Tại Nghị quyết số 85/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành sau hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Chính phủ nêu rõ một số nhiệm vụ với Bộ GD-ĐT.
Chính phủ yêu cầu thanh tra, kiểm tra, hoàn thiện quy định về biên soạn, phát hành, mua và sử dụng sách giáo khoa |
nxbgd |
Theo đó, Bộ GD-ĐT có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tổng kết đánh giá kết quả thực hiện năm học 2021 - 2022 và phương hướng, nhiệm vụ giải pháp năm học 2022 - 2023.
“Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; nghiên cứu, thiết kế môn lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp THPT, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh”, Nghị quyết nêu.
Bộ GD-ĐT cũng được yêu cầu thực hiện thanh tra, kiểm tra, hoàn thiện quy định về biên soạn, phát hành, mua và sử dụng sách giáo khoa.
Ban hành chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chương trình nhằm hỗ trợ để phát triển giáo dục cho vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Trong nghị quyết này, Chính phủ còn yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá kỹ tác động của việc tăng học phí, nhất là tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, kịp thời đề xuất phương án phù hợp, khoa học, hiệu quả, sát với thực tiễn.
Trước đó, liên quan đến việc sửa môn lịch sử, Thanh Niên đã thông tin Bộ GD-ĐT ban hành kế hoạch thực hiện môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh chương trình lịch sử phần bắt buộc cấp THPT.
Theo đó, môn lịch sử cấp THPT sẽ có phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết cho mỗi năm học lớp 10, lớp 11 và lớp 12.
Để kịp thời triển khai năm học 2022 - 2023, Bộ GD - ĐT đang thực hiện theo kế hoạch đã ban hành, trong đó sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện quy trình rút gọn trong việc xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT.
Bình luận (0)