Chinh phục Olympic: Chờ kỳ tích từ 2 'mũi tên vàng'

22/07/2024 06:26 GMT+7

Trong danh sách 39 thành viên của đoàn thể thao VN dự Olympic 2024, đội tuyển bắn cung đóng góp 2 gương mặt đặc biệt xuất sắc. Nếu Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã trở thành nhân tố quen thuộc bởi đây là lần thứ 2 cô gái này có vé dự Thế vận hội, thì 'tân binh' Lê Quốc Phong lại tạo sự chú ý bởi câu chuyện khá thú vị xung quanh anh.

NIỀM TIN MÃNH LIỆT THẦY DÀNH CHO TRÒ

Chưa đầy 2 năm khoác áo đội tuyển bắn cung quốc gia, Lê Quốc Phong khiến tất cả phải sửng sốt khi anh có vé chính thức đến Olympic Paris 2024. Hiếm một chuyên gia, HLV nào ở các môn thi đấu của thể thao VN lại tự tin khẳng định học trò có "cửa" tranh huy chương ở Olympic 2024, nhưng thầy của Phong lại đặt niềm tin mãnh liệt vào chàng trai 24 tuổi.

Chinh phục Olympic: Chờ kỳ tích từ 2 'mũi tên vàng'- Ảnh 1.

Lê Quốc Phong và chuyêb gia Hàn Quốc

Ngày 17.6.2024 là cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời của Phong. Cung thủ sinh năm 2000 đánh bại Ram Krishna Saha (Bangladesh) với tỷ số 6-2 để lọt vào bán kết Cúp bắn cung thế giới 2024; qua đó anh giành tấm vé chính thức tới Olympic Paris 2024. Đó là khoảnh khắc mang tính lịch sử nhưng cô đọng cho cả quá trình rèn luyện bền bỉ và sự thăng tiến vững chắc của Phong.

Phong sinh ra trong gia đình thuần nông ở ấp Phú Hữu Đông, xã Phú Thịnh (H.Tam Bình, Vĩnh Long). Năm 14 tuổi, khi anh đang theo học tại Trường cấp 2 - 3 Phú Thịnh, thì các thầy ở Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Vĩnh Long đến tuyển chọn VĐV theo thông lệ hằng năm. Cậu học sinh đã ngay lập tức "lọt mắt xanh" của các tuyển trạch viên bởi ở cậu toát lên sự tự tin, thần thái khá đặc biệt. Sau khi kiểm tra thêm, các thầy còn phát hiện Phong có tố chất để theo đuổi môn bắn cung, vốn đòi hỏi sự điềm tĩnh, sức khỏe dẻo dai cùng tinh thần thép.

Chinh phục Olympic: Chờ kỳ tích từ 2 'mũi tên vàng'- Ảnh 2.

Ánh Nguyệt và Quốc Phong đã đến Pháp. Hai cung thủ đã có buổi tập đầu tiên ở nước bạn

Phong được chọn vào đội bắn cung của tỉnh và có thể là duyên phận, cậu lập tức yêu thích nó. Ông Hồ Thanh Sang, HLV đội bắn cung Vĩnh Long, chia sẻ: "Phong có tác phong tập luyện, thi đấu rất chuyên nghiệp. Trong sinh hoạt hằng ngày, Phong cũng luôn chỉn chu và sự chỉn chu ấy đã tạo nên một VĐV giỏi". Sớm phát hiện đây là nhân tố, viên ngọc thô có thể mài sáng, Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Vĩnh Long tạo mọi điều kiện tập huấn tốt nhất và đăng ký cho Phong tham dự các giải nhằm cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, trau dồi yếu tố chuyên môn.

Chinh phục Olympic: Chờ kỳ tích từ 2 'mũi tên vàng'- Ảnh 3.

Chỉ sau hai năm, Phong được triệu tập lên đội tuyển trẻ quốc gia. Anh có ý chí phấn đấu và nghị lực phi thường. 7 năm sau, anh được gọi vào đội tuyển quốc gia, đánh dấu cột mốc mới của sự nghiệp. Ở các giải quốc nội, cung thủ người Vĩnh Long liên tiếp gặt hái thành công với 4 HCV năm 2022, 15 HCV năm 2023 và 4 HCV năm 2024. Lên đội tuyển, anh không mất quá nhiều thời gian để sớm khẳng định tài năng. Tháng 5.2024, anh trở thành cung thủ đầu tiên của VN giành hạng 4 tại giải bắn cung thế giới. Một thành tích hết sức tự hào, bồi đắp thêm cho hy vọng mới của thể thao VN.

Và chỉ 1 tháng sau đó, Phong giành vé đến Paris trong sự bất ngờ và cả không… bất ngờ của giới chuyên môn. Nói bất ngờ vì anh mới khoác áo đội tuyển vỏn vẹn gần 2 năm. Nhưng cũng không bất ngờ bởi anh rất giỏi và tài năng. Chuyên gia, HLV trưởng Park Chae-soon tiết lộ, Phong đang nuôi giấc mơ lớn bằng sự quyết tâm cao độ và từng ngày nỗ lực hoàn thiện kỹ thuật, chờ bùng nổ ở Olympic. Cùng với Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Phong được bố trí tập luyện với những điều kiện đặc biệt, trang thiết bị riêng, hiện đại.

Vị chuyên gia người Hàn Quốc đặt niềm tin lớn vào Phong, và mơ về kỳ tích mới cho bắn cung VN. Ông chia sẻ: "Mặc dù mới lên đội tuyển quốc gia tập huấn gần 2 năm nhưng Phong đã cho thấy sự tiến bộ rõ rệt về trình độ chuyên môn. Với những thành tích đạt được đang ngày một tốt hơn, nếu Phong duy trì phong độ, không ngừng rèn luyện kỹ thuật, cộng với một chút may mắn trong khi thi đấu thì cơ hội cạnh tranh huy chương tại Olympic Paris của Phong là rất lớn".

Phong bày tỏ: "Chúng tôi duy trì khối lượng bắn 400 - 500 lượt/ngày. Càng gần thi đấu, khối lượng có thể tăng lên, giúp kỹ thuật đạt độ thuần thục".

VƯỢT QUA CHÍNH MÌNH

Về Đỗ Thị Ánh Nguyệt, chuyên gia, HLV trưởng Park Chae-soon nhận định: "Ánh Nguyệt có lợi thế và kinh nghiệm hơn so với Lê Quốc Phong vì đây là lần thứ 2 Nguyệt tham dự sân chơi Olympic nên ít nhiều cô đã nắm bắt được phạm vi, cách thức thi đấu ở đấu trường rất vĩ đại này".

Chinh phục Olympic: Chờ kỳ tích từ 2 'mũi tên vàng'- Ảnh 4.

Đỗ Thị Ánh Nguyệt quyết tâm tạo bất ngờ ở Olympic 2024

REUTERS

Cô gái sinh năm 2001 viết nên cột mốc mới cho bắn cung VN khi trở thành cung thủ đầu tiên hai lần tham dự sân chơi Olympic. Lần trước ở Tokyo năm 2021, cô khiến tất cả phải ngỡ ngàng khi có vé dự Olympic tại giải châu Á và là VĐV nhỏ tuổi nhất của đoàn thể thao VN tại Thế vận hội năm 2020 (thi đấu năm 2021 vì ảnh hưởng của Covid-19). Lần này, Nguyệt nằm trong số 5 VĐV cuối cùng của toàn thế giới được trao suất, khi nội dung cung 1 dây nữ được thêm suất do có VĐV rút lui vì trùng nội dung thi đấu khác. Tất nhiên Nguyệt sẽ không thể có tên trong 5 suất cuối cùng nếu cô không tích lũy được số điểm cần thiết. Cô đoạt vị trí cao trên bảng xếp hạng thế giới khi giành được 27 điểm tại giải vô địch châu Á 2023, giành được 21 điểm tại ASIAD 19, 20 điểm tại giải vô địch thế giới 2023 và 17 điểm tại vòng loại Olympic châu Á 2023.

Chinh phục Olympic: Chờ kỳ tích từ 2 'mũi tên vàng'- Ảnh 5.

Ánh Nguyệt lần thứ hai đến Olympic

Nguyệt thi đấu không thành công ở SEA Games 31 trên sân nhà và không lọt vào tốp có huy chương ở ASIAD 19. Thậm chí, nhiều thời điểm ở các giải trong nước, cô cũng không còn là chính mình. Nhưng tấm vé đến Olympic Paris có thể là bước ngoặt để cô trở lại với ánh hào quang, với những thành tích nổi bật. Cô có thể không bị ngợp ở sân chơi lớn như Olympic. Nguyệt có thừa kinh nghiệm trận mạc và giờ là lúc cô cần phát huy hết khả năng, để xứng đáng với sự kỳ vọng bấy lâu của giới chuyên môn cũng như người hâm mộ. Ngoài nội dung đơn nữ và đơn nam cung 1 dây, Ánh Nguyệt cùng Quốc Phong còn thi đấu cả nội dung hỗn hợp cung 1 dây nam nữ. Mọi người đang rất tin! (còn tiếp) 

CẠNH TRANH QUYẾT LIỆT

Theo bảng xếp hạng từ Liên đoàn Bắn cung thế giới, ở nội dung cung 1 dây nam, Lê Quốc Phong đứng thứ 46 với 101 điểm. Điểm số này được tích lũy thông qua các giải đấu quốc tế có tính điểm. Đó là 48 điểm khi giành hạng tư Cúp bắn cung thế giới 2024, 24 điểm cho hạng tư vòng loại Olympic tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2024, 21 điểm khi đoạt hạng 9 Cúp bắn cung thế giới 2022 ở Trung Quốc và 8 điểm khi đoạt hạng 17 tại vòng loại Olympic diễn ra ở Thái Lan tháng 12.2023. Ở nội dung này, 3 VĐV xếp đầu là Marcus D''Almeida (Brazil, 359 điểm), Kim Woo-jin (Hàn Quốc, 288 điểm), Lee Woo-seok (Hàn Quốc, 258 điểm).

Ở nội dung cung 1 dây nữ, Đỗ Thị Ánh Nguyệt xếp hạng 70 với 85 điểm. Nữ cung thủ 23 tuổi tích lũy 27 điểm cho hạng 7 giải châu Á 2023 ở Thái Lan, 21 điểm cho hạng 9 Cúp bắn cung thế giới 2022 tại Trung Quốc, 20 điểm cho hạng 17 Cúp bắn cung thế giới 2023 ở Đức và 17 điểm với hạng 8 vòng loại Olympic ở Thái Lan tháng 11.2023. Casey Kaufhold (Mỹ) xếp đầu với 313 điểm, Lim Si-hyeon (Hàn Quốc) xếp thứ 2 với 280 điểm, Alejandra Valenia (Ý) xếp thứ 3 với 275 điểm.

Đây đều là bảng xếp hạng mang tính chất tham khảo khi bước vào Olympic 2024. Song có thể thấy, con đường đến với tấm huy chương sẽ đầy chông gai với hai cung thủ của VN.

Chinh phục Olympic: Chờ kỳ tích từ 2 'mũi tên vàng'- Ảnh 6.

Chinh phục Olympic: Chờ kỳ tích từ 2 'mũi tên vàng'- Ảnh 7.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.