Chính phủ điện tử ‘vướng’ liên thông

06/07/2018 07:42 GMT+7

Chính quyền thì điện tử, nhưng bên trong giữa các bộ, ban, ngành với nhau lại chưa có quy trình số hóa, kết nối.

Số lượng dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh được công bố cao, nhưng hiệu quả giải quyết hồ sơ trực tuyến thấp là thực trạng được nêu ra tại Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử năm 2018, diễn ra hôm qua (5.7) tại Hà Nội.
Hội thảo do Hội Truyền thông số VN, Sở TT-TT Hà Nội và Công ty IDG Vietnam tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ TT-TT, UBND TP.Hà Nội, công bố báo cáo “Đánh giá và xếp hạng phát triển chính phủ điện tử VN 2017”, được xây dựng nhằm đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc phát triển chính phủ điện tử; quản lý, triển khai điều hành và cung cấp dịch vụ công tại các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành.
Trong đó, đặc biệt lưu ý đến dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), bởi đây là dịch vụ hành chính công của cơ quan nhà nước như cấp sổ đỏ, CMND, giấy phép lái xe, giấy đăng ký kinh doanh… được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng thay vì làm thủ công trực tiếp.
Số lượng dịch vụ công trực tuyến được công bố cao, nhưng hiệu quả giải quyết hồ sơ trực tuyến còn thấp Ảnh: Phạm Hùng
Dịch vụ báo cáo nhiều, hồ sơ giải quyết ít
Về bảng xếp hạng phát triển chính phủ điện tử cấp bộ và cơ quan ngang bộ, 5 bộ có thứ hạng cao nhất lần lượt là: Bộ Tài chính, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Bộ Tài nguyên - Môi trường. Tuy vậy, ngay cả những bộ này cũng chưa có được điểm số tốt về Chỉ số cung cấp DVCTT, cụ thể là chưa đạt được mức trung bình. Đứng cuối bảng xếp hạng này là Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT và Bộ GTVT.
Ở cấp tỉnh, 5 địa phương đứng đầu trong bảng xếp hạng phát triển chính phủ điện tử lần lượt gồm: Thừa Thiên-Huế, TP.Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Ninh, TP.HCM. Đứng cuối bảng là Lai Châu, Bình Phước, Kon Tum, Sóc Trăng, Hậu Giang (Xem biểu đồ).
Về kết quả xếp hạng số DVCTT cấp tỉnh ở mức độ 3, 4 cho thấy một số điều đáng ngại. Theo báo cáo xếp hạng, ở nhiều địa phương tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến rất thấp. Nghệ An nằm trong 10 tỉnh cung cấp nhiều DVCTT mức độ 3, 4 nhất nhưng số hồ sơ trực tuyến được giải quyết lại xếp thứ 48 với chỉ… 10 hồ sơ. TP.HCM, Lâm Đồng, Khánh Hòa... báo cáo có nhiều dịch vụ cấp độ 3 nhưng số DVCTT có phát sinh hồ sơ điện tử chiếm 50 - 75% số dịch vụ được cung cấp, hiệu quả chỉ ở mức độ trung bình…
Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia Viện Chính sách và phát triển truyền thông, thành viên Hội đồng đánh giá xếp hạng, cho biết về việc cung cấp DVCTT, số lượng DVCTT mức độ 3 và 4 hoàn toàn không phản ánh đúng thực trạng phát triển chính phủ điện tử tại các tỉnh. Số lượng dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến năm 2017 tại các tỉnh chỉ chiếm 11,54% tổng số DVCTT mức độ 3, 4. Điều này cho thấy số dịch vụ trực tuyến thì tăng, báo cáo ở mức cao nhưng hiệu quả giải quyết hồ sơ trực tuyến lại thấp.
"Quy mô dân số là yếu tố chính quyết định đến số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến của tỉnh. Ngoài ra các yếu tố khác, đặc biệt là mức độ thành thạo công nghệ kỹ thuật số cũng đóng vai trò lớn trong tổng số hồ sơ giải quyết. Trái ngược với dự đoán, số lượng DVCTT mức độ 3 và 4 không thể hiện quá nhiều đóng góp cho tổng số hồ sơ giải quyết trực tuyến", ông Đồng nói.
Thiếu kết nối
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT), cũng thẳng thắn cho biết dù đã đạt được kết quả tích cực, nhiều cơ quan cung cấp nhiều DVCTT mức độ 3, 4 nhưng có ít hoặc không phát sinh hồ sơ trực tuyến, nhất là các địa phương. Ngoài ra, hệ thống quản lý văn bản điều hành của một số đơn vị còn nhiều phần mềm khác nhau, rời rạc nên chưa thực hiện gửi nhận văn bản liên thông…
Theo ông Phúc, nguyên nhân dẫn đến việc này là kinh phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ chưa được đảm bảo thực hiện kế hoạch đã được duyệt; một số cơ quan, người đứng đầu chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động này; cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin tạo nền tảng ứng dụng công nghệ phát triển chính phủ điện tử chậm được triển khai. Cùng lúc, hoạt động DVCTT mức độ 3, 4 tại một số đơn vị còn thiên về số lượng mà chưa quan tâm tới hiệu quả, chất lượng; công tác truyền thông, hướng dẫn người dân còn hạn chế.
Chia sẻ thêm về chính phủ điện tử, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT), đánh giá hiện các tỉnh, TP, bộ, ban, ngành cũng chú trọng ứng dụng CNTT, từ văn bản điện tử cho đến cổng thông tin điện tử... phục vụ người dân. Nhưng bất cập hiện nay là chưa liên thông được các ứng dụng đó với nhau. Chính quyền thì điện tử, nhưng bên trong giữa các bộ, ban, ngành với nhau lại chưa có quy trình số hóa, kết nối.
"Chính phủ điện tử tại Estonia giúp doanh nghiệp trong 18 phút là có giấy phép đăng ký kinh doanh, trong khi tại VN nhanh nhất hiện nay cũng là 3 ngày", ông Liêm nêu ví dụ.
Chính phủ “không giấy tờ”
Trong báo cáo của Văn phòng Chính phủ tại cuộc họp do Thủ tướng chủ trì hồi cuối tháng 6 về cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều nội dung triển khai chính phủ điện tử chưa được như mong đợi, như thiếu các văn bản làm cơ sở pháp lý cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, còn rào cản trong cơ chế đầu tư ứng dụng CNTT. Bên cạnh đó, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm; các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có phần mềm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; tỷ lệ sử dụng DVCTT còn rất thấp; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ.
Để việc triển khai chính phủ điện tử hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia để chia sẻ thông tin, trong đó chú trọng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành phải là những cơ quan đi đầu trong thực hiện giải pháp "không giấy tờ".
Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới thành lập Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn lại Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT do Thủ tướng là Chủ tịch Ủy ban, trực tiếp chỉ đạo hoạt động xây dựng chính phủ điện tử. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ dự thảo quyết định thành lập và quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử trình Thủ tướng Chính phủ. (Chí Hiếu)
4 cấp độ dịch vụ công trực tuyến
Mức độ 1: Đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.
Mức độ 2: Đảm bảo mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Mức độ 3: Đảm bảo mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Mức độ 4: Đảm bảo mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.