Qua nhiều năm triển khai và áp dụng rộng rãi, mô hình chính quyền số của Quảng Ninh không chỉ đem lại tiện ích, giảm phiền hà cho người dân mà còn tiết kiệm hàng chục tỉ đồng ngân sách cho nhà nước mỗi năm.
Người dân… ngồi nhà làm thủ tục hành chính
Hồi đầu tháng 11, anh N.T.T (38 tuổi, khu 7, P.Bãi Cháy, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) có nhu cầu đổi giấy phép lái xe. Thay vì phải đến Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh để làm thủ tục như trước đây thì giờ anh chỉ cần ngồi nhà, vào mạng internet, thực hiện mọi thao tác đăng ký đổi giấy phép trên website của Sở. “Chỉ sau có 3 ngày là tôi đã được hẹn đến để nhận giấy phép lái xe mới”, anh Tùng phấn khởi nói.
Còn bà N.T.X, 50 tuổi, xã Thống Nhất, H.Hoành Bồ (Quảng Ninh) từ lâu đã quen với việc đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Bãi Cháy, TP.Hạ Long qua internet. Mỗi lần có kế hoạch khám bệnh, chỉ cần ngồi nhà truy cập vào website của bệnh viện là bà X. có thể đăng ký thông tin ngày giờ đi khám hay chọn vị bác sĩ sẽ khám cho mình. Chưa hết, với thẻ khám bệnh thông minh, bà X. chỉ cần “quẹt” tại kios ở sảnh bệnh viện là có thể kiểm tra được lịch sử khám bệnh hoặc dùng nó để thực hiện thanh toán viện phí qua ngân hàng một cách dễ dàng.
Hiện sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện các thủ tục hành chính đã trở thành thói quen đối với mỗi người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tính đến tháng 10.2018, các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã cung ứng 6.100 thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 3, chiếm 65,8% tổng số thủ tục hành chính. Với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 này, người dân và doanh nghiệp có thể giao tiếp với chính quyền 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ nơi đâu có kết nối mạng internet.
Theo Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian qua, số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gửi qua mạng ngày càng có xu hướng tăng. Nếu như 6 tháng cuối năm 2016, khi dịch vụ công mức độ 3 được đưa vào triển khai, toàn tỉnh mới có trên 1.700 hồ sơ hành chính giao dịch mức độ này thì năm 2017 đã có trên 14.000 hồ sơ thủ tục, và đến 8 tháng đầu năm 2018 con số này đã lên tới trên 18.000.
Tiết kiệm hàng chục tỉ đồng mỗi năm với “văn phòng không giấy tờ”
Để đạt được những con số thống kê ấn tượng kể trên, ngay từ năm 2014, tỉnh Quảng Ninh đã bắt tay vào việc xây dựng chính quyền điện tử với mục tiêu đem đến tiện ích tối đa cho người dân, doanh nghiệp và tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Không chỉ ở những huyện thị trung tâm mà ngay cả các địa phương vùng sâu, vùng xa trong tỉnh giờ đây cũng đã hình thành nên những “văn phòng giao dịch hành chính công không giấy tờ”.
Cụ thể như ngay ở xã vùng sâu Tình Húc thuộc huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh), trong 3 năm qua cũng đã có trên 10.000 công văn được thực hiện qua mạng internet.
Ông Vi Hồng Lâm, Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã Tình Húc cho biết, nếu phải giao dịch và xử lý các thủ tục, hồ sơ hành chính theo cách như trước đây thì xã này phải in 10.000 công văn đó ra và đem đi gửi bưu điện, rất tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc.
Theo ông Võ Đức Hạnh, Phó ban thường trực Ban Quản lý điều hành dự án Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh, tính đến tháng 11.2018, Quảng Ninh đã có khoảng 5 triệu văn bản được trao đổi qua mạng giữa 609 đơn vị trong tỉnh. “Với trung bình khoảng 7.000 đồng/lần chuyển phát nhanh, nếu gửi qua bưu điện số văn bản trên, ngân sách Quảng Ninh sẽ mất gần 35 tỉ đồng, chưa kể đến chi phí mua hàng tấn giấy tờ dành để in ấn văn bản”, ông Hạnh nói.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, sau hơn 5 năm áp dụng chính quyền điện tử, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn đã giảm tới hơn 40% thời gian làm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí xã hội lên tới 70 tỉ đồng/năm.
“Sắp tới các địa phương sẽ tiếp tục rà soát bộ thủ tục hành chính sao cho ngắn gọn hơn nữa, nâng cao tính giải trình cho người dân. Nếu hồ sơ nào giải quyết trễ hẹn thì phải có thư xin lỗi trực tiếp người dân. Chúng tôi đang nỗ lực hướng tới một nền hành chính phục vụ, nên luôn lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả”, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nói.
Bình luận (0)