Chính sách giữ 'lửa' cho doanh nghiệp

10/07/2017 08:29 GMT+7

Các chủ trương lớn về doanh nghiệp và nông nghiệp phải sớm đi vào cuộc sống để giữ “lửa”, tạo động lực phát triển. Đó là tâm tư của nhiều doanh nghiệp.

Bài học từ hạt gạo, con tôm


Thay đổi tư duy của “người nhà nước”
Vấn đề thật sự của DN không chỉ là vốn hay đất đai mà chính là tư duy quản lý điều hành của bộ máy công quyền mà trực tiếp là các cán bộ thực thi công vụ. TS Nguyễn Thị Hồng Minh than phiền: “Thấy những văn bản điều hành, quản lý ngành lúa gạo tôi rất sợ vì... nó không khác gì thời bao cấp”.

Trong nền nông nghiệp VN hiện nay, con tôm được xem là sản phẩm có sức cạnh tranh cao nhất trên thị trường thế giới. Lý do theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN-PTNT) là ngành này phần lớn dựa vào doanh nghiệp (DN) tư nhân. Họ đã đầu tư bài bản với hàng loạt nhà máy, dây chuyền chế biến hiện đại ngang tầm thế giới. So sánh giữa ngành hàng tôm và gạo sẽ thấy 2 bức tranh hoàn toàn khác nhau. Trong ngành gạo, các DN nhà nước là Vinafood 1 và 2 cùng hệ thống các DN thành viên ở các tỉnh đóng vai trò chủ đạo nhưng ngày càng không thể hiện được vai trò của mình dù được hưởng nhiều ưu đãi. Ngược lại ở ngành tôm không thấy có DN nhà nước nào đóng vai trò dẫn dắt mà phần lớn là các DN tư nhân, dù có gặp khó khăn về thị trường nhưng trước giờ vẫn hoạt động tốt. “Đây là bằng chứng hết sức rõ ràng về chủ trương khuyến khích DN tư nhân phát triển là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu hướng phát triển”, bà Minh đúc kết.
Nhiều DN đề nghị với chương trình nông nghiệp công nghệ cao cần có những hướng dẫn hay nghị định cụ thể để DN dễ tiếp cận với nguồn vốn. Ông Huỳnh Quang Đấu, Chủ tịch HĐQT Công ty rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) dẫn chứng, cách đây một năm công ty ông đầu tư nhà máy mới trị giá 7 triệu USD với lãi suất 10%/năm. Lãi suất cao như vậy thì hiệu quả kinh doanh rất hạn chế trong khi rau quả xuất khẩu là xu hướng mới của ngành nông nghiệp VN. Chính vì vậy, ông mong các chủ trương này sớm đi vào cuộc sống để DN dễ dàng tiếp cận được vốn ưu đãi cho nông nghiệp.
Không nên giới hạn tích tụ ruộng đất
Cũng như nhiều DN khác, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú băn khoăn: Những chủ trương gần đây của Đảng và Chính phủ là rất đúng nhưng đi vào cuộc sống còn chậm. Nông nghiệp là ngành có tính rủi ro cao nên việc có vay được vốn hay không lại rơi vào vòng luẩn quẩn. Hiện nay giá thành sản xuất tôm cao làm cho giá bán tôm cùng loại của VN cao hơn Ấn Độ khoảng 1 USD/kg, khiến sản phẩm này khó cạnh tranh. Để có lời, DN tôm phải sản xuất được hàng có giá trị gia tăng cao. Nhưng muốn vậy, phải đổi mới công nghệ để làm hàng cao cấp. Muốn vậy, lại phải có vốn... Theo ông Quang, sản phẩm muốn vào các hệ thống phân phối toàn cầu, bán được giá cao phải có chứng nhận quốc tế và truy xuất nguồn gốc. Xu hướng một vài năm tới là chứng nhận điện tử để người ta có thể thuận tiện hơn trong việc truy xuất. Điều này là rất khó với các hộ nuôi riêng lẻ vì chi phí sẽ rất cao. Chính vì vậy chỉ có hai cách là tích tụ ruộng đất và liên kết sản xuất. Công ty Minh Phú chọn mô hình DN xã hội theo hình thức nông dân góp đất và sản xuất trên chính mảnh đất của mình theo quy trình chuẩn của DN đưa ra. Có hơn 400 hộ nông dân đăng ký tham gia. Tuy nhiên, cách này lại vướng vì nếu nông dân góp đất theo hình thức cổ phần thì theo luật trên 100 cổ đông phải hoạt động theo mô hình công ty đại chúng, chịu sự quản lý của Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Cuối cùng, Minh Phú đành chọn giải pháp "lọc" chỉ còn dưới 100 nông dân tham gia để không phạm luật.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ) cho rằng, không nên hạn điền mà phải cho tích tụ ruộng đất một cách tự nhiên theo quy luật thị trường. Ai không thích làm thì bán đi, còn ai muốn làm thì tích tụ chứ không nên ép thế này thế nọ. Những người có khả năng tích tụ nên để người ta tự do làm.
Theo TS Nguyễn Văn Ngãi, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, từ sau đổi mới bắt đầu có khuyến khích đầu tư của cá thể nhưng với quy mô quá nhỏ nên cũng giậm chân tại chỗ. Gần đây có hình thành các trang trại quy mô lớn hơn nhưng cũng chưa đủ tầm để tăng tốc. “VN đã lúng túng trong việc xác định mô hình nông nghiệp hay là thành phần kinh tế chủ chốt quá lâu. Vì vậy, với các chính sách mới này nó sẽ mở đường cho các tập đoàn kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia. Tuy nhiên, chính sách phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tất cả thành phần kinh tế tham gia nhằm tạo sức bật chung cho thị trường”, TS Ngãi nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.