Chinh phục đỉnh Olympic: Bàn đạp cho tương lai, làn gió mát từ 2 tài năng 19 tuổi

24/07/2024 03:16 GMT+7

Hai gương mặt trẻ Võ Thị Mỹ Tiên (bơi), Trần Thị Nhi Yến (điền kinh) đến Olympic Paris 2024 với tấm vé đặc cách. Đó là phần thưởng để cả 2 có động lực hướng đến thành tích cao trong tương lai.

Chuyện cổ tích có thật của Tiên

Chưa từng nghĩ sẽ được đến Olympic vì sân chơi lớn này như "chiếc áo quá rộng" với kình ngư Võ Thị Mỹ Tiên, nhưng câu chuyện cổ tích đã trở thành sự thật. Tiên đang chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để đón chờ giây phút đầy tự hào tại Paris 2024.

Sau thời Ánh Viên, bơi lội nữ VN vẫn chưa tìm ra người kế thừa xứng tầm. Nguyễn Diệp Phương Trâm chỉ nổi lên là hiện tượng nhất thời. Phạm Thị Vân chưa có sự bứt phá dù từng được kỳ vọng lớn. Kình ngư 15 tuổi Thúy Hiền là triển vọng của bơi nữ VN nhưng vẫn chưa bứt lên. Trong khi đó, Mỹ Tiên mới ở đẳng cấp tranh chấp huy chương trong khu vực. Thế nên, tấm vé chính thức đến Olympic như "đàn chị" Ánh Viên, với Tiên, vẫn là câu chuyện tương lai. Thế nhưng cơ hội đã đến khi bơi nữ được vé đặc cách. Giữa Thúy Hiền và Mỹ Tiên, người được chọn chính là VĐV quê Long An.

Chinh phục đỉnh Olympic: Bàn đạp cho tương lai, làn gió mát từ 2 tài năng 19 tuổi- Ảnh 1.

Mỹ Tiên có tương lai sáng

Chinh phục đỉnh Olympic: Bàn đạp cho tương lai, làn gió mát từ 2 tài năng 19 tuổi- Ảnh 2.

Mỹ Tiên sẽ nỗ lực vượt qua thành tích bản thân

FBNV

Đến cả Mỹ Tiên cũng ngỡ ngàng với tấm vé đến Paris của mình. "Lúc mới tập xong, khi đang căng cơ ép dẻo, các thầy cô thông báo tôi nhận suất đặc cách đến Olympic 2024. Tôi không dám tin đây là sự thật. Bản thân vẫn bán tín bán nghi, cho đến khi báo chí đăng tin, tôi mới dám tin", Tiên chia sẻ.

Tiên thừa nhận cô mới chỉ ở trình độ khu vực Đông Nam Á và Olympic là câu chuyện quá xa vời. "Tôi chưa từng nghĩ và cũng không dám mơ", nữ VĐV 18 tuổi thổ lộ. Đúng vậy! Tiên chỉ biết đến Olympic một vài năm gần đây. Olympic 2021 ở Tokyo mới là lần đầu cô theo dõi. Tiên bảo: "Sân chơi đó lớn lắm, tụ hội nhiều ngôi sao, chỉ xem qua ti vi thôi cũng thấy choáng ngợp và thích thú. Tôi ngưỡng mộ các VĐV lắm". Ở đó, Tiên có dịp chứng kiến đàn chị và là thần tượng Ánh Viên tranh tài. Với Tiên đó là "sự tự hào vì một VĐV của VN thi tài cùng các ngôi sao thế giới trên đường đua xanh".

Nhìn Ánh Viên thi đấu, Tiên chưa bao giờ nghĩ sẽ được vinh dự nối bước "đàn chị" tham dự Olympic. Trong suy nghĩ của cô gái 18 tuổi là sự thoải mái, "không bị áp lực vì thành công quá lớn của chị Ánh Viên mà mỗi ngày qua đi, tôi học hỏi được những điều tích cực từ chị". Sau này khi có cơ hội thi đấu cùng Ánh Viên, Tiên rất vui vì: "Tôi học nhiều điều từ chị Ánh Viên. Dù thi đấu trong hoàn cảnh nào, chị cũng quyết tâm và có tính toán hợp lý". Cứ thế, Tiên ra sức tập luyện mỗi ngày và trái ngọt đến với cô. "Tôi vui vì có vé đến Paris. Cả gia đình cũng vui cho con gái. Bố mẹ bảo phải cố gắng, và tôi cũng bắt tay vào chuẩn bị. Dù đến Olympic với tâm lý thoải mái nhưng phải thi đấu tốt nhất ở ngày hội thể thao lớn nhất thế giới".

Mỹ Tiên đang là một trong những nữ kình ngư của VN duy trì được phong độ ổn định trong thời gian qua. Nữ kình ngư VN vẫn khó tranh HCV ở các giải quốc tế nhưng cô gái trẻ có quyền mơ mộng. Tiên bảo: "Tôi không có bí quyết gì cả, cứ khi tập luyện nghe lời thầy và thi đấu chỉ biết cố hết sức, vượt qua giới hạn bản thân". Mỹ Tiên đang dần bước ra khỏi giới hạn bản thân để đến với Olympic 2024, một giải đấu lớn và đó có thể là bước ngoặt lớn của nữ kình ngư này.

Chinh phục đỉnh Olympic: Bàn đạp cho tương lai, làn gió mát từ 2 tài năng 19 tuổi- Ảnh 3.

Thi đấu tại Olympic giúp Nhi Yến tích lũy kinh nghiệm để tiến xa

ĐỘC LẬP

Chờ cú bứt phá mới của nữ hoàng tốc độ

"Tôi lo lắng, áp lực trước ngày tranh tài. Tôi lo mình sẽ không thể hiện được gì ở giải đấu lớn đầu tiên trong đời", Trần Thị Nhi Yến kể lại tâm trạng của mình ở Đại hội thể thao toàn quốc 2022. Nhưng chỉ hai năm sau, cô nữ sinh bình dị ngày nào được khoác lên mình lá cờ đỏ sao vàng, trở thành đại diện của VN tham dự Olympic 2024. Hành trình từ Long An đến Paris của cô thật đáng nhớ. Nhưng đó không phải là phép màu.

Bởi "phép màu" là dành cho những điều bất khả thi, rất ít khả năng xảy ra. Còn Nhi Yến chỉ cần một chút may mắn để chinh phục giấc mơ Olympic. Nữ VĐV sinh năm 2005 vốn ưa thích và sớm bộc lộ năng khiếu ở môn điền kinh. Ban đầu, cô chọn nội dung nhảy xa nhưng số phận "run rủi" khiến cô dính chấn thương cổ chân và được khuyên chuyển sang nội dung chạy ngắn: 100 m và 200 m.

Nhờ lợi thế sải chân dài, Nhi Yến nhanh chóng khẳng định được mình và liên tục có những bước tiến dài trong sự nghiệp. Khi còn là nữ sinh lớp 11, cô được chọn vào đội điền kinh của tỉnh và thi đấu giành thành tích tốt. Nhờ đó, cô lọt vào mắt xanh của HLV Nguyễn Thị Thanh Hương, người phát hiện và đào tạo ra "nữ hoàng tốc độ" Lê Tú Chinh.

Dưới sự uốn nắn của HLV kỳ cựu, Nhi Yến tiến bộ nhanh chóng. Tại Đại hội thể thao toàn quốc 2022, cô chinh phục tấm HCV nội dung 100 m nữ với thành tích 11 giây 75. Hơn 4 tháng sau ngày gặp HLV Thanh Hương, cô gái 17 tuổi được điền tên vào đội tuyển điền kinh VN.

Sự thăng hoa của Nhi Yến chưa dừng lại. Đến tháng 5.2023, ngay lần đầu dự SEA Games, cô giành được 1 HCB ở nội dung 200 m nữ, 1 HCĐ ở nội dung 100 m nữ. Tiếp theo đó, cô được tham dự ASIAD 19 để tích lũy kinh nghiệm và vào chung kết cả 2 nội dung sở trường. Dù không thể giành được tấm huy chương nào nhưng cô cũng cố gắng cải thiện thành tích ở nội dung 100 m nữ: từ 11 giây 75 lên 11 giây 58. Ở giải vô địch điền kinh trẻ châu Á 2024, chỉ số này tiếp tục giảm đáng kể, còn 11 giây 40 và mang về cho VĐV quê Long An tấm HCB cũng như một suất dự giải U.20 thế giới.

Chỉ trong vòng 2 năm, Nhi Yến gần như "lột xác". Cô khẳng định: "Việc được thi đấu, cọ xát liên tục ở các giải quốc tế giúp tôi trưởng thành hơn. Tâm lý sợ hãi, lo lắng không còn nữa. Tôi đã vững vàng hơn. Thành tích của tôi cũng duy trì ở mức ổn định. Chênh lệch giữa các lần tập luyện, thi đấu không còn cách xa, trung bình là 11 giây 42". Việc được góp mặt tại Thế vận hội cũng sẽ mang lại cho Nhi Yến rất nhiều kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong tương lai. Đây sẽ là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp để cô có thể trở thành "Nữ hoàng tốc độ" của điền kinh VN. 

Mỹ Tiên có sở trường ở các cự ly dài của nội dung bơi tự do. Thành tích tốt nhất của cô là tấm HCB ở SEA Games 2022 tại sân nhà. Tham dự Olympic 2024, Tiên sẽ thi đấu ở nội dung 200 m hỗn hợp, một nội dung không phải thế mạnh của cô.

Trong khi đó ở môn điền kinh, tại Olympic Tokyo năm 2021, nhà vô địch nội dung 100 m nữ là Elaine Thompson-Herah về đích với thành tích 10 giây 61. Người về thứ 8 ở chung kết là VĐV người Anh Daryll Neita có thành tích 11 giây 12. Rõ ràng, ở một bộ môn như điền kinh, sự khác biệt về thể chất tạo ra khoảng cách quá lớn giữa các VĐV đẳng cấp thế giới và VĐV châu Á như Nhi Yến. Vì thế, tài năng trẻ của chúng ta đặt mục tiêu phá vỡ kỷ lục của bản thân khi tham dự Olympic Paris 2024.

Chinh phục đỉnh Olympic: Bàn đạp cho tương lai, làn gió mát từ 2 tài năng 19 tuổi- Ảnh 4.

Đồ họa: Nguyễn Hải Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.