Chính phủ yêu cầu phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 phải công bố sớm, gọn nhẹ

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
13/09/2023 11:49 GMT+7

Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT sớm nghiên cứu, công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận xã hội.

Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 10.9, sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.2023, trong đó đặt ra một số yêu cầu với Bộ GD-ĐT liên quan đến phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, tình trạng thiếu giáo viên… 

Chính phủ chỉ đạo gì về việc thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?   - Ảnh 1.

Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

ĐÌNH HUY

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT sớm nghiên cứu, công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận xã hội. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chuẩn bị tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 theo quy định.

Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đôn đốc, kiểm tra và phối hợp với các địa phương trong việc khắc phục hiệu quả tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại các địa phương, bất cập giữa các cấp học, chưa đảm bảo đủ định mức giáo viên theo quy định, đặc biệt là giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Các bộ: GD-ĐT, Nội vụ, Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư bảo đảm sách giáo khoa và đội ngũ giáo viên cho năm học 2023 - 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 747/CĐ-TTg ngày 16.8.2023.

Trước đó, Bộ GD-ĐT đã thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại cuộc họp về dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt THPT từ năm 2025. Theo đó, mục đích kỳ thi, thời gian thi kỳ thi tốt nghiệp THPT giữ nguyên như đã nêu trong dự thảo phương án đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT để lấy ý kiến.

Kỳ thi tổ chức thi theo môn, gồm các môn học bắt buộc và các môn học lựa chọn trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018: ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ, tin học. Về hình thức thi, môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Nội dung thi sẽ bám sát yêu cầu cần đạt về năng lực và kiến thức chủ yếu của lớp 12 trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Có lộ trình phù hợp để tăng nội dung đánh giá năng lực mỗi năm phù hợp với thời gian học tập theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của học sinh. Phương thức xét tốt nghiệp bao gồm kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp.

Dư luận xã hội còn băn khoăn

Trước đó, báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đã chỉ ra rằng: "Cho đến nay, văn bản hướng dẫn về phương thức và nội dung thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới chưa được ban hành, là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho học sinh trong việc định hướng chọn tổ hợp môn học đối với lớp 10 năm học 2022 - 2023; đội ngũ giáo viên lúng túng trong việc điều chỉnh cách dạy học, phương thức thi, kiểm tra đánh giá".

Bên cạnh đó, đoàn giám sát cũng nhận định: "Báo cáo của Chính phủ mới chủ yếu đánh giá về hình thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT, trong khi dư luận xã hội còn băn khoăn nhiều về một số nội dung như: hiệu quả phân loại học sinh của việc tổ chức thi trắc nghiệm; việc đánh giá phổ điểm tốt nghiệp, so sánh với kết quả học bạ của học sinh để rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.