Vậy là, bằng cách đơn giản nhất và nhanh nhất, người dân và du khách ở Đà Nẵng có thể tương tác, cung cấp, phản ánh thông tin, kiến nghị, gửi hình ảnh vi phạm về trật tự, an toàn giao thông cũng như những bất cập trong tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố. Đây đồng thời cũng là kênh thông tin giám sát tác phong và đạo đức công vụ của CSGT Đà Nẵng.
Từ năm 2013, Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ứng dụng mạng xã hội Facebook để tương tác với người dân, tiếp nhận thông tin và xử lý các vấn đề về quản lý đô thị.
Dường như những cách làm đó biến câu khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trở nên hiện thực hơn bao giờ hết.
Chẳng hạn, sau bão số 11 năm 2013 ở Đà Nẵng, nhiều công trình công cộng ở Đà Nẵng có biểu hiện kém chất lượng đã được người dân cung cấp cho cơ quan quản lý để kiểm tra và xử lý. Không chỉ tiếp nhận các bức xúc, trang Facebook của quản lý đô thị Đà Nẵng còn là nơi đón nhận các ý tưởng xây dựng, phát triển đô thị Đà Nẵng.
Đơn cử, khi bão kéo đến Đà Nẵng, các thành viên Facebook lập tức kêu gọi Hội Kiến trúc sư, Sở Xây dựng làm sổ tay hướng dẫn kỹ thuật xây dựng nhà vùng bão lụt; hướng dẫn cách neo, giằng nhà cửa khỏi bị tốc mái. Nhiều người còn đóng góp thêm tài liệu tham khảo cho Phòng Quản lý đô thị. Ngay sau đó, ông Vũ Quang Hùng, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, đã online trên Facebook để cung cấp tài liệu, cẩm nang chống bão của Mỹ cho cán bộ Sở Ngoại vụ dịch ra tiếng Việt, biên tập và phát hành rộng rãi.
Quan sát website chính phủ của nhiều quốc gia ngay trong khu vực Đông Nam Á gần chúng ta thôi, dễ nhận thấy nút bấm kết nối đến các mạng xã hội như Facebook, Twitter là một thành phần không thể thiếu trên trang chủ. Tìm cách kết nối với người dân qua tất cả các kênh có thể là cách đơn giản và nhanh nhất để một chính quyền thật sự gần dân, vì dân.
Theo thống kê gần đây, VN hiện có hơn 30 triệu người dùng thường xuyên trên Facebook, tương đương khoảng 1/3 dân số. Con số này đến nay có thể đã cao hơn nhiều. Và còn tiếp tục tăng nữa. Con số như khẳng định một xu thế phát triển khách quan của cuộc sống, và việc tương tác của chính quyền thông qua mạng xã hội ngày càng cần thiết. Việc chủ động kết nối và tương tác với dân trên mạng xã hội để lắng nghe và trao đổi với dân... đang trở nên phổ biến và hiệu quả.
Bình luận (0)