Chinh phục đỉnh “núi thần”

19/11/2012 10:53 GMT+7

Khu du lịch núi Bà Rá (TX.Phước Long, Bình Phước) hiện đã có hệ thống cáp treo, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn thích lội bộ lên đỉnh núi…

Bạn Hoàng Anh Đức (P.Tân Thiện, TX.Đồng Xoài, Bình Phước) nói: “Leo núi để thử sức mình và  muốn được tận mắt thấy cảnh rừng và tham quan các hang động”.

Trải nghiệm ở độ cao 723m

Đỉnh núi Bà Rá cao 723m so với mặt nước biển. Muốn lên núi bằng đường bộ, bạn có thể gửi xe tại đồi Bằng Lăng nằm ở lưng chừng núi rồi leo gần 2.000 bậc thang bằng đá. Đường lên núi càng cao thì càng dốc. Mới đầu cuộc hành trình, mọi người hăm hở, nhưng sau khi leo được chừng 1/3 quãng đường, ai nấy đều thở dốc, mồ hôi nhễ nhại. 

Cáp treo 
Cáp treo ở núi Bà Rá - Ảnh: Xuân Bình

Sau hơn 45 phút leo núi, chúng tôi đến hang Dơi ở độ cao khoảng 500m so với mặt nước biển, nơi mà các chiến sĩ cách mạng trong Đội công tác Bà Rá từng nương náu bám trụ, liên lạc với cơ sở, vận động quần chúng và nắm tình hình địch ở vùng Bà Rá - Phước Long. Nhìn vẻ hoang sơ của núi rừng, chúng tôi không khỏi bùi ngùi sự khó khăn, gian khổ mà Đội công tác Bà Rá đã trải qua. Đến Bà Rá, nhìn núi rừng hùng vỹ, được nghe kể về lịch sử kháng chiến của nhân dân Phước Long nói chung và Đội công tác Bà Rá nói riêng, các bạn trẻ trong đoàn leo núi không giấu được sự xúc động.

Sau gần 2 giờ đi bộ, chúng tôi lên tới đỉnh núi. Không khí mát lạnh lan tỏa, xua tan mệt nhọc trên đường đi. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, cảnh vật hiện ra như đang xem trên bản đồ vệ tinh của google. Hồ thủy điện Thác Mơ hiện ra trắng xóa, trải rộng khắp một vùng quanh chân núi. Sau khi thắp hương tại Miếu bà Chúa xứ (Bà Rá), chúng tôi vào tham quan đài tiếp vận truyền hình (TH) trên đỉnh cao nhất ngọn núi. Đây là trạm tiếp sóng do Đài PTTH Bình Phước xây dựng nhằm đưa sóng TH đến những vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Chắp cánh cho du lịch

Một cán bộ đài tiếp vận TH trên đỉnh núi Bà Rá cho hay, trèo lên núi mệt nhưng đi xuống còn vất vả hơn. Khi đi xuống, sức nặng của cơ thể dồn lên đôi chân, gây đau nhức ở các khớp như đầu gối, mắt cá chân. Vì vậy, chúng tôi đi xuống bằng hệ thống cáp treo, cho đỡ mệt, vừa trải nghiệm cảm giác “bay” trên không trung. Có thể nói, chính hệ thống cáp treo đã góp phần thu hút du khách đến Bà Rá. Với người lớn tuổi, nếu không có cáp treo, nhiều người sẽ không đủ sức leo bộ lên đỉnh núi.

Cáp treo 
Du khách đến tham quan quần thể danh thắng quanh núi Bà Rá- Thác Mơ bằng cáp treo - Ảnh: Xuân Bình

Ông Nguyễn Đình Anh - Giám  đốc xí nghiệp cáp treo Bà Rá cho biết, từ khi hệ thống cáp treo hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 3.2010, lượng du khách đến tham quan núi Bà Rá ngày càng tăng. Trong  trong 10 tháng đầu năm 2012, có 50.000 lượt khách lên núi bằng cáp treo.

Ngồi trên ca-bin của hệ thống cáp treo trượt xuống núi vun vút, có cảm giác như đang được ngồi trong máy bay trực thăng;  ngắm không gian rộng lớn quanh khu vực TX.Phước Long, mới thấy vẻ đẹp hoang sơ mà hấp dẫn lạ thường ở nơi “đầu gối trường sơn, vai kề biên giới” này.

Được biết, từ năm 2000, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã có chủ trương xây dựng  du lịch Bà Rá - Thác Mơ với diện tích hơn 1.000 ha, gồm: khu vui chơi giải trí, du thuyền trên hồ Thác Mơ, khu nuôi thú, khu lâm viên trồng cây thuốc Nam và chữa bệnh dưỡng sinh...Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, ngoài dự án cáp treo được Công ty TNHH MTV xây dựng Bình Phước đầu tư xây dựng với kinh phí gần 77 tỉ đồng, thì các hạng mục còn lại đều trong tình trạng “án binh” hoặc kéo dài thời gian thi công do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chính vì thế, mà núi Bà Rá vẫn chưa thật sự khai thác hết tiềm năng của nó. Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các sở ngành tiến hành rà soát, đánh giá những khó khăn trong việc triển khai xây dựng các dự án để làm cơ sở cho tỉnh tiếp tục mời gọi, thu hút đầu tư vào du lịch này.

Núi Bà Rá được đồng bào S’Tiêng bản địa gọi là “Bơnom Brah”, có nghĩa là ngọn núi thần. Đây cũng là di tích lịch sử gắn liền với đấu tranh kháng chiến chống Mỹ. Dưới đồi Bằng Lăng, có đền thờ tưởng niệm các chiến sĩ và đồng bào hy sinh trong chống giặc ngoại xâm. Trên đỉnh núi có miếu thờ Đức Phật thánh mẫu Thiên Hậu và bà chúa xứ (núi Bà Rá). Gần chân núi Bà Rá có thác Mẹ và thác Mơ. Vào các ngày rằm, và đặc biệt là ngày vía bà chúa xứ (24 L hàng tháng), thường có rất đông khách lên núi dâng hương lễ Phật và viếng bà chúa xứ. Quần thể danh thắng quanh núi Bà Rá- Thác Mơ này ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan du lịch và thư giãn…

Xuân Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.