lực thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc điều chỉnh cơ cấu của chính sách hỗ trợ không vượt quá phạm vi hạn mức được Quốc hội quyết nghị thuộc thẩm quyền trong điều hành thực hiện của Chính phủ. Vì vậy, đề nghị Chính phủ thực hiện việc điều chỉnh linh hoạt.
Về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng Nghị quyết số 93, Nghị quyết 43 đã quy định về một số nội dung liên quan tới vấn đề này.
Cụ thể là cho phép điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình với các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được bố trí vốn trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Đồng thời, cho phép bố trí nguồn vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình trong các năm 2024, 2025 để hoàn thành các dự án theo đúng Nghị quyết 43.
"Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện theo quy định tại các nghị quyết nêu trên của Quốc hội", ông Thanh nói.
Bình luận (0)