Căng thẳng giữa chính quyền trung ương Mali và phe ly khai miền bắc lại nổi lên kể từ khi quân đội Mali củng cố quyền lực trong hai cuộc chính biến vào năm 2020 và 2021, hợp tác với công ty quân sự tư nhân Nga Wagner và trục xuất lực lượng Pháp và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, theo Reuters.
Trong một tuyên bố được đọc trên truyền hình nhà nước, giới chức quân sự Mali nhấn mạnh không thể tiếp tục thỏa thuận do các bên ký kết khác không tuân thủ cam kết và "hành động thù địch" của Algeria. Do đó, họ nói rằng cái gọi là Hiệp định Algiers, do Liên Hiệp Quốc làm trung gian, không còn khả thi nữa. Về thỏa thuận, chính quyền quân sự Mali "tuyên bố kết thúc và có hiệu lực ngay lập tức".
Trong khi đó, CMA, liên minh gồm các nhóm nổi dậy được thành lập bởi người Tuareg ở Mali, cho hay họ không ngạc nhiên trước quyết định trên của chính quyền quân sự Mali. Phát ngôn viên CMA Elmaouloud Ramadane cho hay: "Chúng tôi đã dự đoán điều đó sẽ đến kể từ khi họ đưa Wagner đến, đánh đuổi MINUSMA (nhóm gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc) và bắt đầu các hoạt động thù địch bằng cách tấn công các vị trí của chúng tôi trên thực địa. Chúng tôi biết mục đích là chấm dứt thỏa thuận".
Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Algeria, vốn là bên trung gian hòa giải chính trong nỗ lực khôi phục hòa bình cho miền bắc Mali sau thỏa thuận được ký kết tại thủ đô Bamako vào năm 2015 giữa chính phủ Mali và các nhóm vũ trang chủ yếu là người Tuareg. Thỏa thuận đó được nhiều nhà phân tích xem là rất quan trọng để ổn định Mali, một quốc gia nghèo và không giáp biển ở Tây Phi.
Ngoại trưởng Lavrov: Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Mali
Thỏa thuận đã bắt đầu có dấu hiệu bị phá vỡ vào năm ngoái, khi giao tranh giữa phe ly khai và quân đội của chính phủ Mali nổ ra vào tháng 8 sau 8 năm yên bình. Khi đó, cả hai bên tranh giành để lấp đầy khoảng trống do lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc rút đi.
Trong khi đó, chính quyền quân sự Mali cáo buộc nước láng giềng Algeria đang cho một số nhóm ly khai đã ký thỏa thuận đặt văn phòng đại diện trên lãnh thổ của nước này, trong đó có một số nhóm đã trở thành "các phần tử khủng bố", theo AFP.
Vào tháng 12.2023, Mali đã triệu tập đại sứ Algeria về điều họ gọi là "can thiệp" và "hành động không thân thiện", cáo buộc nhà ngoại giao này đã tổ chức các cuộc gặp với phe ly khai Tuareg mà không có sự tham gia của phía Mali.
Bình luận (0)