Chính phủ trình Quốc hội ban hành 4 luật liên quan bất động sản từ 1.8

19/06/2024 15:09 GMT+7

Chiều 19.6, Chính phủ trình Quốc hội đề xuất sớm ban hành luật Đất đai 2024, luật Nhà ở 2023, luật Kinh doanh bất động sản 2023, luật Các tổ chức tín dụng 2024.

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh đã báo cáo Quốc hội về luật sửa đổi 4 luật liên quan thị trường bất động sản. 

Chính phủ trình Quốc hội ban hành 4 luật liên quan bất động sản từ 1.8- Ảnh 1.

Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh trình bày tờ trình

GIA HÂN

Theo Bộ trưởng Khánh, việc đưa các nội dung đổi mới của luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản vào thực tiễn, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện hành; đồng thời khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tạo động lực mới cho phát triển đất nước.

Theo đó, cho phép luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8. Riêng khoản 10 điều 255 và khoản 4 điều 260 của luật Đất đai đề xuất có hiệu lực từ ngày 1.1.2025.

Trong đó, luật Nhà ở và luật Kinh doanh bất động sản có các nội dung mới, đột phá về thị trường bất động sản, phát triển nhà ở gồm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, cải tạo xây dựng lại chung cư; giải quyết tranh chấp, khiếu nại quản lý chung cư. Luật sẽ thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Nhiều chính sách trong luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản có thực hiện ngay mà không cần hướng dẫn chi tiết như chính sách miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội...

Báo cáo thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng luật Đất đai, luật Nhà ở và luật Kinh doanh bất động sản đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta, khắc phục hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây.

Đồng thời, có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Việc 3 luật này sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này.

Ủy ban Kinh tế ủng hộ chủ trương để các luật trên sớm đi vào cuộc sống. Một số quy định tại các luật có thể thực hiện được ngay, tuy nhiên còn nhiều nội dung cần văn bản hướng dẫn chi tiết, đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng. 

Cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ đánh giá tác động về vấn đề sử dụng đất của cá nhân người nước ngoài, doanh nghiệp có một phần vốn của tổ chức, cá nhân nước ngoài, vấn đề sở hữu nhà ở của cá nhân, tổ chức nước ngoài, kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp có một phần vốn của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Với văn bản quy định chi tiết do cơ quan T.Ư ban hành, đến ngày 18.6 mới chỉ có 1/16 văn bản quy định chi tiết luật Đất đai được ban hành; 7 văn bản quy định chi tiết luật Nhà ở và 4 văn bản quy định chi tiết luật Kinh doanh bất động sản đều chưa được ban hành. 

Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc sửa đổi hiệu lực của các luật sớm hơn 5 tháng sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành, nhất là các văn bản do các địa phương ban hành. Từ đó, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, triển khai thi hành luật tại các địa phương. 

Một số địa phương quan ngại về việc chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn khi luật có hiệu lực sớm; một số địa phương đề nghị giữ nguyên hiệu lực của luật. Trường hợp các địa phương không thể hoàn thành các văn bản hướng dẫn có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thi hành luật, nhất là luật Đất đai...

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về kết quả, tiến độ soạn thảo và ban hành trên thực tế các văn bản của địa phương. Cạnh đó, dự báo khó khăn, vướng mắc và khả năng khiếu kiện của nhà đầu tư, người dân trong trường hợp chậm ban hành hoặc chất lượng chưa bảo đảm đối với các văn bản để có giải pháp phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.