Tháng 11.2013 vừa qua, VN chúng ta đã đón công dân thứ 90 triệu, trở thành một cường quốc về dân số. “Bão giông” vẫn còn ở đâu đó, nhưng sự thật là chiến tranh đã lùi xa, nhu cầu tuyển quân mỗi năm hiện không nhiều (khoảng chục vạn), so với lớp thanh niên đến độ tuổi 18 hằng năm là 1,4 triệu (tính cả nam và nữ).
Không phải ai đến tuổi cũng đều cần nhập ngũ. Vì thế, đã và đang nảy sinh những bất cập cần nghiêm túc xem xét.
Có một thực tế bất thành văn, cứ đến mùa đăng ký tuyển quân, các cấp cơ sở thường có những người cầu cạnh "người nhà nước" ở địa phương mình, xin cho con em họ được tạm hoãn. Tất nhiên, bên lề câu chuyện này, ai cũng biết, người ta phải "ứng xử" ra sao thì mới được tạm hoãn. Vô tình điều này làm hỏng cán bộ công quyền lúc nào không hay.
Ý tưởng đóng góp tiền để thay thế việc đi nghĩa vụ quân sự đang còn gây tranh cãi. Song, tôi vẫn cho rằng việc cho đóng tiền là nghĩa vụ thay thế nên được chấp nhận như một sự lựa chọn tối ưu bên cạnh những nghĩa vụ thay thế khác như lao động công ích... Bởi nếu không, người ta vẫn ngầm "chạy" tạm hoãn đó thôi. Hơn nữa, nhà nước ta cũng không thể tuyển tất cả thanh niên đến tuổi nghĩa vụ vào quân đội. Chi bằng, hãy để những người vì hoàn cảnh, vì đang dở công việc có thể tham gia đóng góp thay thế, lao động công ích thay thế, thay vì đi nghĩa vụ quân sự. Nhà nước sẽ dùng khoản tiền đó hỗ trợ thêm cho đời sống chiến sĩ tham gia nghĩa vụ, nếu không đủ cải thiện cho hiện tại thì cũng có thể dùng khoản tiền đó đào tạo nghề, dùng trợ cấp thêm cho người lính đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự có một khoản trước khi họ ra quân.
Sắp tới đây, do nhu cầu phải nắm chắc hơn phương tiện vũ khí, khí tài hiện đại, luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi có khả năng sẽ kéo dài thời gian trong quân ngũ lên 24 tháng (so với 18 tháng hiện hành). Sau 24 tháng mới thay quân, cũng đồng nghĩa lượng tân binh sẽ tuyển còn ít hơn hiện tại. Báo Thanh Niên từng tổ chức thăm dò dư luận và đã có 91,74% ý kiến tán đồng chính sách này. Muốn vậy, Hiến pháp nước nhà cũng cần thể hiện rõ quan điểm này. Đồng thời, hy vọng nó cũng hạn chế được tiêu cực từ lâu vốn không có biện pháp gì khắc phục ở địa phương.
Trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội là giáo dục lớp trẻ ngày nay về nghĩa vụ thiêng liêng với đất nước, để thanh niên VN hào hứng với nghĩa vụ quân sự. Nhưng tùy từng điều kiện, hoàn cảnh thực tế để có chính sách phù hợp. Vấn đề là phải được luật hóa và minh bạch.
Quốc Phong
Bình luận (0)