AFP ngày 1.10 đưa tin chính quyền quân sự Myanmar ngày 30.9 tuyên bố đặc phái viên của ASEAN về Myanmar sẽ khó gặp được cựu Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.
Người phát ngôn của quân đội Myanmar, ông Zaw Min Tun, cho biết họ sẽ "khó cho phép diễn ra các cuộc gặp với những người đang bị xét xử".
“Chúng tôi sẽ cho phép đặc phái viên gặp các tổ chức chính thức”, ông Zaw Min Tun nói thêm. Tuy nhiên, người phát ngôn không cung cấp chi tiết về thời điểm Myanmar sẽ cho phép đặc phái viên đến nước này.
Ngoại trưởng thứ hai của Brunei, ông Erywan Yusof, đã được chọn làm đặc phái viên của ASEAN về Myanmar vào tháng 8. Ông Yusof được giao nhiệm vụ hỗ trợ đối thoại ở Myanmar và đã kêu gọi nước này cho phép ông gặp tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng.
Ông Yusof được bổ nhiệm làm đặc phái viên của ASEAN trong bối cảnh tổ chức này đang hứng chịu áp lực từ cộng đồng quốc tế trong việc phải hạ nhiệt căng thẳng ở Myanmar.
Bà Aung San Suu Kyi (76 tuổi) đang bị xét xử vì một loạt tội danh, bao gồm vi phạm quy định chống Covid-19, nhập khẩu bộ đàm trái phép, kích động nổi loạn và nhận hối lộ. Nếu bị tuyên có tội với tất cả cáo buộc trên, bà Suu Kyi có thể phải ngồi tù hàng chục năm.
Các luật sư của bà Suu Kyi vào tuần trước cho biết cựu cố vấn vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu gặp mặt nào từ các tổ chức trong và ngoài nước.
AFP dẫn lời nhà phân tích chính trị Mg Mg Soe cho biết các cuộc đàm phán sẽ không có kết quả nếu đặc phái viên không được gặp bà Suu Kyi. "Họ chỉ có thể tiến thêm một bước và quyết định cách thức đàm phán sau khi lắng nghe từ cả hai phía", chuyên gia này nhận định.
Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing đã hứa sẽ tổ chức bầu cử và dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại nước này vào tháng 8.2023.
Bình luận (0)