Theo tờ Wall Street Journal hôm 8.5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đang xúc tiến đợt vận động mới ở Thượng viện để thông qua Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS).
|
Các quan chức quân sự Mỹ tin rằng hiệp ước bị trì hoãn từ lâu này đóng vai trò quan trọng để duy trì quyền tiến hành những cuộc tập trận ở vùng biển gần Trung Quốc và củng cố tuyên bố chủ quyền của Mỹ ở Bắc Cực và những nơi khác.
Những thành phần bảo thủ tại Mỹ đã ngăn cản việc thông qua công ước trong nhiều năm, viện lẽ rằng nó trao quá nhiều quyền lực cho các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, với chiến lược trở lại châu Á của chính quyền Tổng thống Obama và sự trỗi dậy của Trung Quốc, một số quan chức tin rằng đã đến lúc thông qua công ước, theo Wall Street Journal.
UNCLOS đưa ra các khung pháp lý quốc tế điều chỉnh hoạt động hàng hải, vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế.
Quá trình đàm phán về hiệp ước kết thúc vào năm 1982 và nó có hiệu lực sau đó 12 năm. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ vào lúc đó là Ronald Reagan đã quyết định không trình quốc hội phê chuẩn, vì lo ngại về những điều khoản khai thác tài nguyên.
Hiệp ước sau đó được sửa đổi và các tổng thống Mỹ kể từ thời Bill Clinton đều vận động thông qua.
Trung Quốc, nước phê chuẩn UNCLOS, từ lâu đã lập luận rằng công ước có thể giới hạn các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế vốn có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
Tuy nhiên, Mỹ tranh cãi rằng công ước không hạn chế các hoạt động quân sự bên ngoài lãnh hải của quốc gia.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết cách tốt nhất để phản bác những diễn dịch của Trung Quốc là phê chuẩn hiệp ước và trở thành thành viên trong các cuộc tranh luận toàn cầu.
Sơn Duân
>> Chiến hạm Ấn Độ sẽ đi qua biển Đông
>> Vụ bãi cạn Scarborough: Philippines nhờ chuyên gia luật nước ngoài
>> Trung Quốc “lúng túng về đường lưỡi bò”
>> Philippines phản đối tàu Trung Quốc
>> Công ước LHQ về Luật biển là nền tảng hành động
>> Ý đồ của Trung Quốc ở biển Đông: Nói một đằng, làm một nẻo
Bình luận (0)