Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT hoàn thiện nghị quyết về học phí năm học 2022-2023

Hà Ánh
Hà Ánh
23/10/2022 07:15 GMT+7

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có kết luận chỉ đạo Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023 .

Nhiều trường ĐH vẫn chờ Nghị quyết về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023

H.A.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có kết luận chỉ đạo Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023. Đây là một nội dung trong kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về học phí và sách giáo khoa, diễn ra ngày 12.10 trước đó.

Theo kết luận này, sau khi nghe báo cáo của Bộ GD-ĐT, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kết luận như sau: Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp và phối hợp với các cơ quan có liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023. Bên cạnh đó là thống nhất phương án mua sách giáo khoa trang bị cho các thư viện trường học để học sinh mượn sử dụng.

Trước đó, ngày 12.10 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp về học phí và sách giáo khoa. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, lãnh đạo các bộ, cơ quan gồm: Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Liên quan đến nội dung này, trước đó ngày 4.7, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐTđã kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết đối với học phí năm học 2022-2023 để các đơn vị kịp thời triển khai thực hiện; đồng thời giao Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành thực hiện sửa Nghị định số 81/2021/NĐ-CP để làm căn cứ pháp lý thực hiện từ năm học 2023-2024.

Trong đó, riêng đối với giáo dục ĐH công lập, Bộ GD-ĐT kiến nghị lùi khung học phí quy định tại Nghị định 81 thêm 1 năm. Năm học 2022-2023, mức học phí của cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tăng tối đa 15% (theo Nghị định 81 là 25%) so với năm học 2021-2022. Đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, xác định mức trần học phí tối đa hệ số 2 lần so với cơ sở chưa tự đảm bảo chi thường xuyên (giữ nguyên như quy định tại Nghị định 81).

Đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được xác định mức trần học phí tối đa hệ số 2,5 lần so với cơ sở tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (giữ nguyên như quy định tại Nghị định 81). Các nội dung không nêu tại Nghị quyết của Chính phủ đề nghị thực hiện theo quy định tại Nghị định số 81.

Cũng tại phiên họp này, Thủ tướng Chính phủ lưu ý Bộ GD-ĐT cần khẩn trương làm việc với các bộ, ngành hữu quan, trình Chính phủ để ban hành nghị quyết về các nội dung nêu trên cho kịp triển khai từ năm học 2022-2023.

Trong khi chờ Nghị quyết chính thức được ban hành, một số trường ĐH chủ động giữ nguyên mức học phí năm học 2022-2023 ổn định như năm học trước đó như: Trường ĐH Nha Trang, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM...

Trong khi đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thông báo tạm thu học phí kỳ 1 năm học 2022 - 2023 như mức của năm học 2021- 2022, chưa điều chỉnh tăng như đã thông báo trước đó vì còn đợi quyết định của Chính phủ và Bộ GD-ĐT về việc điều chỉnh học phí của năm học.

Còn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tạm thu học phí học kỳ I với sinh viên trúng tuyển nhập học năm 2022 như sau: Chương trình chuẩn 10.980.000 đồng (học phí 10 triệu đồng và học phí giáo dục quốc phòng 980.000 đồng). Chương trình chất lượng cao thu 30.980.000 đồng (học phí 30 triệu đồng và học phí giáo dục quốc phòng 980.000 đồng).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.