Chính phủ điện tử ‘vướng’ liên thông: Vẫn còn hình thức

06/07/2018 07:50 GMT+7

Chính phủ điện tử còn mang nặng số lượng, hình thức... Thực tế, qua khảo sát của Thanh Niên , ngoài bỡ ngỡ của người dân cũng có nguyên nhân chậm triển khai từ lỗi phần mềm.

Chính phủ điện tử còn mang nặng số lượng, hình thức; bề ngoài thì tuyên bố mức độ 3, 4 làm thủ tục trực tuyến, trên mạng internet… nhưng bên trong thì theo các chuyên gia và người dân phản ánh họ vẫn gặp nhiều vướng mắc, rắc rối.
Đơn cử tại Hà Nội, năm 2020 địa phương này đặt mục tiêu trở thành thủ đô thông minh, đứng đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin. Số vốn dự kiến đầu tư trong giai đoạn này lên tới cả chục nghìn tỉ đồng. Bộ mặt tương lai của một chính quyền điện tử thủ đô lập tức được định hình gồm: Trung tâm dữ liệu nhà nước, mạng diện rộng (WAN), cổng giao tiếp điện tử TP…
Trong đó, DVCTT trên cổng giao tiếp TP được chọn làm mũi nhọn đột phá vào bộ máy hành chính vốn đã quá cồng kềnh, trì trệ. Đây là dịch vụ hành chính công của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng và được chia thành 4 mức độ. Hà Nội hiện đang triển khai tới mức độ 3 và một số dịch vụ mức độ 4.
Năm 2018, Hà Nội đặt mục tiêu 55% thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, UBND các cấp được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4. Tuy nhiên, báo cáo xếp hạng cho thấy hiện mới có 110 dịch vụ được triển khai.
Thực tế, qua khảo sát của Thanh Niên, ngoài bỡ ngỡ của người dân cũng có nguyên nhân chậm triển khai từ lỗi phần mềm. Đơn cử, trường hợp xảy ra như tại Q.Bắc Từ Liêm trong năm 2017, phần mềm DVCTT (eSAM) của Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường Hà Nội thường xuyên dính lỗi load form (tải mẫu văn bản), lỗi xác nhận bảo mật, cán bộ thường xuyên phải khởi động lại phần mềm mới tiếp tục thực hiện được.
Trong lĩnh vực tư pháp, có thời điểm Hà Nội báo cáo Q.Bắc Từ Liêm được “trực tuyến” hóa 100%, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 100% với cả 3 nội dung là hộ tịch, quản lý đô thị, văn hóa thông tin. Song tỷ lệ người dân nộp hồ sơ trực tuyến mới đạt bình quân 63,5%, còn tại cấp phường với thủ tục hộ tịch tỷ lệ nộp trực tuyến chỉ đạt 44,4%.
Trong lĩnh vực giáo dục, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, từ đầu tháng 8.2016, Sở GD-ĐT Hà Nội phối hợp với Công ty giải pháp phần mềm Nhật Cường xây dựng hệ thống phần mềm quản lý thông tin giáo dục và sổ điểm điện tử. Song trong suốt thời gian dài, khi đưa vào sử dụng, nhiều giáo viên, nhân viên được giao phụ trách phần mềm học bạ điện tử ở các trường đã phàn nàn về lỗi hệ thống của phần mềm. Không ít người cho biết họ cảm thấy ức chế vì liên tục gặp rắc rối khi xử lý thông tin của học sinh trên hệ thống.
Đáng nói hơn, những lỗi này lặp đi lặp lại mà phía cung cấp phần mềm thường rất chậm khắc phục, có những lỗi tạm thời giải thích là chưa khắc phục được và các trường không biết làm gì ngoài việc tiếp tục phải chờ phía cung cấp phần mềm tìm cách xử lý. Mặc dù những lỗi phần mềm trên hiện đã dần được khắc phục, nhưng đã làm thụt lùi tiến độ việc triển khai DVCTT.
Tại Hải Phòng, trao đổi với PV Thanh Niên, anh Đ., một người dân Hải Phòng, cho biết TP công bố DVCTT với kết quả thực hiện trên 99%. “Nhưng thực tế có phải vậy đâu. Tôi có gửi hồ sơ trực tuyến ngày 27.4.2018, mã hồ sơ kích hoạt thành công là 000. 00. 13. H24-1301-011-2018-0029…, quá hạn giải quyết 2 tháng rồi mà vẫn trong tình trạng chờ tiếp nhận. Khi gọi điện đến hỏi sao quá lâu thì người nghe cho hết số điện thoại này đến số điện thoại khác mà không có câu trả lời cụ thể...”, anh Đ. bức xúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.