Liên minh Khuôn khổ Chiến lược thường trực vì Hòa bình, An ninh và Phát triển (CSP) kêu gọi dân thường di chuyển khỏi các cơ sở quân sự, theo AFP. CSP được thành lập vào tháng 5.2021 bởi các nhóm vũ trang chính ở miền bắc Mali đã ký kết thỏa thuận hòa bình năm 2015.
Chính quyền vùng Gao thuộc phía đông bắc Mali ngày 10.9 thông báo họ đã áp dụng lệnh giới nghiêm qua đêm kéo dài 30 ngày từ 20 giờ tối đến 6 giờ sáng, chỉ miễn trừ các phương tiện an ninh.
Tuyên bố của CSP được đưa ra sau vụ tấn công tự sát ngày 8.9 nhắm vào một căn cứ quân sự ở miền bắc Mali, một ngày sau cuộc tấn công của các thành phần thánh chiến đáng nghi nhắm vào một trại quân đội và một tàu chở khách, khiến 64 người chết.
Điều phối các phong trào Azawad (CMA), một liên minh gồm các nhóm độc lập Tuareg và các nhóm dân tộc Ả Rập, một trong những bên tham gia CSP, ngày 9.9 tuyên bố rằng họ đã bắn hạ một máy bay quân sự ở vùng Gao sau khi bị tấn công. Nếu được xác nhận, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm xảy ra vụ việc như thế, theo AFP.
Quân đội Mali đã đề cập một "sự cố" mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Người đứng đầu lực lượng Không quân Mali, tướng Alou Boi Diarra, phát biểu trên truyền hình nhà nước rằng một chiếc máy bay đã gặp "vài vấn đề kỹ thuật" mà đã khiến phi hành đoàn phải nhảy ra ngoài và máy bay đã rơi. Ông Diarra khẳng định phi hành đoàn đã được cứu và an toàn, nhưng không nêu rõ nhiệm vụ của chiếc máy bay rơi.
Trong những tuần gần đây, liên minh CSP đã tố cáo một số hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn năm 2014 và hiệp định hòa bình năm 2015. Họ cũng đã lên án điều mà họ gọi là "chiến lược ngừng bắn hiện tại" của chính quyền quân sự, xem chiến lược đó được thiết kế để phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn năm 2014. CSP cảnh báo rằng họ sẽ phải sử dụng "tất cả các biện pháp phòng thủ hợp pháp" trên khắp vùng Azawad thuộc phía bắc Mali.
CSP lo ngại rằng việc rút quân của lực lượng Liên Hiệp Quốc có thể tạo cho chính quyền quân sự một "cái cớ" để giành lại các khu vực mà chính quyền trung ương đã nhường quyền kiểm soát theo các thỏa thuận năm 2014 và 2015.
Sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc rời khỏi căn cứ của họ vào tháng trước, đã xảy ra các cuộc đụng độ giữa quân đội và các thành phần thánh chiến, cũng như giữa quân đội và CMA, theo AFP.
Mali đã phải vật lộn với tình trạng bất ổn kể từ năm 2012, khi một cuộc nổi dậy do người dân tộc Tuareg lãnh đạo nổ ra ở phía bắc của đất nước. Cuộc nổi dậy ở phía bắc chính thức kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình được ký kết giữa phe nổi dậy trong khu vực và chính phủ Mali vào năm 2015.
Ngoại trưởng Lavrov: Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Mali
Tuy nhiên, thỏa thuận mong manh này đã trở nên căng thẳng sau khi chính phủ dân sự bị lật đổ vào năm 2020 và được thay thế bởi chính quyền quân sự, theo AFP.
Bình luận (0)