Theo Bloomberg, các doanh nghiệp Mỹ được hỗ trợ bởi một số chính sách của ông Trump đang bắt đầu đầu tư và chi tiêu vốn. Song theo chuyên gia James Sweeney thuộc Credit Suisse, phần lớn số vốn này chảy về châu Á vì Trung Quốc vẫn còn là nhà máy của thế giới.
“Khi doanh nghiệp Mỹ tăng mở rộng thì Mỹ sụt giảm mạnh về mặt cán cân thương mại. Cải cách thuế làm thâm hụt lớn hơn vì hàng hóa vốn mà các doanh nghiệp tăng mua đến từ châu Á”, ông Sweeney nhận định.
Chuyên gia kinh tế này cho hay Trung Quốc chiếm khoảng 30% năng lực sản xuất toàn cầu, và đây sẽ là tình huống tiếp tục tồn tại trong nhiều năm tới. Điều này đồng nghĩa với việc căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không biến mất.
Ông Trump thường xuyên cho rằng Trung Quốc có các động thái thiếu công bằng về mặt thương mại. Ông cũng đổ lỗi cho nước này khiến Mỹ có thâm hụt thương mại khổng lồ, làm hại người lao động và doanh nghiệp Mỹ. Thâm hụt thương mại Mỹ - Trung đạt mức cao kỷ lục là 275,81 tỉ USD vào năm ngoái.
Tổng thống Mỹ đã yêu cầu Đại lục lên kế hoạch cắt giảm thâm hụt trong cán cân thương mại đôi bên. Ông cũng áp dụng chính sách bảo hộ, áp thuế thép và nhôm cao, để thúc đẩy kinh tế Mỹ. Thâm hụt thương mại và thâm hụt tài khoản vãng lai là lý do vì sao Credit Suisse vẫn giữ quan điểm bi quan về USD, dù kinh tế Mỹ mạnh hơn có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất bốn lần trong năm nay.
Bình luận (0)