Chinh phục 14 đỉnh núi trên 8.000 mét trong 3 tháng, bộ đôi lập kỷ lục mới

27/07/2023 18:15 GMT+7

Một phụ nữ Na Uy và người hỗ trợ (sherpa) của cô đã leo đến đỉnh K2 ở Pakistan hôm 27.7, qua đó trở thành những người chinh phục toàn bộ các ngọn núi cao nhất thế giới trong thời gian ngắn nhất.

Cô Kristin Harila (37 tuổi, người Na Uy) và anh Tenjen "Lama" Sherpa (35 tuổi, người Nepal) đã chinh phục thành công đỉnh K2 cao 8.611 mét, ngọn núi cao thứ hai thế giới, cùng với 8 sherpa khác, theo ông Tashi Lakpa Sherpa, lãnh đạo công ty Seven Summit Treks (SST). Công ty có trụ sở tại Kathmandu, thủ đô Nepal, chuyên cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người leo núi.

"Họ đã trở thành những người leo lên toàn bộ 14 đỉnh nhanh nhất", ông Tashi nói với Reuters.

Chinh phục 14 đỉnh núi trên 8.000 mét trong 3 tháng, bộ đôi lập kỷ lục mới - Ảnh 1.

Cô Kristin Harila tại Kathmandu, Nepal, hồi tháng 5

AFP

Chinh phục toàn bộ 14 đỉnh núi cao trên 8.000 mét của trái đất là vinh quang đầy thách thức mà các nhà leo núi thường phải mất nhiều năm mới đạt được. Song cô Harila và anh Lama đã leo lên toàn bộ các "nóc nhà thế giới" này chỉ trong 3 tháng.

Hai người đã lập kỷ lục sau khi vượt qua thành tích của nhà thám hiểm người Anh gốc Nepal Nirmal Purja, người đã leo lên toàn bộ 14 đỉnh trong 6 tháng và một tuần vào năm 2019. Dù vậy, kỳ tích mới nhất vẫn chưa được Sách Kỷ lục Guinness Thế giới ghi nhận.

Cả hai kỷ lục đều được xác lập với sự trợ giúp của bình dưỡng khí và máy bay trực thăng. Việc này đã vấp phải một số chỉ trích từ cộng đồng leo núi.

Bộ đôi đã leo lên đỉnh Shishapangma ở khu vực Tây Tạng của Trung Quốc vào ngày 26.4 và sau đó đã chinh phục Everest, ngọn núi cao nhất thế giới, cũng như các đỉnh Kanchenjunga, Lhotse, Makalu, Cho Oyu, Dhaulagiri, Manaslu và Annapurna ở Nepal. Họ tiếp tục đến Pakistan để leo Nanga Parbat, Gasherbrum I, Gasherbrum II và Broad Peak trước khi đặt chân lên đỉnh K2, hoàn thành mục tiêu trong 92 ngày.

"Kristin nói rằng đó là một chuyến leo núi rất khó khăn vì lượng tuyết dày. Cô ấy rất biết ơn và vô cùng hạnh phúc khi được cùng Lama tạo ra kỷ lục", Rigmor Berthier, thành viên nhóm báo chí của cô, nói với AFP về hành trình chinh phục đỉnh K2 của bộ đôi Na Uy - Nepal.

"Sự hợp tác của Harila và Lama đã thể hiện vẻ đẹp của tinh thần đoàn kết giữa những người leo núi, vượt qua biên giới và văn hóa để cùng nhau đạt được sự vĩ đại", ông Berthier cho biết.

Chinh phục 14 đỉnh núi trên 8.000 mét trong 3 tháng, bộ đôi lập kỷ lục mới - Ảnh 2.

Cô Kristin Harila trên đỉnh Shishapangma hồi tháng 4

AFP

Bên cạnh việc khó leo hơn nhiều so với Everest về mặt kỹ thuật, K2 cũng có thời tiết hay thay đổi và mới chỉ 425 người chinh phục thành công ngọn núi này kể từ năm 1954, trong đó có khoảng 20 phụ nữ.

Hơn 40 người đã hoàn thành việc chinh phục 14 đỉnh núi cao nhất thế giới, nhưng chỉ một số ít trong đó là phụ nữ. Năm ngoái, dù khả năng leo núi đã được chứng minh, cô Harila đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nhà tài trợ, buộc cô phải bán căn hộ của mình để có tiền trang trải chi phí.

"Tôi nghĩ nếu tôi là đàn ông, việc thực hiện dự án này sẽ dễ dàng hơn nhiều", cô nói với AFP trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 5.

Tuy nhiên, năm nay, cô Harila được một số doanh nghiệp hỗ trợ - bao gồm một công ty đồng hồ và một nhà sản xuất ba lô - cho nỗ lực mới của cô.

Gần lên đỉnh Everest nhưng thấy người tê cóng, nhà leo núi đã làm gì?

Trong hành trình thiết lập kỷ lục, cô Harila đã phải leo lại 12 ngọn núi, bao gồm cả K2, sau sự chậm trễ trong việc cấp thị thực từ Trung Quốc để chinh phục đỉnh Shishapangma (vốn nằm hoàn toàn ở Tây Tạng) và đỉnh Cho Oyu (các nhà leo núi thường leo lên từ phía Trung Quốc).

"Mục tiêu của tôi là hoàn thành trong vòng chưa đầy 6 tháng. Vì vậy, khi chúng tôi không nhận được giấy phép vào năm ngoái, tôi đã quyết định làm lại từ đầu vào năm nay", cô nói với AFP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.