Chính sách đặc thù TP.HCM: Tránh nhiều số lượng nhưng hạn chế sức nặng, tính sáng tạo

Lê Hiệp
Lê Hiệp
12/05/2023 10:55 GMT+7

Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đề nghị làm rõ các chính sách đặc thù đề xuất đã tháo gỡ được vướng mắc cho TP.HCM hay chưa, cho rằng cần tập trung vào các chính sách đột phá.

Đã đủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc?

Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội vừa hoàn thành báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (sau đây gọi tắt là Nghị quyết) dự kiến sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cuối chiều nay 12.5.

Chính sách đặc thù TP.HCM: Tránh nhiều số lượng nhưng hạn chế sức nặng, tính sáng tạo - Ảnh 1.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đề nghị các chính sách đặc thù cho TP.HCM cần tập trung tạo sự đột phá, tránh nhiều số lượng nhưng hạn chế sức nặng, tính sáng tạo

GIA HÂN

Tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, cho rằng hồ sơ cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp 5 sắp tới, song cơ quan thẩm tra cũng đánh giá, phạm vi chính sách được đề xuất khá rộng, trên nhiều lĩnh vực; một số chính sách mới, có tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước, đời sống, xã hội, quan hệ đối ngoại, đồng thời chứa đựng nhiều quy định khác với luật pháp hiện hành.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị báo cáo đánh giá tác động cần cụ thể cả mặt tích cực, khó khăn, tác động không đồng thuận nếu triển khai thực hiện cũng như chi tiết hơn về kết quả đầu ra; đặc biệt là với các chính sách tác động đến thu - chi ngân sách nhà nước.

Về các chính sách đề xuất, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều chính sách TP.HCM đề xuất, thuộc 7 nhóm trên các lĩnh vực khác nhau: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên - môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học - công nghệ đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của thành phố; tổ chức bộ máy của TP.Thủ Đức (TP.HCM).

Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị cần làm rõ: "Với phạm vi chính sách như đề xuất đã đủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách pháp luật, đang cản trở tiến trình phát triển của thành phố hay chưa?".

"Xét về số lượng chính sách là tương đối rộng. Do vậy, đề nghị có sự lựa chọn, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải để bảo đảm chính sách thực sự có thể đi vào cuộc sống", báo cáo nêu rõ.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc các vấn đề chưa rõ, có thể dẫn đến xung đột pháp luật, vướng mắc khi triển khai như đề xuất trình Quốc hội thí điểm các chính sách xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM; thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) hoạt động theo mô hình liên đoàn hợp tác xã.

Chú trọng những chính sách thực sự đột phá

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng đề nghị cần chú trọng hơn những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả về tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.

"Đề nghị nghiên cứu để có bước thực sự đột phá, thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, tránh nhiều về số lượng chính sách nhưng hạn chế về sức nặng, tính sáng tạo; một số quy định còn dập khuôn như các địa phương khác (chuyển đổi đất trồng lúa, quy hoạch, thu hút nhà đầu tư chiến lược…), trong khi đó có thể nghiên cứu trên nền các chính sách này để vận dụng theo hướng đột phá hơn, mạnh mẽ, tương xứng với quy mô, vị thế của thành phố.

Bên cạnh đó, cơ quan này cho rằng, dự thảo quy định theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ; nhiều quyền hạn được giao cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy còn thiếu vắng các quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.

Vì vậy, đề nghị rà soát, bổ sung các quy định về chế độ trách nhiệm, bảo đảm đúng nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm.

Cùng đó, cơ quan thẩm tra cho rằng, với nhiều nhiệm vụ vốn giao cho HĐND, UBND nay đề xuất phân cấp thì để triển khai cần khá nhiều văn bản hướng dẫn về quyền hạn, quy trình, thủ tục.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị quy định rõ những công việc cần triển khai, giao trách nhiệm cụ thể, tránh tình trạng ban hành xong Nghị quyết nhưng thiếu căn cứ, dẫn đến không thể vận hành; các tổ chức, cá nhân, các cấp, các ngành không rõ định hướng triển khai.

Về cơ chế ủy quyền, đề nghị bảo đảm đúng nguyên tắc ủy quyền một cấp, đồng thời bổ sung quy định về tăng cường giám sát việc thực hiện, bảo đảm thực thi chính sách hiệu quả. 

Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, một số đề xuất của Chính phủ tại dự thảo Nghị quyết không thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội như quy định bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường… Do đó, đề nghị không quy định các nội dung này tại Nghị quyết.

Dự thảo Nghị quyết dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp 5 khai mạc ngày 22.5 tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.